Chủ nhật, 19/05/2024, 08:01 [GMT+7]

“Sự học” ở Mường Mô

Thứ tư, 01/10/2014 - 15:40'
(BLC) - Năm 2014, người dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn thực hiện chương trình di dân, tái định cư (TĐC) Thủy điện Lai Châu theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Về nơi ở mới, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn song các cấp, các ngành và người dân nơi đây vẫn quan tâm, chăm lo cho sự học của con em mình.

Trường Tiểu học xã Mường Mô tại địa điểm mớí.

Năm học 2014 – 2015, trường Tiểu học xã Mường Mô có 19 lớp tại 6 điểm bản với 273 học sinh ở 5 khối lớp. Trong đó, điểm trường Trung tâm có 14 lớp với 207 học sinh. Còn lại là các lớp 1, 2 ở các điểm bản: Nậm Hài, Hát Mé, Tổng Pịt, bản Giẳng và bản Cang. Các lớp học ở điểm trường trung tâm được dựng bằng gỗ lấy từ nhà công vụ của trường tại địa điểm cũ, còn lại một số lớp và phòng bán trú cho học sinh được dựng bằng tre, nứa và bạt. Mặc dù chỉ là các phòng, lớp học tạm nhưng đó là sự nỗ lực không hề nhỏ của nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh. Trong điều kiện các hộ gia đình đang khẩn trương di chuyển về nơi ở mới bộn bề công việc nhưng phụ huynh học sinh vẫn cùng các thầy, cô giáo lên rừng lấy tre, nứa về dựng lớp học cho con em mình.

Ông Lò Văn Quyết – Chủ tịch Hội phụ huynh trường Tiểu học xã Mường Mô chia sẻ: “Khi nhà trường di chuyển lên mặt bằng và chuẩn bị cho năm học mới, rất khó khăn về cơ sở trường lớp. Hội phụ huynh chúng tôi đã cùng các thầy, cô giáo vào rừng chặt tre, dựng lán cho các cháu học. Cố gắng không để việc học tập của con em mình bị gián đoạn”.

Một lớp học bằng tre nứa của trường Tiểu học xã Mường Mô.

Cùng với trường Tiểu học, năm học này, cô và trò trường Mầm non xã Mường Mô cũng đã thực hiện di chuyển đến điểm TĐC. Nhà trường hiện có 213 học sinh với 14 lớp tại 8 điểm bản, trong đó có 6 lớp 5 tuổi. Những ngày đầu, tại điểm trường trung tâm, cô và trò nhà trường phải học tập ở dưới gầm sàn nhà dân. Tuy nhiên, hiện nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, nhà trường đã chuyển lên nhà văn hóa của bản. Mặc dù có địa điểm mới ổn định hơn nhưng nhà văn hóa bản vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và diện tích nhỏ, phải đáp ứng cho 4 lớp học nên rất chật chội. Khó khăn là thế, nhưng nhà trường vẫn nỗ lực khắc phục để tổ chức tốt công tác nuôi dạy trẻ, đảm bảo kế hoạch năm học.

Năm học 2014 – 2015, xã Mường Mô có 681 học sinh ở 3 bậc học: Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Trong đó, 2 trường Mầm non và Tiểu học đã thực hiện di chuyển địa điểm mới tại các điểm TĐC. Đối với trường THCS, do các em học sinh đã lớn hơn và có thể sử dụng cơ sở vật chất trường lớp cũ của trường Mầm non và trường Tiểu học nên tạm thời nhà trường vẫn duy trì công tác dạy và học tại địa điểm cũ.

Để đảm bảo cho sự học của con em mình, cùng với sự nỗ lực của thầy và trò các nhà trường, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Nhùn và Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện cũng dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác giáo dục tại xã Mường Mô. Trước ngày khai giảng năm học mới, lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục đã thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị năm học tại các xã, thị trấn trong huyện nói chung và xã Mường Mô nói riêng. Qua đó, nắm bắt được những khó khăn, thiếu thốn của các trường động viên thầy và trò các nhà trường đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch năm học.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn cho biết: “Nhằm chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho năm học 2014 – 2015 trong điều kiện các nhà trường trên địa bàn xã Mường Mô phải di chuyển đến địa điểm mới, trong công tác chuyên môn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị trường phối kết hợp với chính quyền, các ban ngành đoàn thể và Nhân dân địa phương để huy động tối đa học sinh ra lớp, tránh tình trạng học sinh bỏ học; duy trì nề nếp dạy và học như các năm học trước; đồng thời động viên, hỗ trợ kịp thời để cán bộ quản lý và các thầy, cô giáo của các nhà trường yên tâm công tác”.

Trong điều kiện các điểm trường TĐC còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất trường lớp và các công trình phụ trợ… thì việc duy trì công tác dạy và học ở các nhà trường và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục là sự nỗ lực lớn của giáo viên, nhà trường và chính quyền địa phương để chung tay chăm lo cho sự nghiệp trồng người ở đây.

Quý Nam - Đài PH TH Nậm Nhùn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...