Thứ bảy, 18/05/2024, 21:06 [GMT+7]

Học sinh sưởi lửa tìm chữ

Thứ sáu, 11/01/2013 - 15:40'
(BLC) - Trong giá rét những ngày đầu đông, hàng nghìn học sinh đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn miệt mài đến lớp tìm chữ. Bằng những kinh nghiệm và phương pháp khác nhau, mỗi nhà trường, mỗi địa phương lại có những cách riêng chống rét cho học sinh, duy trì sĩ số.

Những ngày giá rét vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh phải hứng chịu giá lạnh khắc nghiệt, khiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh bị đảo lộn và đối tượng gặp nhiều khó khăn nhất vẫn là các em học sinh. Nhiều địa phương, các em phải xuyên rừng, vượt suối trong sương mù giá lạnh để đến trường học chữ.

Các địa phương chịu ảnh hưởng của đợt giá rét này nhiều nhất là các xã vùng cao của các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ. Để duy trì sự chuyên cần của học sinh, các thầy cô đã phải tìm mọi giải pháp để “giữ chân” các em như: tổ chức các cuộc vận động quyên góp quần áo ấm, hỗ trợ máy sưởi, đốt lửa trong lớp hay thay đổi lịch giờ học… điều đó đã giúp các bậc phụ huynh yên tâm phần nào khi cho con em đến lớp.

Cô và trò lớp 5A Trường Tiểu học Nùng Nàng học bài bên đống lửa ngày đông.

Ông Ngô Hoàng Thái – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ cho biết: Gần một tháng nay, học sinh ở các xã vùng cao trong huyện chịu ảnh hưởng của đợt giá lạnh nhiều nhất. Để các em bám trường, bám lớp UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương và các nhà trường chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Riêng với các nhà trường do được Sở cho tự chủ trong công tác giảng dạy nên các nhà trường đều khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Được biết, những ngày vừa qua các xã vùng cao trên địa bàn huyện Sìn Hồ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của giá rét. Để duy trì được sĩ số học sinh, đảm bảo lịch và chương trình học, trước mùa đông học sinh trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ trên 2.000 và áo ấm từ các tổ chức cá nhân. Đối với các trường trung tâm, nơi có điện lưới quốc gia hơn 900 học sinh đã được UBND huyện đã hỗ trợ máy sưởi để giữ ấm. Riêng đối với các điểm trường bản, các thầy cô chủ động đốt lửa sưởi ấm ngay trong lớp và không tổ chức các hoạt động ngoài trời.

Cũng như các xã vùng cao huyện Sìn Hồ, các trường học ở khu vực 8 xã vùng cao huyện biên giới Phong Thổ, nơi có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển hiện có hơn 3.000 học sinh ở các cấp học. Những ngày đông vừa qua học sinh trên địa bàn đã chịu ảnh hưởng lớn từ giá rét và có nơi có thời điểm nhiệt độ ban ngày đã giảm xuống dưới 10 độ C như: Dào San, Pa Vây Sử, Sì Lở Lầu. Để chống rét, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường đốt lửa sưởi ấm cho các em khi đến lớp và không tổ chức các hoạt động ngoài trời.

Hình ảnh đống lửa giữa lớp quen thuộc với nhiều lớp học, điểm trường ở các xã vùng cao trên địa bàn tỉnh những ngày này.

Những ngày này, thầy cô giáo và học sinh ở các xã vùng cao huyện Tam Đường như: Sùng Phài, Tả Lèng, Hồ Thầu, Giang Ma, Nùng Nàng, Khun Há cũng “gồng mình” đối phó với giá lạnh mùa đông. Tại nhiều điểm trường, hình ảnh thầy cô dạy trên bục giảng học trò vây quanh đống lửa đã quen thuộc hàng ngày. Việc giữ ấm, đảm bảo sức khỏe cho học sinh còn được các nhà trường đề cao hơn việc dạy học.

Cô giáo Trần Thị Lý – Hiệu phó Trường Tiểu học Nùng Nàng cho biết: Hiện nhà trường có 26 lớp, 332 học sinh, trong đó có 5 lớp ghép. Do đa phần học sinh nhà trường là con em đồng bào Mông và thuộc diện hộ nghèo nên điều kiện trang bị quần áo ấm mùa đông gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo sức khỏe cho các em, nhà trường đã vận động các thầy, cô giáo quyên góp ủng hộ áo ấm và đến nay đã có khoảng ½ số học sinh được hỗ trợ. Nếu thời tiết xuống dưới 10 độ C nhà trường sẽ cho các em nghỉ học để đảm bảo sức khẻ và tiến hành dạy bù vào ngày thứ 7 hoặc các giờ học phụ đạo trong tuần.

Theo lãnh đạo Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo, để tăng cường bảo vệ sức khỏe và phòng chống rét cho học sinh, Sở đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục trên địa bàn thực hiện 6 nội dung, trước tiên là yêu cầu học sinh mặc đủ ấm. Không bắt học sinh mặc quần áo, váy đồng phục trong những ngày đông giá rét. Căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các đơn vị giáo dục có thể điều chỉnh thời gian học sao cho học sinh không phải đến trường quá sớm.

Ông Nguyễn Hồng Nhật - Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, đợt rét đậm, rét hại lần này sẽ kéo dài tới gần tết Nguyên đán do những ngày tới miền Bắc tiếp tục có đợt không khí lạnh tăng cường. Riêng tỉnh ta có nơi nhiệt độ sẽ xuống thấp ở mức 4 – 6 độ C. Các xã vùng cao huyện biên giới Phong Thổ, Sìn Hồ sẽ chịu ảnh hưởng rét đậm, rét hại nhiều nhất vì sẽ xuất hiện sương mùa hoặc mưa nhỏ.

Rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày qua, nhưng thầy trò các nhà trường trên địa bàn tỉnh vẫn khắc phục khó khăn, đảm bảo sức khỏe cho học sinh và chất lượng dạy học. Việc tạo điều kiện cho các nhà trường tự chủ cho học sinh nghỉ học những ngày rét đậm, rét hại là tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho học sinh, các nhà trường cần tăng cường mọi biện pháp giữ ấm cho học sinh và nếu cần phải cho học sinh nghỉ học, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...