Thứ sáu, 26/04/2024, 01:59 [GMT+7]

Phát huy vai trò của đại biểu dân cử

Chủ nhật, 22/01/2023 - 01:36'
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm bầu cử làm đại diện cho Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội, thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng và thực hiện quyền giám sát đối với toàn bộ hoạt động của cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương. Để xứng đáng với niềm tin và trách nhiệm lớn lao ấy, đòi hỏi mỗi ĐBQH nói chung và ĐBQH tỉnh Lai Châu nói riêng phải hành động bằng những việc làm cụ thể nhằm hiện thực hóa chương trình hoạt động và thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm theo luật định. Đồng thời thực hiện những lời đã hứa trước cử tri trong quá trình vận động bầu cử.

Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lai Châu có 5 đại biểu, trong đó có 1 đại biểu công tác ở Trung ương, 4 đại biểu công tác ở địa phương. Trên cơ sở phát huy thành quả của các khóa Quốc hội trước đó, các ĐBQH khóa XV tỉnh Lai Châu luôn đoàn kết, không ngừng tìm tòi, sáng tạo những cách làm mới, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH nói chung, cá nhân các ĐBQH nói riêng. Đặc biệt, năm 2022 là năm để lại nhiều dấu ấn sâu sắc của ĐBQH trong lòng cử tri và Nhân dân trong tỉnh với sự tham gia tích cực vào 18/24 dự án luật trình 3 kỳ họp trong năm. Nhiều ý kiến tham gia có chiều sâu liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của Nhân dân, được cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp hoàn thiện các dự thảo luật: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…); tham gia tổ chức hoàn thành 4 nội dung giám sát chuyên đề lớn, phạm vi rộng, đa ngành, đa lĩnh vực.

Qua đó, kịp thời chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chức năng ở địa phương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bất cập trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh giải quyết những vấn đề bức xúc trong Nhân dân. Nhiều ý kiến, nguyện vọng của cử tri được tiếp thu, lắng nghe, truyền tải, giải quyết thỏa đáng; việc tham gia thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp cũng được các ĐBQH trong Đoàn rất tâm huyết với một số nội dung được Chính phủ, bộ, ngành đánh giá cao, đồng thời nghiêm túc tiếp thu. Các ý kiến tham gia của các ĐBQH trong Đoàn đã góp phần chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thi hành chính sách, pháp luật tại địa phương. Nhiều nội dung được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tiếp thu và giải quyết kịp thời; đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới góp phần vào kết quả hoạt động chung của Quốc hội và việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Nguyễn Duy Khoan

Kết quả bước đầu các ĐBQH khóa XV tỉnh Lai Châu đạt được rất đáng ghi nhận. Để phát huy hơn nữa vai trò của người đại biểu dân cử, trong thời gian tới, các ĐBQH sẽ cùng với tập thể Đoàn ĐBQH tỉnh nỗ lực hơn nữa để cải tiến, sáng tạo, đổi mới trong hoạt động, đặc biệt là ở các lĩnh vực trọng tâm là lập pháp, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, cụ thể:
Thứ nhất, mỗi ĐBQH cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, bố trí thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động do Đoàn ĐBQH tổ chức trên các lĩnh vực tham gia xây dựng luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại các kỳ họp để vừa đảm bảo thời gian tham gia hoạt động của Đoàn theo quy định, vừa nắm bắt được đầy đủ nội dung thông tin cần thiết, quan trọng liên quan đến tình hình phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tình hình thi hành chính sách, pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó có những nhận định, đánh giá và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương.
Thứ hai, các ĐBQH cùng với Đoàn ĐBQH tiếp tục kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo và trình dự án luật, pháp lệnh cần nghiêm túc thực hiện quy định về thời gian gửi dự thảo luật, pháp lệnh đến Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc hội để Đoàn ĐBQH và các ĐBQH có đủ thời gian để nghiên cứu, cho ý kiến và tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án luật tại địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho Đoàn ĐBQH, các ĐBQH thực hiện hoạt động lấy ý kiến tham gia của Nhân dân vào các dự án luật bằng nhiều hình thức như qua mạng internet, hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp tại địa bàn cử tri cư trú, tại cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác hoặc nơi đại biểu cư trú; lồng ghép trong các cuộc giám sát, khảo sát hoặc qua các hoạt động chuyên môn của đại biểu tại cơ sở... Đoàn ĐBQH sẽ thiết lập trang thông tin điện tử của Đoàn để cử tri trong tỉnh có thể truy cập, tra cứu thông tin và tham gia đóng góp ý kiến cho các dự án luật và gửi trực tiếp cho Đoàn ĐBQH.
Thứ ba, bên cạnh việc tham gia tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp do Đoàn ĐBQH tổ chức, các ĐBQH tỉnh phối hợp với các ĐBQH một số tỉnh trong khu vực thực hiện tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn. Việc phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri nhằm tạo điều kiện cho đại biểu các tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là những kiến nghị liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giao lưu phát triển KT-XH giữa các tỉnh. Ngoài ra, các ĐBQH tỉnh sẽ tăng cường tiếp xúc cử tri tại địa bàn nơi cư trú, nơi đã và đang phát sinh các vấn đề nóng để tiếp xúc hoặc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực. Trong quá trình tiếp xúc, mời đại diện các sở, ngành có liên quan trong tỉnh tham gia các buổi tiếp xúc cử tri, trực tiếp giải đáp những vướng mắc có liên quan; đại biểu Quốc hội không chỉ thông báo nội dung, chương trình, kết quả các kỳ họp Quốc hội, tiếp thu, ghi nhận ý kiến, kiến nghị cử tri mà còn dành nhiều thời gian trực tiếp tuyên truyền các văn bản, chính sách pháp luật mới đến cử tri, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật trong Nhân dân.

Đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trao quà cho hộ nghèo ở bản Thèn Pả (xã Tả Lèng, huyện Tam Đường). Ảnh: Thu Minh

Thứ tư, ngoài việc tham gia hoạt động giám sát, khảo sát do các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức, các ĐBQH cần quan tâm đổi mới về nội dung, phương pháp giám sát, khảo sát của cá nhân, xây dựng kế hoạch, bố trí thời gian, địa điểm giám sát riêng của đại biểu, có thể mời một số chuyên gia tham gia giám sát, khảo sát trong các lĩnh vực khó, nhằm góp phần chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện. Trong quá trình giám sát, khảo sát, ĐBQH cần quan tâm đi thực tế cơ sở, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đánh giá của Nhân dân đối với vấn đề giám sát, đây là kênh thông tin thực chất nhất để đánh giá vấn đề một cách chính xác.
Một hoạt động quan trọng nữa là xử lý “hậu giám sát”. Các ĐBQH tỉnh sắp xếp, phối hợp với các đại biểu HĐND tỉnh tổ chức tái giám sát các nội dung đã được Đoàn ĐBQH và ĐBQH giám sát nhằm đảm bảo việc tuân thủ nghiêm kết luận, kiến nghị của Đoàn ĐBQH cũng như quy định pháp luật. Quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát được xác định là quá trình tiếp tục của hoạt động giám sát, chưa có kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát đồng nghĩa với hoạt động giám sát chưa kết thúc. Kiến nghị, đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện kết luận, yêu cầu, kiến nghị của Đoàn giám sát tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hoặc là căn cứ để xét bổ nhiệm, bầu vào các chức vụ trong quản lý Nhà nước, hoạt động công vụ hay bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm. ĐBQH có thể đưa nội dung kiến nghị trong cuộc giám sát để chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, đối với nội dung kiến nghị với địa phương thì đề nghị HĐND chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh để bảo đảm việc thực hiện kiến nghị sau giám sát được nghiêm túc...
Thứ năm, ĐBQH tăng cường tham gia hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc với công dân theo lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng của Đoàn ĐBQH, kết hợp với việc thực hiện công tác chuyên môn hoặc khi có công dân yêu cầu để vừa tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, vừa trực tiếp tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật để người dân hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình.
Thứ sáu, với dung lượng rất lớn trong nội dung chương trình tại mỗi kỳ họp, trên tinh thần trách nhiệm cao trước Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân tỉnh Lai Châu nói riêng, từ thực tiễn tình hình đất nước và của tỉnh, các ĐBQH cần sắp xếp bố trí thời gian khoa học, tăng cường nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu để thảo luận, trao đổi với các ĐBQH khác và các ngành chuyên môn về các vấn đề có liên quan đến nội dung kỳ họp. Trên cơ sở đó chuẩn bị thêm nhiều bài phát biểu tham gia có chất lượng hơn nữa đối với các báo cáo, dự án luật trình tại kỳ họp, cố gắng truyền tải ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri trong tỉnh đến Quốc hội, qua đó đóng góp nhiều ý kiến với Quốc hội và Chính phủ trong việc xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về KT-XH của đất nước.
Với những kết quả quan trọng bước đầu đạt được và định hướng mục tiêu hoạt động trong thời gian tới đã phản ánh sự cố gắng, nỗ lực toàn diện trên các mặt hoạt động của Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh. Đó là nguồn động lực để bước sang những năm tiếp theo của nhiệm kỳ khóa XV, các ĐBQH tỉnh Lai Châu sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với hoạt động của Quốc hội, đối với cử tri, phân tích, nắm chắc yêu cầu thực tiễn cuộc sống, thực hiện tốt chương trình hành động, thường xuyên liên hệ với cử tri, lắng nghe, chắt lọc ý kiến của Nhân dân để đưa các kiến nghị cử tri đến với nghị trường Quốc hội; tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tăng cường mối quan hệ công tác để hoạt động của các ĐBQH ngày càng thực chất hơn, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, xứng đáng với niềm tin của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.

Hoàng Quốc Khánh - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...