Thứ tư, 15/05/2024, 20:41 [GMT+7]

Biến đổi khí hậu dưới góc nhìn giáo dục: Cần giữ vai trò chủ đạo

Thứ tư, 16/11/2011 - 09:15'
(BLC) - Ở tỉnh ta, học sinh mới chỉ được trang bị những kiến thức rất sơ sài và thiếu đồng bộ về môi trường. Biến đổi khí hậu chưa trở thành một môn học chính khoá tại nhà trường.

Sự nhập cuộc rụt rè

Học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn (thị xã Lai Châu) vẽ tranh cổ động môi trường.

Biến đổi khí hậu đã âm thầm diễn ra cách đây cả trăm năm khi con người, các nhà khoa học chưa để ý nhiều và nghiên cứu sâu về khoa học môi trường. Cho đến khi “bà mẹ trái đất” giận giữ vì sự tham lam thái quá của đàn con đã đẩy bà mẹ ấy và thậm chí là chính con người đến những bờ vực nguy hiểm thì loài người mới nhận ra sự phát triển nóng là con dao hai lưỡi. Và khi ấy trở tay thì khí hậu trái đất đã biến đổi và khó có thể khắc phục bởi nhiều nước đã bị vướng vào cái chòng phát triển và phát thải khí nhà kính.

Thế giới vừa được chứng kiến cơn “đại hồng thủy” nhấn chìm thủ đô Băng-cốc (Thái Lan) để lại bao đau thương, mất mát...

Đó là tác hại của biến đổi khí hậu.Biến đổi khí hậu đã là điều hiển nhiên và tất yếu của khí hậu trái đất. Hạn chế tác hại và thích ứng với nó đang là ưu tiên hàng đầu của các nước nhất là ở nước ta, một trong 5 nước bị tác động mạnh mẽ nhất từ sự biến đổi của khí hậu. Hiện nay chúng ta đang tập trung hướng vào mục đích thích ứng và giảm thiệt hại nhưng nhìn ở hướng tương lai thì cần trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức, kỹ năng không chỉ thích ứng, giảm nhẹ tác hại mà còn là bảo vệ môi trường. Đó là trách nhiệm, vai trò của ngành Giáo dục.


Đáng lẽ điều này cần được phổ biến toàn dân, ở tất cả các quốc gia, nhất là đối với nước ta - nước chịu ảnh hưởng thuộc hàng nặng nhất thế giới từ những tác động của biến đổi khí hậu nhưng chỉ đến những năm gần đây khi báo chí liên tục đăng tải những thông tin buồn từ tác hại đó thì mới có nhiều biến chuyển. Việc nghiên cứu, điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đã được làm nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa thật sự hoàn hảo. Đơn cử như ở cấp tỉnh mới đây mới thành lập được cơ quan chỉ đạo về lĩnh vực này.

Đối với ngành Giáo dục là ngành chủ đạo làm nhiệm vụ “vận chuyển” kiến thức của nhân loại đến với xã hội nhưng sự vào cuộc của ngành này còn tương đối rụt rè. Ở tỉnh ta, học sinh mới chỉ được trang bị những kiến thức rất sơ sài và thiếu đồng bộ về lĩnh vực này. Biến đổi khí hậu chưa trở thành một môn học chính khoá tại nhà trường.

Về việc này, bà Trần Thị Huệ - Phó Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên chúng tôi đã xây dựng và tập huấn cho giáo viên những kiến thức về biến đổi khí hậu. Tại các nhà trường, học sinh được cung cấp thông tin về lĩnh vực này dưới hình thức tích hợp vào các môn học. Ví dụ các em được học về bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ cây xanh, tiết kiệm năng lượng… ở các môn học như: Giáo dục công dân, sinh học, địa lý…”.

Về mặt quan điểm của ngành Giáo dục, ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết: “Biến đổi khí hậu là vấn đề lớn của toàn cầu và có tác động đến từng cá nhân và tác động mạnh hơn cả là đến nhóm đối tượng ít lợi thế. Như vậy, ngành Giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp những kiến thức, kỹ năng để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và hơn thế nữa là có những hành động làm giảm tốc độ, khôi phục lại phần nào môi trường bị ô nhiễm. Tuy nhiên hiện nay những nội dung giáo dục chỉ là giáo dục tích hợp với nhiều môn học và với những nội dung chọn lọc chứ không thể toàn diện”.

Như vậy khi chưa trở thành môn học chính, những thông tin, kiến thức về biến đổi khí hậu - một vấn đề nóng bỏng của toàn thế giới vẫn bị coi là môn học ngoài lề và đương nhiên nó cũng sẽ được xem trọng ở mức độ… ngoài lề.

Muộn nhưng cần làm sớm

Khó có thể trách riêng ngành nào, có trách là trách nhận thức chung của chúng ta chưa đầy đủ, sự vào cuộc muộn mằn mà thôi. Bởi lẽ muốn đưa được môn học này trở thành một môn học chính thì cần nhiều yêu cầu. Trong những yêu cầu đó thì điều quan trọng nhất là thông tin - trong khi điều này vẫn đang là điểm cốt tử trong khoa học môi trường của nước ta.

Ở Nhật Bản, trẻ em được học câu vỡ lòng một câu có nghĩa là: Đất nước ta đi lên từ tro bụi của chiến tranh, tài nguyên chỉ động đất và núi lửa. Điều này đã dạy cho những công dân dù chỉ mới chưa đầy 10 tuổi trách nhiệm đối với tương lai của mình và của đất nước. Chỉ mới đây thôi người dân Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục về tinh thần vượt khó của họ trước những mất mát khủng khiếp.

Ở nước ta chúng ta được học: “rừng vàng biển bạc”. Tất nhiên nước ta thật sự tươi đẹp và mỗi công dân Việt Nam đều rất đỗi tự hào về điều đó. Nhưng môi trường vẫn đang bị chính chúng ta tàn phá bởi rừng vàng, biển bạc đang bị khai thác đến kiệt quệ.

Ông Đỗ Văn Hán cho rằng: “Chúng ta cần dạy cho các em về đất nước của chúng ta tươi đẹp và cần dạy các em cách bảo vệ sự tươi đẹp ấy. Cần xây dựng cho các em tinh thần, trách nhiệm của những công dân tương lai này với tài nguyên của đất nước để sử dụng nó có hiệu quả và sử dụng nó nhưng không tàn phá môi trường”.

Đó là nhận thức của một cán bộ đầu ngành nhưng để riêng ông Đỗ Văn Hán với nhận thức ấy thì chẳng thể làm được gì nếu không có sự vào cuộc của toàn ngành giáo dục quốc gia.

Lúc này đây thế hệ trẻ rất cần được trang bị những kiến thức đầy đủ, đồng bộ, chuyên sâu để thích ứng và có trách nhiệm bảo vệ, thậm chí là khôi phục lại môi trường. Chúng ta chỉ có thể chờ thế hệ trẻ xây dựng trái đất này, đất nước này và tỉnh này tươi đẹp hơn khi trang bị cho các em những kiến thức để các em thực hiện điều đó. Với môi trường đây là việc cực kỳ quan trọng. Trước đây nhiều người được đào tạo để xây dựng nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Không phải tất cả nhưng nhiều người đã chấp nhận đánh đổi môi trường lấy kinh tế và trên thực tế thế giới nhiều nước đã chứng minh đó là một phép giải tồi cho bài toán này bởi tính thiếu bền vững của nó. Như vậy người ta mới chỉ làm được một vế của câu nói giàu - đẹp. Ta cần trang bị cho học sinh những kiến thức về bảo vệ môi trường về biến đổi khí hậu, về trách nhiệm công dân toàn cầu để đảm bảo các em sẽ hoàn thiện vế còn lại đang khiến nhiều nước điêu đứng.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...