Thứ bảy, 18/05/2024, 22:32 [GMT+7]

Con chữ với người Hà Nhì

Thứ hai, 17/03/2014 - 15:08'
(BLC) - "Đốt lửa lên, đốt lửa thật to lên! Ngồi gần lại đây và lắng nghe ta kể câu chuyện dài như dòng sông Đà quăng quật qua ba trăm ghềnh thác cheo leo về tộc người Hà Nhì La Mí - Ka Lăng"… Lần theo những câu ca day dứt lòng người, chúng tôi đến xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) nằm sát biên giới Việt - Trung, địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Ka Lăng.

Thầy giáo của người Hà Nhì

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về sự hiếu học của người Hà Nhì, trong bữa cơm tối ở Đồn Biên phòng Ka Lăng, thượng tá, Đồn trưởng Nguyễn Tiến Ngọc chia sẻ: "Trước hết, các anh hãy "mục sở thị" bản Mé Gióng. Đây là bản trung tâm của xã có 78 hộ, 416 nhân khẩu người Hà Nhì. Trước đây, học sinh phải ở trong những túp lều được bố mẹ dựng tạm nơi bìa rừng, ven suối và hàng tháng phải về nhà mang gạo, măng và muối để theo học. Đến nay đã khác, nhờ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước, rất nhiều khu nhà nội trú, bán trú kiên cố của nhà trường được xây dựng, điều kiện ăn, ở của các em tốt hơn rất nhiều. Hiện có gần 1.000 học sinh các cấp trong xã nói chung và hơn 700 học sinh người Hà Nhì nói riêng đã yên tâm theo đuổi con chữ"…

Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Bôn trở lại xã Mù Cả.

Hơn 30 năm trước, trong cuốn tài liệu "Các dân tộc ít người ở Việt Nam", do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội) ấn hành năm 1978 (trang 353) có viết: "Người Hà Nhì là một dân tộc rất hiếu học, cách mạng không những mang lại cơm no áo ấm, mà còn mang chữ đến cho đồng bào. Ngay từ những năm 1963-1964, đồng bào Hà Nhì ở Mường Tè đã được thanh toán xong nạn mù chữ nhờ phong trào bổ túc văn hoá rộng khắp. Các bản làng đều có lớp học cấp I, xã có trường cấp I, cấp II, cấp III và trường nội trú cho học sinh. Bình quân cứ hai người dân trong xã có một người đi học. Nhiều học sinh của trường đã tốt nghiệp cấp II, cấp III, một số tốt nghiệp đại học. Điều đó, trước kia người Hà Nhì không bao giờ dám mơ ước tới…

Một trong những người có công ươm “con chữ” tại xã Mù Cả (huyện Mường Tè) là nhà giáo Nguyễn Văn Bôn. Từ chỗ hầu hết học sinh sống tập thể, có em hồn nhiên mang cả bàn đèn thuốc phiện đến lớp học, thầy Bôn đã nỗ lực đưa Mù Cả trở thành xã duy nhất của vùng cao miền Bắc giành lá cờ đầu trong phong trào phổ cập giáo dục tiểu học và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Trong khi ai đó từng chơi chữ, một cách thú vị rằng: "Mù Cả giờ đã sáng cả" thì thầy giáo Bôn được về Hà Nội báo cáo điển hình, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký "Bảng vàng" phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động  của ngành Giáo dục Việt Nam.

Nỗi lòng già làng Pờ Go Hừ

Hình ảnh những trường học xác xơ, trống huơ trống hoác giờ đây chỉ còn lại trong ký ức buồn của người dân Hà Nhì xã Ka Lăng. Tuy vậy, đêm đêm, vào lúc con chim rừng khắc khoải gọi bầy, già làng Pờ Go Hừ lại một mình lặng lẽ mở trang sách cổ… Điều làm ông day dứt là cả 6 dân tộc của nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến (gồm: Cống, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La và Hà Nhì) đều không có mẫu tự riêng. Cái gọi là "sách cổ" như mọi người thường thấy, thực chất chỉ là mẫu tự Nôm - Dao vay mượn thụ động của dân tộc Dao anh em.

Các thế hệ người Hà Nhì đã biết đọc, biết viết.

Trong số 12 dân tộc ít người ở Tây Bắc mà các nhà nghiên cứu cho là không có chữ viết riêng, truyền thuyết kể rằng, lịch sử người Hà Nhì từng ít nhất một lần có chữ viết. Nhưng trong một chuyến vượt sông của cuộc thiên di định mệnh, vì tin lời xui dại của kẻ xấu nên ông tổ của họ đã nuốt chữ vào bụng để tránh cho chữ khỏi ướt, sau không "moi" được chữ ra nữa. Với câu chuyện trên, nếu bóc lớp sương huyền tích, ta thấy lộ ra khát vọng văn tự trong khát vọng văn minh, đáng yêu và đáng trân trọng của một tộc người nơi sơn dã điệp trùng.

Dân tộc Hà Nhì có một nền văn hoá - văn nghệ lâu đời, đa dạng và đậm đà bản sắc, bao gồm nhiều loại bài hát, nhiều điệu dân vũ, nhiều kiểu nhạc cụ và rất nhiều tác phẩm văn học dân gian với chuyện cổ tích, thần thoại, truyện thơ, ca dao, thành ngữ, tục ngữ… Song, đến nay, hầu hết các loại hình văn hoá kể trên vẫn chưa được sưu tầm, tập hợp dưới hình thức nghiên cứu, lưu giữ, phát huy. Hơn ai hết, già làng Pờ Go Hừ thấm thía nỗi đau người Hà Nhì không có chữ viết riêng! Vì thế mà vốn văn hoá dân gian ngàn đời tổ tiên của người Hà Nhì chỉ lưu truyền trong cộng đồng được chăng hay chớ. Cùng với thời gian, chúng đang dần dần bị lai tạp, bị đồng hoá và lãng quên. Trường ca trữ tình Lờ Há Pà Dí, hiện giờ, rất ít các lão nghệ nhân người Hà Nhì trên dưới 70 tuổi còn biết diễn xướng đúng cách.

Hạnh Phúc với chữ quốc ngữ

Trước khi có thể tìm lại được mẫu tự cổ truyền trong mịt mùng vô vọng, người Hà Nhì thấy hạnh phúc khi đón nhận chữ quốc ngữ trong nền văn minh đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Sứ mạng này trao cho các thế hệ trẻ hôm nay, những học sinh Hà Nhì đang ngày đêm theo học ở các trường để mở cánh cửa vào tương lai. 100 năm rồi 1.000 năm… làng bản cổ truyền của người Hà Nhì - Ka Lăng vẫn còn đó với những nếp nhà trình tường không có cửa sổ. Từ bản anh sang bản em, xa đến nỗi mỗi lần thăm nhau đi hỏng một đôi giày mới. Vậy mà, con chữ đã đưa lớp trẻ người Hà Nhì về học cùng một mái trường.

Dưới ngôi trường thân yêu, các em học sinh Hà Nhì đang tự tin học tập nhờ sự ân cần săn sóc của các thầy, cô giáo, các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có tấm lòng của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ka Lăng. Những người lính biên phòng nơi đây không làm thầy giáo lên lớp, nhưng làm phụ huynh ở nhà. Họ không tự mình chấm điểm 9, 10 vào vở các em, nhưng bàn tay họ là chỗ vịn vững chắc để dắt các em đi về phía mặt trời.

Xưa trong cuộc thiên di khó nhọc, tổ tiên người Hà Nhì lỡ để mẫu tự cổ truyền rơi rụng. Còn nay, bù lại là Đảng đem chữ quốc ngữ đến với người Hà Nhì. Những lớp học mở ngay trên quê hương biên giới thân yêu; sách bút, chăn màn được cấp miễn phí… Với nhiều gia đình Hà Nhì ở Ka Lăng, bát cơm có thể chưa đầy, chiếc áo có thể chưa đẹp, nhưng bù lại, khát vọng học tập giúp họ nghị lực vượt lên khó khăn vật chất, để con em đến trường trong niềm tin tươi sáng ngày mai.

 

Đức Duẩn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...