Thứ bảy, 18/05/2024, 14:03 [GMT+7]

“Gieo” chữ nơi biên cương

Thứ hai, 15/04/2013 - 14:28'
(BLC) - Băng rừng, vượt suối để “cõng cái chữ lên non” đó chính là công việc hàng ngày của những thầy cô giáo miền sơn cước. Trong hành trình cao cả đó, họ đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề, họ đã vượt lên trên tất cả, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của các xã vùng cao, biên giới.

Vượt qua chặng đường hơn 100km, chúng tôi đến với xã Sì Lờ Lầu, huyện Phong Thổ. Con đường lên Sì Lờ Lầu như một vành thúng khổng lồ, quấn quanh những dãy núi trùng điệp, cho đúng đủ 12 tầng lên xuống thì mới chạm chân đến xã Sì Lờ Lầu, giáp ranh với nước bạn Trung Quốc.

Qua giới thiệu của lãnh đạo UBND xã, chúng tôi tới thăm các thầy cô giáo tại điểm bản Lả Nhì Thàng, điểm bản xa nhất, cách trung tâm xã 12 km. Đón khách bằng nụ cười thân thiện, ông Tẩn Phủ Tông - Trưởng bản không quên phân trần với chúng tôi: "Đấy là các anh chị đi vào ngày trời nắng còn vất vả vậy, chứ đi vào những ngày trời mưa thì xe không thể đi được vì đường trơn. Bình thường, chúng tôi đi từ bản ra trung tâm xã cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Còn nếu đi xe máy thì mất khoảng 2 tiếng”. Trong câu chuyện của mình, trưởng bản luôn nhắc đến những thầy cô giáo - những người đang miệt mài như bầy ong thợ tìm hoa dâng mật cho đời.

Đến điểm trường mầm non khi cô giáo đang cho các em học sinh ăn trưa. Thấy người lạ đến thăm, những gương mặt ngây thơ đều tỏ vẻ ngạc nhiên, tò mò nhưng vẫn không quên lễ phép khoanh tay chào. Nơi các em ăn trưa không phải trong phòng ăn, cũng không phải trong phòng học mà là ngoài sân, trong cái bóng râm của căn phòng học xập xệ được ghép bằng những thanh gỗ đơn sơ.

Trẻ em trường Mầm non Lả Nhì Thàng ăn trưa ở ngoài sân.

Cô giáo Đèo Thị Hương Giang – Giáo viên điểm Trường mầm non Lả Nhì Thàng cho biết: “Vì không có phòng ăn cho học sinh nên trời nắng thì kê bàn ghế ra ngoài, còn trời mưa thì các em phải ăn trưa tại phòng học. Có những ngày trời mưa to, phòng học bị dột ướt chúng tôi phải tập trung các cháu vào nhà bếp của giáo viên để sưởi ấm, ngớt mưa lại trở về thu dọn đồ đạc, lau chùi bàn ghế học tiếp”.

Việc nấu ăn cho học sinh cũng gặp không ít khó khăn. Vì đường sá đi lại khó khăn, cuối tuần các thầy cô giáo mới ra trung tâm xã để họp hội đồng nên tranh thủ mua thức ăn nấu cơm trưa cho các cháu. Vào đầu tuần thì còn có thức ăn tươi, chứ tới thứ 5, thứ 6 thì chỉ có thức ăn khô như: trứng, lạc. Những ngày không có rau để nấu phải mua mì tôm để làm canh cho các cháu ăn tạm.

Thầy giáo Teo Văn Hiền – Giáo viên lớp 1 - điểm Trường Tiểu học Lả Nhì Thàng chia sẻ: “Hầu hết các em khi mới tới trường không nói được tiếng phổ thông, vì vậy quá trình giảng dạy trong những tháng đầu vô cùng vất vả. Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường thường xuyên tổ chức những buổi giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa giữa các thầy cô giáo và các em học sinh; đồng thời tổ chức phụ đạo thêm để các em tiếp cận nhanh hơn với tiếng phổ thông, tiếp thu bài hiệu quả nhất”.

Không chỉ khó khăn về điều kiện giảng dạy, cuộc sống sinh hoạt của các thầy cô cũng gặp rất nhiều trở ngại. Thời điểm chúng tôi đặt chân đến nơi đây vẫn chưa hề có điện. Các thầy cô giáo vẫn phải dùng bếp củi để nấu cơm, tối đến dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu các thầy cô lại miệt mài bên những trang giáo án.

Thầy giáo Phùng Xuân Quỳnh - điểm Trường Tiểu học Lả Nhì Thàng tâm sự: “Năm nay là năm đầu tiên tôi vào dạy học ở điểm bản Lả Nhì Thàng. Lúc đầu chưa quen nên cũng thấy buồn, nhớ nhà nhưng thấy trẻ quý thầy, chịu khó đi học, dân bản yêu thương, đùm bọc nên tôi cũng yên tâm công tác, yêu nghề và quyết tâm gắn bó với cơ sở ”.

Giờ tập đọc của thầy Teo Văn Hiền.

Không phàn nàn về cuộc sống khó khăn, vất vả, về nỗi buồn cô quạnh, những giáo viên “ cắm” bản vẫn âm thầm đưa con chữ đến những bản làng xa xôi. Nơi đó có những đứa trẻ đang khao khát học chữ và có cả những tấm lòng đầy nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Chia tay các thầy cô giáo bản Lả Nhì Thàng trong chúng tôi cảm giác tự hào, khâm phục cứ dâng trào.

 

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...