Thứ bảy, 18/05/2024, 22:32 [GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình nội trú Trung học phổ thông

Thứ sáu, 11/01/2013 - 11:03'
(BLC) – Lai Châu là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai mô hình nội trú đối với học sinh bậc Trung học phổ thông (THPT). Từ mô hình này, không chỉ duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT mà tỷ lệ đỗ cao đẳng, đại học của tỉnh ngày càng tăng.

Tăng tỷ lệ đỗ cao đẳng, đại học

Đồng chí Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (SGD&ĐT) cho biết: “Xác định bậc THPT là nền tảng quan trọng, bước đệm để các em học sinh thực hiện ước mơ sau 12 năm đèn sách, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy có chính sách hỗ trợ đối với học sinh nội trú THPT. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương trên đã được tỉnh quan tâm trích nguồn ngân sách hỗ trợ theo đúng Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Chính phủ đó là mỗi học sinh ở nội trú THPT cũng sẽ được hỗ trợ bằng 40% lương tối thiểu. Theo đó, kinh phí hỗ trợ nội trú THPT dành cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, là con em dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường THPT trong toàn tỉnh”.

 

Học sinh nội trú Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trao đổi bài.

Em Vũ Thị Huyền – học sinh lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (thị xã Lai Châu) cho biết: “Năm nay là năm thứ 2, em được ở nội trú. Ở đây chúng em được các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm hướng dẫn học tập. Các bạn trong phòng có thể cùng nhau truy bài, đặc biệt, các anh chị lớp trên hướng dẫn bài cho các em lớp dưới, nên việc tiếp thu bài tốt hơn ở nhà”.

Nhờ sự quan tâm của tỉnh, nhiều học sinh đã yên tâm học tập, số tiền 420.000 đồng/em/tháng mặc dù không lớn những đã hỗ trợ rất nhiều đối với các em trong việc trang trải cuộc sống. Song các được lớn hơn nữa là việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh được thuận lợi hơn, các em được rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp và ứng xử khi rời xa gia đình đến môi trường học tập mới.

Để hoạt động nội trú thực sự đem lại hiệu quả, Sở đã có công văn hướng dẫn các trường THPT lấy các biên chế làm công tác bảo vệ, thư viện, tạp vụ hành chính… bổ sung vào lực lượng đầu bếp chăm lo cho các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Các thầy cô giáo chủ nhiệm, bộ môn được phân công phụ trách theo tuần để hướng dẫn các em học tập, rèn luyện kỹ năng sống tự lập…

Với sự hỗ trợ của tỉnh, sự vào cuộc của các nhà trường đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc giáo dục, rèn luyện học sinh. Các em học sinh dân tộc thiểu số đã tự tin trong giao tiếp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bậc THPT của các trường duy trì và giữ vững ở tốp 57/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao. Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có trên 60% học sinh đỗ các trường cao đẳng, đại học (so với năm 2010 - 2011 cao hơn 10%) chưa kể học sinh thuộc các huyện 30a được xét tuyển thẳng và hệ cử tuyển…

Vẫn còn những khó khăn

Với sự quan tâm đó, đến nay, toàn tỉnh có 2.179 học sinh ở các trường THPT được hỗ trợ tiền nội trú hàng tháng. Mô hình hỗ trợ nội trú cho những học sinh ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn đã giúp cho học sinh yên tâm bám trường, bám lớp; phụ huynh có con em ở nội trú cũng yên tâm hơn bởi khi ở nội trú các em được các thầy, các cô trong trường thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc học tập, hướng dẫn nấu ăn đảm bảo dinh dưỡng sức khỏe để các em học tập. Đặc biệt, với sự giám sát thường xuyên của các thầy, cô giáo đã giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, có nhiều thời gian để học tập hơn.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều học sinh Trường THPT Quyết Thắng giảm bớt khó khăn, yên tâm học tập.

Những kết quả mà mô hình nội trú bậc THPT đem lại đã rõ, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số trường chưa bố trí được khu ở nội trú cho học sinh. Vì vậy các em phải thuê trọ ở ngoài, điều đó đã làm ảnh hưởng không ít đến việc học tập, đi lại của các em.

Em Sùng A Lử - học sinh lớp 11B1, Trường THPT Quyết Thắng, thị xã Lai Châu cho biết: “Do điều kiện kinh tế của gia đình hạn hẹp nên chúng em (4 bạn) rủ nhau thuê chung một phòng rộng chưa đầy 15m2 ở gần trường thuận lợi cho việc học tập. Chúng em rất vui vì được tỉnh hỗ trợ tiền nội trú, song nếu được ở nội trú trong nhà trường sẽ tốt hơn rất nhiều, vì không sợ các thanh niên ngoài đường trêu đùa hay quấy rầy”.

Cô giáo Lê Thị Xuyến – Phó hiệu Trưởng Trường THPT Quyết Thắng cho biết: “Hiện nay, Trường THPT Quyết Thắng có 88 học sinh thuộc diện được hỗ trợ nội trú. Tuy nhiên do điều kiện nhà trường chưa có nhà ở bán trú cho học sinh nên các em phải trọ ở ngoài rất khó khăn về chỗ ăn ở. Điều đáng mừng là dù vất vả nhưng hầu hết các em đều rất cố gắng trong việc học hành; các thầy cô giáo bộ môn cũng thường xuyên đến thăm các em ở trọ để kiểm tra, đôn đốc các em việc học hành, sinh hoạt”.

Trước những khó khăn đang gặp, các trường cần tranh thủ, kêu gọi sự hỗ trợ giúp đỡ của các nhà hảo tâm, tạo điều kiện về nơi ăn, ở để các em học sinh yên tâm học tập. Đảm bảo đào tạo nguồn cán bộ, lực lượng lao động có trình độ văn hóa, kỹ thuật, có sức khỏe và phẩm chất tốt để tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Hà Vy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...