Thứ bảy, 18/05/2024, 19:59 [GMT+7]

Học sinh tự tin, hứng thú học tập

Chủ nhật, 01/09/2013 - 20:35'
(BLC) -Nhân dịp đầu năm học mới 2013 – 2014, phóng viên Lai Châu Online có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Văn Hán – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo xung quanh chủ trương: đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh...

Phóng viên: Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương: “Tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời. Đặc biệt, đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh; nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh; giáo viên tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào”, ông có nhận định gì về chủ trương trên?

Giờ học môn Tiếng Việt tại lớp 1A1 Trường Tiểu học Kim Đồng (thị xã Lai Châu).

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Theo tôi đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Tôi ủng hộ chủ trương này vì ngành Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh nên việc thực hiện đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng học sinh, giúp học sinh cảm thấy tự tin và vui thích với các hoạt động học tập. Từ đó, học sinh sẽ hứng thú học tập hơn, chủ động nắm kiến thức của bài giảng và chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên.

Phóng viên: Theo ông, khi thực hiện chủ trương này sẽ mang lại những lợi ích gì?

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Theo tôi chủ trương này sẽ giảm áp lực đối với phụ huynh và học sinh vì:

Là phụ huynh ai cũng muốn con mình đi học hằng ngày phải đạt điểm 9, điểm 10, nên khi con đi học về thường hỏi: hôm nay con học thế nào? được điểm mấy? Nếu con trả lời đạt điểm 9, điểm 10 thì bố mẹ phấn khởi, nhưng nếu con bị điểm kém thì sẽ bị ức chế và thậm chí tỏ thái độ không tốt với con trẻ.

Thực hiện chủ trương trên, học sinh sẽ không còn áp lực vì được điểm cao hay bị điểm thấp và không có thái độ tự cao, tự mãn khi đạt điểm cao cũng như không tự ti khi bị điểm kém. Còn riêng đối với lớp 1 thì điều đó càng cần thiết hơn vì khi mới những ngày đầu đến trường mà đã bị điểm kém thì sẽ có những ấn tượng không tốt và nó sẽ ám ảnh các cháu, gây tâm lý hoang mang, không tốt cho học sinh. Chính vì vậy theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển: lớp 1 không cần chấm điểm vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu học sinh biết đọc, biết viết. Ông cho rằng điều cần thiết đối với lớp 1 là giáo viên cần theo sát học sinh, hướng dẫn, nhận xét học sinh kịp thời nhằm động viên, khuyến khích học sinh học tập, kịp thời giúp đỡ, động viên những học sinh chưa đạt yêu cầu của bài. Đối với học sinh lớp 1 các em còn nhỏ tuổi, ở lứa tuổi chỉ thích được khen nếu chê sẽ có phản ứng không tốt, nên việc động viên đánh giá bằng nhận xét có tác dụng kích thích học sinh cố gắng hơn. Những lời khen, lời nhận xét tế nhị của cô giáo sẽ động viên, khích lệ học sinh trong quá trình học tập, khuyến khích các em hứng thú hơn trong học tập. Quan trọng nhất là không tạo áp lực tâm lý cho các em về điểm số. Việc không thông báo điểm cho học sinh nhằm giảm áp lực từ phụ huynh đối với học sinh và giúp học sinh không còn bị tâm lý lo lắng khi cha mẹ hỏi kết quả học tập mỗi ngày.

Phóng viên: Như vậy, học sinh, phụ huynh sẽ giảm bớt áp lực, còn đối với giáo viên thì sao?

Giờ ngoại khóa của học sinh Trường Tiểu học Sùng Phài (huyện Tam Đường).

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngành Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nên việc tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về sự tiến bộ của học sinh hoặc những điểm học sinh cần cố gắng để có kế hoạch động viên, giúp đỡ học sinh kịp thời đã tạo sự gần gũi giữa giáo viên với từng học sinh. Mỗi năm ít nhất giáo viên cũng phải nhận được nhận xét của phụ huynh về học sinh 2 lần vào cuối kỳ, còn trong năm thì phụ huynh muốn gặp giáo viên bất kỳ khi nào nếu có phản ánh về học sinh đến giáo viên cũng như muốn nắm được sự nhận xét của học sinh. Như vậy tạo mối quan hệ gần gũi giữa nhà trường và gia đình.

Về đánh giá học sinh giáo viên không gặp khó khăn, vì từ năm 2009 đến nay ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện theo Thông tư 32/2009/TT-BGD&ĐT ngày 27/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học, trong đó học sinh được đánh giá bao gồm 2 hình thức đánh giá: định tính và định lượng thực tế hàng ngày. Do đó, trong quá trình giảng dạy, một số môn học giáo viên đã thực hiện đánh giá bằng định tính, nay thêm một số môn nữa đánh giá bằng định tính nên cũng không gặp khó khăn gì.

Phóng viên: Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa nhiều, tỷ lệ biết tiếng phổ thông trước khi học lớp 1 thấp, việc thực hiện chủ trương trên liệu có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm đa số, trẻ em biết tiếng phổ thông trước khi học lớp 1 còn hạn chế, do đó ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo tổ chức triển khai chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường bắt đầu từ 1/8/2013 (thời gian học 20 ngày). Trong thời gian chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường đã cho trẻ nắm thêm về tiếng Việt. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo khi vào học chương trình mới mà học sinh chưa nắm được tiếng Việt thì tiếp tục dạy chuẩn bị tiếng Việt cho học sinh. Thực chất từ năm 2009 ở lớp 1 cũng chỉ đánh giá 2 môn toán và tiếng Việt bằng định lượng còn các môn khác đều đánh giá bằng định tính, cho nên nay thực hiện chủ trương này sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hiện nay tỉnh Lai Châu đang thực hiện Mô hình trường học mới tại 12 trường trong toàn tỉnh, đánh giá bằng định lượng ở tất cả từ lớp 1 đến lớp 5. Thực tế cho thấy Mô  hình trường học mới hết sức ưu việt.

Phóng viên: Xin ông cho biết tỉnh ta đã và đang triển khai chủ trương này tới các đơn vị trường học như thế nào? Thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai?

Ông Đỗ Văn Hán - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu đã triển khai chủ trương này tới tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Trong quá trình triển khai, ngành thuận lợi là có chỉ thị của Bộ, UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, hướng dẫn việc triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Tuy nhiên trong khi thực hiện còn có khó khăn đó là đến nay Bộ chưa có tài liệu hướng dẫn cách thức đánh giá bằng định tính cho các môn học mà trước đây đánh giá bằng định lượng.

Trong khi chờ tài liệu hướng dẫn cách thức đánh giá của Bộ, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc thực hiện chủ trương trên; thực hiện nhận xét học sinh trên tinh thần động viên khuyến khích học sinh từ những tiến bộ nhỏ nhất của trò để khích lệ các em học tập. Tất cả các lời nhận xét đều theo hướng tích cực, tuyệt đối không có biểu hiện so sánh hoặc chê trách học sinh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Phạm Vũ (thực hiện)

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...