Thứ bảy, 18/05/2024, 19:01 [GMT+7]

Ngày Nhà giáo nghĩ về nghề giáo ở vùng cao

Thứ sáu, 16/11/2012 - 20:50'
(BLC) – Gian khó về đường đi, lối lại; cuộc  sống thiếu thốn đủ bề, xa gia đình, con cái.… là những khó khăn của thầy, cô giáo vùng cao đang gặp hôm nay. Nhưng không vì thế mà nao núng tinh thần, vẫn ngày đêm bám trụ bản làng, miệt mài dạy dỗ đàn em nhỏ.

Khi ở đâu đó người ta nói về vấn nạn chạy điểm, chạy đua thành tích, phong bì trong ngành giáo dục; thì ở các bản, làng xa xôi quê tôi, các thầy cô giáo vẫn đang hằng ngày ở nhà vách liếp, ăn cơm với cá khô, rau rừng để hoàn thành nhiệm vụ “gùi chữ ngược ngàn”.

Lớp học xóa mù chữ của các thầy, cô giáo xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ.

Nhớ lại những ngày đầu đến với các xã: Thu Lũm, Ka Lăng, Pa Ủ (huyện Mường Tè; Pu Sam Cáp, Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ)… các thầy, cô giáo không khỏi rùng mình. Cách đây 5 – 7 năm, con đường đến các xã còn phải đi bộ, leo dốc, đi thuyền, bè mảng... Dù bây giờ con đường đến các trung tâm xã đã dễ đi hơn, nhưng để đến với các bản làng heo hút nhất, thầy, cô vẫn phải vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo. Những đôi bàn chân chưa quen đường xa, sỏi đá phải bước đến mỏi nhừ mới tới – nơi có những em nhỏ đang chờ họ về dạy chữ…

Dẫu con đường đến với bản nhỏ có khó khăn đến mấy, thì tháng ngày sống ở đây, đối mặt với bao gian khó mới là thử thách lớn nhất của nghề giáo viên vùng cao. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn đủ bề. Đã vậy, học sinh còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học: học sinh nam thì bỏ học đi nương, đốn củi, học sinh nữ thì bỏ học lấy chồng… Trước thực tại ấy, có thầy cô đã phải chùn chân, bỏ cuộc, song phần lớn trong số họ vẫn gắn bó một lòng với nghề. Chẳng sá gian nan, lòng yêu trò như con níu chân họ với bản nghèo.

Thầy giáo điểm Trường tiểu học Pu Sam Cáp vận động phụ huynh bản Nậm Béo cho con em đến lớp.

Những buổi mù sương, tấm phên, liếp nhà công vụ của giáo viên không đủ che chắn cái buốt lạnh khắc nghiệt của khí hậu vùng cao. Đã từng có chuyện đau lòng xảy ra ở xã Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ): một thầy giáo đã mất do bị cảm vì ở ngôi nhà quá tuềnh toàng. Hay chuyện các cô giáo ở xã Mường So (huyện Phong Thổ) ngay trong đêm đầu tiên đến nhận công tác đã bị một cơn lốc cuốn phăng mất căn nhà dựng tạm bằng bạt. Các cô vừa khóc vừa đứng giữa trời mưa để giữ 4 góc áo mưa che cho những túi đồ đạc vẫn chưa kịp dỡ ra… Và chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện về nỗi vất vả của các giáo viên trong những chuyến tác nghiệp đến vùng sâu, vùng xa của mình.

Một trong những nỗi thiệt thòi của thầy, cô là chuyện… khó tìm kiếm được hạnh phúc gia đình riêng. Tuổi thanh xuân đến với vùng cao, họ không có nhiều sự lựa chọn khi tìm người yêu. Chuyện giáo viên lấy giáo viên, hay giáo viên lấy bộ đội biên phòng là cái kết đẹp nhưng không phải ai cũng có được. Chuyện các cô giáo lỡ thì, ở vậy, chuyện tuổi con gái đẹp nhất, khát khao yêu đương nhất lại khó kiếm một đối tượng để yêu… là những chuyện buồn khó nói của họ.

Chấp nhận những thiệt thòi, cơ cực để bám trụ dạy chữ trên non là sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều thầy, cô giáo có tâm với sự nghiệp giáo dục. Điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến sự đánh đổi: từ gian khó ấy, các em học sinh ở vùng khó sẽ vươn lên, thoát khỏi cuộc sống đói nghèo và trở lại dựng xây quê hương tươi đẹp hơn. Mà quả thực từ những mái trường liếp, gianh ấy, đã có nhiều học sinh ra tỉnh, rồi đến các thành phố lớn học. Nhiều em đã trở thành cán bộ viên chức của địa phương. Và nỗi vất vả của thầy, cô đã phần nào được đền đáp từ những kết quả như thế!

Hiện nay, ở trung tâm các xã, những mái trường ngói đỏ đã mọc lên, những ngôi nhà công vụ vững chãi hơn cũng đã được xây dựng. Nhưng trong các bản, vẫn còn nhiều thầy cô vẫn bám trường, bám lớp, dù hoàn cảnh sống còn khó khăn, gian khổ.

Ngày tôn vinh các nhà giáo ở trung tâm thị xã, thành phố là ngày ngập tràn hoa và những lời chúc mừng, tri ân của học sinh, phụ huynh với giáo viên. Ngày này, với giáo viên vùng cao vẫn là ngày đến từng nhà động viên học sinh ra lớp, tiếng ê a ngọng nghịu của các em vang lên giữa trập trùng đồi núi là món quà ấm lòng với họ. “Nghề giáo ở vùng cao còn cần lòng nhân ái, sự hy sinh” – câu nói của thầy giáo Chào Anh Tuyên ở xã Nậm Ban (huyện Sìn Hồ) đã nói lên phẩm chất, đức tính của mỗi thầy, cô giáo đang ngày ngày “cõng chữ lên non”.

Mây Trắng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...