Thứ bảy, 18/05/2024, 21:58 [GMT+7]

“Ươm chữ” vùng biên

Thứ tư, 05/03/2014 - 16:21'
(BLC) - Ở nơi ấy, trên những nẻo đường từ các bản cách xa trung tâm xã, những đứa trẻ vẫn ngày ngày đến trường. “Con đò” đưa “con chữ” của những thầy, cô giáo tận tụy với nghề đã đến được từng ngõ, từng nhà vùng biên giới xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ).

Nằm cách trung tâm huyện Phong Thổ hơn 30 cây số với nhiều đoạn đường núi hiểm trở, xã Huổi Luông nằm gần như song song với đường biên giới. Chúng tôi đến Trường THCS Huổi Luông vào những ngày học đầu tiên của năm Giáp Ngọ. Mặc dù mới sau tết các em vẫn đến lớp đầy đủ, tỷ lệ chuyên cần đạt trên 90%.

So với vài năm trước, Trường THCS Huổi Luông được xây dựng khang trang, các phòng học được trang bị cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ cho quá trình dạy và học. Dãy nhà ở bán trú được nâng cấp, sửa chữa đáp ứng với việc ở nội trú cho học sinh.

Giờ ra chơi của học sinh Trường THCS Huổi Luông.

Dưới khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của trường, thầy Nguyễn Văn Duy - Hiệu trưởng nhà trường kể với chúng tôi về những kỷ niệm gian khổ của bao lớp thế hệ thầy cô, học sinh đã trải qua ở xã vùng biên giới xa xôi này. Trường học chỉ đơn sơ vài lớp, có khi phải ghép đôi để học, giáo viên phải tự dựng “lều” ở, học sinh bỏ học nhiều vì đường xa, đi lại khó khăn… tất cả với ngôi trường này ngày ấy chỉ là tạm bợ với vô vàn thiếu thốn và vất vả. Những giờ lên lớp thiếu vắng học sinh khiến nhiều thầy, cô ngao ngán muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi mỗi ngày đi đến từng bản, vào hỏi thăm từng gia đình, những người thầy, người cô vùng cao mới thấu hiểu hết được “chặng đường chữ” của các em đang gặp cản trở là ở đâu và vì sao lại như thế.

Đối với những thế hệ học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa thì chuyện đi học là điều khó bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình hạn hẹp, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm thì nói gì đến việc học. Thầy Duy cho biết: “Trung bình mỗi gia đình đều có từ 4 – 7 con, chưa tính các cháu chỉ cách nhau 1 đến 2 tuổi, nên dù có được đi học thì bố mẹ cũng ưu tiên con trai chứ con gái ở nhà lo việc gia đình”. Những ngày vào vụ làm nương của bà con, đa phần trẻ em  đều phải theo cha mẹ đi nương. Vì suy nghĩ còn lạc hậu của nhiều bậc phụ huynh và những khó khăn chồng chất trước mắt nên việc đi học của các em không được thường xuyên, đều đặn.

Khí hậu vùng núi khắc nghiệt cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc đi học thưa thớt của các em. Nhiều em phải vượt năm, bảy cây số đi bộ trong giá rét mùa đông, trên mình chỉ có một hai chiếc áo mỏng và khuôn mặt, bàn chân tím tái vì lạnh. Biết được những cái khó, cái khổ của bà con, thầy cô giáo trong trường không quản ngại đường xa đến từng nhà vận động để học sinh được đến trường.

Các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước về học phí, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, tiền trợ cấp bữa ăn hàng ngày cho học sinh bán trú ở xa, việc “đưa cái chữ” của thầy, cô đến với các em cũng trở nên thuận tiện hơn. Đặc biệt, những năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo còn thực hiện chính sách “3 đủ” đối với học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên dần dần, số học sinh xuống núi học nhiều hơn. Học sinh hầu như không phải đóng góp bất kỳ khoản tiền nào.

Được biết, hiện nay Trường THCS Huổi Luông đang có 277/415 học sinh ở bán trú. Nhà nước hỗ trợ 420 ngàn đồng/tháng/học sinh, cộng với sự chung tay đóng góp của phụ huynh, tất cả số học sinh bán trú dân nuôi của nhà trường được ăn tập trung tại bếp ăn và ăn đúng khẩu phần, chế độ. Nhiều năm qua, Trường THCS Huổi Luông luôn duy trì tỷ lệ chuyên cần từ 90% trở lên.

Sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước là một phần quan trọng trong xây dựng nền giáo dục ở vùng cao, nhưng vẫn là chưa đủ nếu thiếu đi tinh thần trách nhiệm của các nhà giáo. Giáo viên Trường THCS Huổi Luông đã tìm tòi và có sự thay đổi trong cách giảng dạy. Có giáo viên dạy theo phương pháp “cơ bản đến nâng cao”, tức là những cái cơ bản nhất, quan trọng nhất của kiến thức phải nắm vững, nắm chắc để làm nền tảng cho những phần cao hơn. Hay có nhiều thầy, cô lại tìm ra cách dạy học sinh bằng việc chia, chọn lọc đối tượng học sinh. Dù cách dạy thế nào nhưng có một nguyên tắc là “học phải đi đôi với hành” và “rèn tài song song với rèn đức”.

Kết thúc học kỳ 1 (năm học 2013 – 2014), số học sinh khá, giỏi của nhà trường đạt trên 30%, chỉ còn lại 1,2% yếu, thành tích này so với nhiều năm trước đã có sự thay đổi đáng kể. Vậy là, “con chữ đã được neo đậu”, đúng như mơ ước của người dân Huổi Luông và những điều tốt đẹp sẽ đến xã biên giới còn bộn bề khó khăn này.

 

Thanh Hiền

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...