Thứ năm, 09/05/2024, 08:31 [GMT+7]

Phong trào hiếu học ở Bình Lư

Thứ hai, 06/07/2015 - 17:25'
(BLC) - Cùng với sự đổi thay về mọi mặt của đời sống xã hội, những năm gần đây, sự học ở xã Bình Lư (huyện Tam Đường) có nhiều khởi sắc. Phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng hiếu học phát triển khắp bản làng góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương.

 

Về xã Bình Lư những ngày đầu tháng 7, chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào của bà con các dân tộc địa phương khi xã mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Vàng Văn Ngọc – Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Lư cho biết: “Ngoài sự thay đổi diện mạo NTM của xã thì tư duy, nhận thức của bà con đã có chuyển biến. Nhiều gia đình tuy kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn quan tâm, đầu tư cho việc học của các con với mong muốn học để xóa đói giảm nghèo, xây dựng bản làng. Nếu năm 2010 toàn xã có 20 gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học (GĐHH) thì đến năm 2014 có 537 gia đình. Con số này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của phong trào khuyến học tại xã, xuất hiện nhiều dòng họ hiếu học”.

Hội viên Hội Khuyến học xã Bình Lư tuyên truyền, vận động bà con bản Nà Phát đăng ký phấn đấu đạt gia đình hiếu học.

Hiện nay, toàn xã có 3/7 dòng họ được công nhận dòng họ hiếu học (DHHH). Nét nổi bật của các DHHH là sự đồng tâm nhất trí cao, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tạo điều tốt nhất cho con cháu học hành. Tiêu biểu như dòng họ Lò ở bản Nà Phát có khoảng 30 hộ. 100% gia đình trong dòng họ có hội viên khuyến học và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu DHHH; 100% gia đình đạt gia đình văn hóa.  Dòng họ giúp đỡ con em các gia đình nghèo trong họ tộc đi học, trong dòng họ không có học sinh lưu ban, học sinh bỏ học, không có học sinh, phụ huynh mắc tệ nạn xã hội. Dòng họ hiện có 5 con, cháu đang học và đỗ đại học; 13 con, cháu đang học và đỗ các trường cao đẳng, trung cấp..

Ông Lò Văn Vinh – người trong dòng họ chia sẻ: “Trong các buổi họp của dòng họ, chúng tôi đều kể chuyện những tấm gương vượt khó học giỏi để nhắc nhở, động viên phong trào học tập của con, cháu. Phát động mỗi cá nhân tự nguyện đóng góp xây quỹ khuyến học của dòng họ. Ngoài khen thưởng học tập, chúng tôi còn khen thưởng, biểu dương các gia đình có nhiều thế hệ chung sống hoà thuận, hạnh phúc, các gia đình trẻ làm ăn giỏi, không vi phạm các tệ nạn xã hội”.

Để phong trào GĐHH, DHHH, cộng đồng hiếu học phát triển vững mạnh, lan tỏa đến khắp các bản làng, Hội Khuyến học xã Bình Lư phát huy vai trò của các Chi hội Khuyến học trường học, thôn bản, cụm dân cư. Các hội viên thường xuyên đến từng gia đình để vận động các hộ mạnh dạn đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và GĐHH. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải mẫu mực là tấm gương sáng cho con cháu noi theo về tu dưỡng, tự học, tự sáng tạo. Qua những buổi tuyên truyền góp phần quan trọng để cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong xã hiểu và ủng hộ phong trào khuyến học, khuyến tài.

Điển hình như ông Hoàng Xuân Thuần (bản Hoa Lư) hiến 87m2 đất mở rộng khuôn viên Trường THCS Bình Lư; ông Hoàng Đình Nhung (bản Tân Bình) hiến 200m2 đất làm Trường Tiểu học Số 2 Bình Lư; ông Tao Văn Chăn (bản Pa Pe) hiến 120m2 đất làm điểm Trường Mầm non. Các trường học còn nhận được sự đóng góp về ngày công, tiền của, vật chất của Nhân dân để tu sửa cơ sở vật chất, chăm sóc nuôi dưỡng học sinh ăn trưa tại trường, ủng hộ sách vở quần áo cho học sinh nghèo đến trường. Nhờ đó, nền giáo dục xã Bình Lư ngày càng phát triển bền vững với 4/5 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp đứng thứ 2 trong toàn huyện.

Hội Khuyến học xã Bình Lư tặng Giấy khen cho các cá nhân, gia đình, dòng họ có thành tích trong phong trào khuyến học của xã nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Phát huy truyền thống hiếu học trong Nhân dân, Hội Khuyến học xã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tích cực động viên mọi người tham gia học tập tại Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Những năm qua, TTHTCĐ mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề về chuyển giao khoa học, kỹ thuật, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giáo dục pháp luật, đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân. Quá đó, giúp bà con nâng cao kiến thức, tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Bình quân mỗi năm có 477 lượt người học tập tại TTHTCĐ, mở 9 lớp xóa mù chữ với 143 học viên tham gia. Nhiều gia đình, hội viên khuyến học nhờ học tập tại TTHTCĐ mà biết cách làm ăn, thoát được nghèo đói, vươn lên làm giàu, như gia đình các ông: Lò Văn Hiền (bản Nà Đon), Giàng Văn Thím (bản Nà Khan)…

Cùng với phòng trào xây dựng gia đình, DHHH được xã đẩy mạnh ở các cơ quan, đơn vị, thôn bản. Hàng năm, xã tổ chức gặp mặt, động viên, tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học, trao học bổng cho những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Những phần thưởng tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên, khích lệ các em vượt qua khó khăn, vươn lên học tập, góp phần vận động xây dựng xã học tập.

 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...