Thứ bảy, 18/05/2024, 19:36 [GMT+7]

“Cơ hội vàng” cho học sinh dân tộc thiểu số

Thứ ba, 16/10/2012 - 14:51'
(BLC) - Đó là cách ví của các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở (PTDTBT THCS) xã Khoen On về mô hình bán trú; nhưng cũng thật đúng với thực tế công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Than Uyên. 

Có mặt tại Trường PTDTBT THCS xã Khoen On những ngày đầu tháng 10, chúng tôi cảm nhận được niềm vui mừng của các em học sinh khi được ở bán trú. Bởi từ đây các em sẽ không phải dậy sớm mỗi ngày, không phải lo từng bữa ăn, giấc ngủ mà được học hành, khôn lớn trong vòng tay chăm sóc và nuôi dưỡng của các thầy cô giáo.

Vượt lên những khó khăn về trường lớp học, các thầy cô Trường PTDTBT THCS nỗ lực đem con chữ đến cho học sinh vùng khó khăn.

Thầy giáo Đoàn Văn Đạt – Hiệu trưởng Nhà trường dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà bán trú với 8 phòng ở, dù chỉ là dãy nhà tạm nhưng rất gọn gàng ngăn nắp, kế bên cạnh vườn rau đang lên xanh tốt. “Bằng giờ này 2 năm về trước, sau giờ tan học, các em học sinh ở các bản: Mở, Đốc, Chế Hạng, Noong Quang… phải vượt quãng đường hàng chục cây số để về nhà. Thì nay, các em chỉ mất chưa đầy một phút là về tới phòng mình ở khu bán trú. Chuyện ăn uống đã có các thầy cô lo lắng. Giờ tự học buổi tối, lại có các thầy cô thay phiên nhau kèm cặp, hướng dẫn. Sau giờ học, hay lao động các em được tự do vui chơi giải trí cùng bạn bè, điều mà trước đây chưa bao giờ các em được biết đến”- thầy giáo Đạt chia sẻ.

Sau giờ học, các em học sinh bán trú tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống.

Không chỉ có các em học sinh, mà ngay cả bố mẹ các em cũng rất vui mừng, phấn khởi khi con em mình được ở bán trú tại trường. Có những bậc phụ huynh trước đây, mặc cho các thầy cô giáo và cán bộ xã năm lần bảy lượt đến tận nhà vận động, vẫn khăng khăng bắt con em mình bỏ học. Phần vì nhà nghèo không có tiền đóng góp cho con, phần vì thương con đi lại đường xa vất vả. Nhưng giờ đây, họ đã tự giác khuyến khích, động viên con em mình đến trường, lớp để học tập.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Trường PTDTBT THCS số 1 xã Khoen On đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên. Địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Trong xã có 3 dân tộc anh em: Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống…  Xã có 10 bản thì có tới hơn một nửa cách trung tâm xã gần 20km. Ngày nắng thì không sao, những ngày mưa to, nước thượng nguồn đổ về, nhiều học sinh và người dân quanh vùng chỉ biết ngồi nhìn dòng nước mà không thể qua được. Chính vì vậy, mà bài toán nâng cao chất lượng giáo dục vùng này gần như không có lời giải vì chỉ vận động các em đến trường thôi đã khó nói gì đến nâng cao chất lượng.

Thường xuyên tổ chức hoạt động thể thao tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa thầy và trò nhà trường.

Mô hình PTDTBT THCS được triển khai tại xã như tiếp thêm sức mạnh cho giáo dục nơi đây khởi sắc. Từ năm học 2011-2012, khu nhà ở bán trú của nhà trường đã được dựng lên và đưa vào sử dụng với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” tạo điều kiện cho 114 học sinh ở bán trú. Năm học 2012 - 2013, nhà trường có 116 học sinh ở bán trú. Có nhà bán trú, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể (tỉ lệ học sinh bỏ học giảm từ 3,3% năm 2010-2011 xuống còn 0,6% năm 2011-2012), kết quả học tập của các em cũng từng bước được nâng lên rõ rệt: tỉ lệ học sinh khá giỏi năm học 2010-2011 chiếm 14,1% thì năm 2011-2012 đã tăng lên 23,7%.

Em Mùa Thị Xoong - học sinh lớp 8B ở bản Noong Quang, chia sẻ: “Nhà em ở cách trường gần 20km mà đường đồi núi, nhà lại nghèo, cơm không đủ ăn. Em cứ nghĩ mình không thể đi học cấp 2 được, thật may đúng lúc em định nghỉ học thì nhà trường thông báo sẽ làm nhà bán trú cho học sinh ở xa. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước về chi phí ăn uống, sinh hoạt, bố mẹ đã yên tâm cho em được tiếp tục được đến trường cùng các bạn. Năm học 2011-2012, em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Em hứa sẽ cố gắng học giỏi hơn nữa để sau này góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Một năm học mới lại bắt đầu, trong cái se lạnh của những ngày đầu đông, hình ảnh các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm học tập trong những ngôi trường bán trú, chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn. Đó cũng chính là yếu tố khởi nguồn của việc chắp cánh cho những con chữ lên vùng cao, vùng khó khăn trong tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTG ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường TPDTBT THCS, đồng thời căn cứ Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành quy chế tổ chức hoạt động của PTDTBT, đến thời điểm này, toàn huyện Than Uyên có 4 xã (Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa, Phúc Than) đã hoàn thành chuyển đổi mô hình Trường PTDTBT THCS.

Minh Thái

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...