Chủ nhật, 19/05/2024, 04:34 [GMT+7]

Khổ ...vì trường xây chậm

Thứ năm, 08/03/2012 - 15:21'
(BLC) - Không điện, nước, sân chơi, công trình vệ sinh… từ đầu năm học đến nay, thầy trò Trường Tiểu học xã Nậm Hăn (huyện Sìn Hồ) lao đao với chuyện “trồng người”.

Lao đao chuyện trường tạm

Công trình Trường Tiểu học xã Nậm Hăn được khởi công xây dựng cuối năm 2007, từ nguồn vốn của chương trình tái định cư lòng hồ Thủy điện Sơn La, do Ban Quản lý dự án tái định cư tỉnh làm chủ đầu tư. Đây là công trình khởi công sớm nhất trong cụm công trình hạ tầng khu vực trung tâm xã Nậm Hăn, thế nhưng không hiểu sao đến nay việc triển khai công trình đã được đơn vị nhà thầu dừng thi công, trong khi cơ sở hạ tầng còn ngổn ngang trăm mối.

Hiên nhà ở giáo viên chưa hoàn thiện đã nứt toác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đơn vị đầu tiên thi công công trình là Doanh nghiệp xây dựng Kinh Đô – đơn vị có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa. Sau khi thi công hoàn thành phần móng và cột, không hiểu vì lý do gì đơn vị đã bỏ dở. Nhiều đoàn kiểm tra, nhiều ý kiến, kiến nghị của Ban Giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương nhưng phải tới tháng 9/2011 đơn vị nhà thầu được lựa chọn thi công tiếp là Doanh nghiệp Xây dựng Tiến Hoa mới chỉ bàn giao tạm cho nhà trường được ngôi nhà chính 2 tầng, gồm 8 phòng học rồi cũng không làm tiếp nữa.

Thầy Phí Hải Quân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Hăn bức xúc: Đây là công trình tái định cư, lẽ ra phải hoàn thành vào đầu năm học 2008 - 2009 cùng với việc hoàn thành di dân của bà con để học sinh có lớp học. Trong suốt thời gian chưa có lớp, thầy trò nhà trường phải khắc phục học nhờ tại Trường THCS xã. Đầu năm học này nhận bàn giao tạm, tưởng đơn vị thi công sẽ tiếp tục hoàn thiện các công trình, hạng mục phụ trợ để bàn giao tiếp cho nhà trường, ai ngờ họ lại bỏ dở”…

Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay công trình Trường Tiểu học Nậm Hăn mới chỉ hoàn thành tạm ngôi nhà chính hai tầng, gồm 8 phòng học để phục vụ cho việc dạy và học của 18 giáo viên và 177 học sinh. Hai công trình nhà công vụ và nhà ở giáo viên mới chỉ hoàn thành phần thô (tường, mái) và đã ngừng thi công từ lâu. Không có nơi ở, làm việc, thầy, cô giáo nhà trường phải thuê nhà dân để ở. Nhiều thầy cô cố chắt bóp đồng lương thuê người dựng tạm ngôi nhà gỗ quanh trường, vừa dùng để làm việc vừa là nơi ở.

Trần nhà lớp học bong từng mảng.

Đường vào trường gồ ghề vào mùa khô, lầy lội bùn đất vào mùa mưa. Sân trường vẫn chỉ là bãi đất trống lổn nhổn gạch, đá. Đáng ngại hơn, gần 200 cán bộ, giáo viên và học sinh của nhà trường từ đầu năm học đến nay phải sống trong tình cảnh không có công trình vệ sinh, công trình nước sinh hoạt. Căn nhà gỗ hai gian của thầy hiệu trưởng kiêm luôn phòng họp cho hơn 40 cán bộ, giáo viên của toàn trường.

“Không chỉ khó khăn trụ sở làm việc, đường điện hạ thế đã về tới cổng nhưng nhà trường đề nghị nhiều lần, cán bộ ngành điện vẫn không lắp côngtơ. Để tiện cho công việc, nhà trường kéo nhờ đường điện từ nhà dân về sử dụng thì luôn bị dọa cắt. Hỏi mãi thì họ bảo đường dây điện đơn vị thi công kéo trước đây không được dùng mà phải dùng đường dây họ cấp mới, nhưng để lắp được nhà trường phải chi 1,5 triệu đồng để lắp côngtơ. Không có tiền lắp điện, 3 máy vitính của nhà trường được cấp trước đây  đành “đắp chiếu” nhiều tháng nay” – thầy Quân cho biết thêm.

Chất lượng có đảm bảo?

Câu hỏi này được thầy hiệu trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên đường dẫn chúng tôi thị sát ngôi trường. Quả đúng như lời thầy Quân, trên trần ngôi nhà chính mà thầy trò nhà trường đang làm việc và học tập, từng mảng vữa (áo trần) đã bong rơi lả tả. Phía sau, ngôi nhà ở của giáo viên dù chưa hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng hiên nhà đã nứt toác, nhiều vị trí tường xây đã có dấu hiệu xuống cấp.

Thầy Quân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Hăn bức xúc khi nói về chỗ ở của giáo viên.

Đem điều trăn trở trên trao đổi với lãnh đạo xã Nậm Hăn thì được biết, toàn bộ các công trình xây dựng từ chương trình tái định cư trên địa bàn được thực hiện theo cơ chế bên làm – bên nhận. Khi được hỏi về tổng nguồn vốn của công trình, ông Điêu Chính Thân – Phó Bí thư Đảng ủy xã Nậm Tăm cho biết, xã không được bàn giao hồ sơ công trình nên không nắm sâu được về các thông số kỹ thuật cũng như quy mô công trình.  Việc thực hiện giám sát cộng đồng cũng được triển khai nhưng chỉ cho có lệ vì có ai hiểu gì về kỹ thuật xây dựng đâu. Thấy xây dựng chậm quá, học sinh không có lớp học hay nhìn thấy các vết nứt, vỡ tường thì có kiến nghị với cán bộ tái định cư phụ trách ở xã, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là gặp khó khăn về vốn, thời tiết, đường giao thông…

Bàn về chất lượng công trình này, còn nhớ cách đây hơn một năm khi đó công trình mới chỉ hoàn thành phần móng, cột và tường thô. Trong chuyến công tác của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, một đồng chí đại biểu Quốc hội đồng thời cũng là lãnh đạo tỉnh đã phải lắc đầu và thốt lên khi dùng tay bẻ từng mảnh vữa rồi bóp vỡ vụn. Tiến độ xây dựng chậm, chất lượng công trình có vấn đề, con em đồng bào tái định cư ở đây vẫn là người chịu thiệt. Vậy ai là người chịu trách nhiệm?

Tây Bắc

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...