Chủ nhật, 19/05/2024, 08:02 [GMT+7]

Nâng cao chất lượng giáo dục từ đồ dùng trực quan tự chế

Thứ năm, 09/10/2014 - 10:27'
(BLC) – Là một tỉnh miền núi, ngành Giáo dục tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc mua sắm đầy đủ đồ dùng trực quan phục vụ giảng dạy. Bằng lòng yêu nghề, nhiều giáo viên bậc mầm non, tiểu học đã tự thiết kế đồ dùng trực quan phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Đến trường Mầm non Quyết Thắng, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, chúng tôi được cô giáo Trịnh Thị Châu Loan giới thiệu về cách làm 1 số đồ dùng, đồ chơi sử dụng cho trẻ mẫu giáo được các cô giáo tỉ mẩn cắt, dán từ các loại giấy bìa, len, xốp… Theo đó, các loại mũ chóp, micro, bộ gõ là đồ dùng trẻ ở cả 3 khối lớp chơi trò chơi âm nhạc (tai ai tinh, ai đoán giỏi, đoán tên bạn hát).

Đồ dùng trực quan được sử dụng trong dạy và học giúp trẻ phát huy tính sáng tạo. Ảnh: Tuấn Hùng.

Các con rối được cô giáo sử dụng ở cả 3 khối lớp để trẻ làm quen văn học và phát triển ngôn ngữ. Trẻ biết thể hiện tính cách của nhân vật qua khuôn mặt của rối, phát triển tình cảm, thẩm mỹ, yêu cái đẹp. Nhờ các đồ dùng, đồ chơi do mình tự làm ra, trẻ dễ dàng nhanh thuộc truyện và thích được kể lại chuyện cùng với các con rối nhỏ. Với lớp trẻ nhỏ, cô vẽ sẵn mắt, mũi, chân tay các con rối, trẻ chỉ tô màu và dán lên con rối đó là có thể chơi được. Với trẻ lớn hơn, cô để trẻ tự vẽ, cắt hoặc xé dán các bộ phận của con rối và dán lên con rối để chơi. Qua đó, nâng cao chất lượng môn hoạt động tạo hình. Kỹ năng vẽ, nặn, cắt, xé bằng đôi bàn tay của trẻ được nâng cao.

Ngoài ra còn có đồ dùng học toán dạng hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật, hình tròn; các loại mũ con vật (gấu, thỏ, gà, vịt, mèo); một số đồ dùng sinh hoạt: Máy xay sinh tố, ca, cốc, chuyên nước, phích nước, bát, dép, tông, mũ, làn, búp bê, chậu hoa, con mèo. Thông qua các loại đồ chơi con sâu học toán và bảng hoa, trẻ dễ dàng nhận biết vị trí các số liền trước, liền sau trong các dãy số tự nhiên, Trẻ thích được thêm, bớt, tạo nhóm và chia các đối tượng thành 2 phần trong phạm vi 10 một cách dễ dàng.

Các đồ dùng trực quan bắt mắt do cô giáo Trịnh Thị Châu Loan - Trường Mầm non Quyết Thắng, phường Quyết Tiến thiết kế.

Hay như ở trường Tiểu học xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tập thể giáo viên đã làm mô hình học cụ “Ngôi nhà bí ẩn” bằng các tấm fooc, tấm tôn, khung nhôm trị giá 450.000 đồng nhưng có thể sử dụng làm đồ dùng trực quan giảng dạy trong tiết học của tất cả các môn trong chương trình Tiểu học.

Trong ngôi nhà, chiếc nón kỳ diệu nhiều ô màu dùng để dạy môn tiếng việt lớp 1, tự nhiên xã hội lớp 1, 2, 3. Bài ôn tập các âm hoặc các vần, giáo viên tổ chức cho học sinh lên quay, học sinh quay phải ô có âm, vần nào thì học sinh đọc âm vần đó, thông qua trò chơi này sẽ khắc sâu kiến thức cho các em... Còn4 vách tường lại dùng dạy môn toán bài hình vuông lớp 1, các dạng bài chu vi, diện tích hình vuông lớp 2, 3, 4, 5. Học sinh có thể dùng các  tấm bảng này trưng bày sản phẩm đã làm ở môn mỹ thuật, kỹ thuật cho tất cả các khối lớp.

Chiếc đồng hồ trong chiếc hộp cũng để dạy môn toán, bài “giới thiệu đồng hồ” ở lớp 2 hoặc bài “thực hành xem đồng hồ” ở lớp 3. Ô cửa để dạy phân môn kể chuyện thông qua các bức tranh. Mặt bảng 4 đường băng màu trắng dùng để dạy cho nhiều phân môn đặc biệt là môn tập đọc (học vần lớp 1); toán lớp 1; hình thành bảng nhân chia ở các lớp; môn học vần ghép âm ở đường băng trên tạo vần ở đường băng dưới, tạo tiếng, từ ở các đường băng dưới. Hoặc dạy môn toán như phép cộng trong phạm vi 5; có 3 bông hoa gắn thêm 2 bông hoa nữa hỏi có bao nhiêu bông hoa, tương tự với phép trừ,....

Mặt còn lại là các ô cửa của ngôi nhà, gồm 2 cửa sổ và một cửa chính dùng để dậy phân môn học vần. Dạy bài đánh vần “an”, thì ô cửa sổ thứ nhất là âm “a”, ô cửa sổ thứ 2 là âm “n” vậy sẽ tạo được vần “an” ở ô cửa chính. Các vật liệu có thể sử dụng để dạy bài “nhôm”, “tác dụng của nhôm” – khoa học lớp 4, 5; fooc, giấy dạy trong bài “rừng”, tác dụng của rừng” – khoa học lớp 4, 5...

Còn rất nhiều những đồ dùng trực quan được các thầy cô mày mò sáng tạo, ứng dụng trong các ngôi trường mầm non, tiểu học vùng cao. Lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học là khi bé đang ham thích học hỏi, tìm hiểu và là lúc các cô xây dựng nền móng giáo dục đầu đời cho bé nên dạy trên các mô hình trực quan vừa thu hút trẻ ham học hỏi, vừa thu hút trẻ đến trường, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...