Chủ nhật, 19/05/2024, 07:31 [GMT+7]

Phát huy tính sáng tạo của học sinh

Thứ ba, 07/10/2014 - 07:39'
(BLC) - Sau 2 năm (từ 2012-2014), thực hiện Dạy học thí điểm theo Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN), trường Tiểu học số 1 xã Mường Kim (huyện Than Uyên) đã phát huy tính sáng tạo, tự học hỏi của học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, rút ngắn khoảng cách giáo dục vùng miền.

Được tham gia vào một tiết học Tiếng Việt của cô và trò lớp 3A4, trường Tiểu học số 1 xã Mường Kim, chúng tôi thấy lớp học được bố trí gọn gàng, khoa học. Ở cuối lớp, các góc học tập như: Tiếng Việt, Toán, hoạt động giáo dục, góc cộng đồng… là nơi để các nhóm tổ chức hoạt động, sinh hoạt, chia sẻ bài vở. Ở giữa lớp, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Vũ Thị Bình gần 20 em học sinh chia thành 4 nhóm ngồi vòng tròn thành từng tổ. Vấn đề thảo luận trong tiết học “Cháu yêu bà” được cô đưa ra là tìm từ trong bài học. Sau khi cô ra đề bài, mỗi nhóm thảo luận cùng thống nhất đưa ra đáp án, nếu nhóm nào chưa tìm ra câu trả lời có thể gọi cô giáo trợ giúp. Cứ như vậy, hình thức học sẽ khích lệ khả năng tìm tòi, suy nghĩ và tính sáng tạo của học sinh. Em Nguyễn Đức Dũng - nhóm trưởng nhóm 1 lớp 3A4 chia sẻ: “Được bầu làm nhóm trưởng em rất vinh dự và luôn cùng các bạn giải bài tập. Ngoài ra, trong nhóm bạn nào học yếu thì cả nhóm chia sẻ, giúp đỡ để bạn cùng vươn lên”.

Cô Vũ Thị Bình - giáo viên nhà trường tâm sự: “Khác với mô hình dạy học thông thường, ở mô hình dạy học mới VNEN, giáo viên đưa ra câu hỏi, vấn đề để học sinh cùng bàn bạc, giải đáp. Đây là mô hình dạy học khá mới vì thế đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu kỹ bài và tìm đồ dùng thực tế. Đồng thời, phân bổ thời gian phù hợp giữa lý thuyết và thực hành để các em tiếp thu bài nhanh nhất. Tổ chức các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập học sinh trong giờ học, không em nào ngoài cuộc. Tuy nhiên học sinh nơi đây đa số là con em dân tộc thiểu số nên ngôn ngữ phát âm còn chưa tương đồng, hay chưa có nhiều tài liệu tham khảo gây khó khăn truyền đạt bài học”.

Giờ học theo mô hình mới của học sinh lớp 3A5 trường Tiểu học số 1 xã Mường Kim, huyện Than Uyên.

Sau 1 năm thí điểm mô hình học mới, kỹ năng đọc của học sinh khối lớp 2 đã được nâng lên rõ rệt, học sinh được rèn luyện tính tư duy sáng tạo, đã tự tin mạnh dạn hơn khi giao tiếp với mọi người. Theo thầy Nguyễn Quốc Tuấn - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A5 cho biết: Để vận dụng hiệu quả mô hình VNEN, mỗi giáo viên nhà trường luôn tìm tòi tài liệu, học hỏi đồng nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài ra, giáo viên cũng phải chuẩn bị phiếu học tập, nghiên cứu hình thức có sẵn trong tài liệu đưa ra phương pháp tổ chức dạy đạt kết quả cao nhất”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, năm học 2014 - 2015, nhà trường có 31 lớp, 526 học sinh, đây là năm thứ 3, áp dụng phương pháp giảng dạy và hình thức tổ chức lớp học theo Mô hình trường học mới VNEN. Theo cô Nông Thị Đào – Hiệu trưởng nhà trường: Để thực hiện tốt mô hình, ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu đã xuống từng gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến trường. Cùng với đó phổ biến về mô hình dạy học mới để phụ huynh hiểu và đồng thuận với chủ trương này. Đồng thời giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh đến tham dự vào các giờ học để nắm bắt cách thức giảng dạy, hướng dẫn con em trong quá trình học tại nhà. Thông qua các đợt tập huấn của Sở Giáo dục & Đào tạo, nhà trường cử cán bộ giáo viên đi học tập, bồi dưỡng. Trường cũng thường xuyên liên kết với các trường trong huyện thực hiện theo mô hình này để các giáo viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với học sinh từng vùng miền. Thông qua các phong trào, hoạt động thi đua, nhà trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục đảm bảo trường lớp sáng, xanh, sạch, đẹp; trồng hàng cây bóng mát ngoài hàng rào và trồng cây cảnh ở sân trường tạo cảm giác thoải mái sau giờ học của học sinh.

Năm học 2013-2014, trường có 18 lớp/277 học sinh thực hiện theo mô hình VNEN với khối lớp 2, 3, 4 đạt trên 22,2% loại giỏi, 45,5% khá; 100% hạnh kiểm tốt.

Có thể thấy, mô hình trường học mới VNEN đa số giáo viên đã thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, nhiệt tình trong giảng dạy. Các giáo viên hiểu rõ hơn vai trò là người tổ chức, hướng dẫn còn học sinh là trung tâm, tự tìm tòi khám phá kiến thức. Ngoài ra, học sinh đã chủ động học tập biết cách học, cách tổ chức, mạnh dạn, tham gia sôi nổi, hào hứng bài học. Đặc biệt mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nhà trường bước đầu được cải thiện hướng về người học, hướng về năng lực của học sinh trong đó đã có sự tham gia của cộng đồng hỗ trợ học sinh thực hiện hoạt động ứng dụng và cùng đánh giá học sinh.

Việc đưa Mô hình trường học mới VNEN vào thực hiện tại trường Tiểu học số 1 xã Mường Kim bước đầu có kết quả khả quan trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc Tiểu học. Tuy nhiên để mô hình tiếp tục đi vào chiều sâu, thời gian tới, nhà trường tiếp tục ưu tiên giáo viên có năng lực và kiến thức vững vàng để thực hiện mô hình trường học mới. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, chấm bài cho điểm, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Chỉ đạo giáo viên dạy học bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và phù hợp đối tượng học sinh…

 

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...