Thứ tư, 08/05/2024, 22:06 [GMT+7]

Siết chặt quản lý, xử lý nghiêm sai phạm dạy thêm - học thêm

Thứ ba, 27/10/2015 - 09:34'
Thông tin về việc phát hiện, đình chỉ một giáo viên tiểu học mở lớp dạy thêm sai quy định tại TP Hồ Chí Minh mới đây đã làm "nóng" lên đề tài vốn luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, phụ huynh học sinh (HS). Thực trạng quản lý dạy thêm - học thêm hiện nay ra sao? Đâu là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn những sai phạm về dạy thêm - học thêm?

Kiểm soát chặt việc trông giữ trẻ ngoài giờ

Kết quả kiểm tra của 20 đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội trong tháng 9 vừa qua cho thấy, tại các nhà trường trên địa bàn thành phố chưa phát hiện sai phạm nào liên quan đến việc dạy thêm - học thêm (DTHT). Dù vậy, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý DTHT tại cơ sở, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các trường rà soát hoạt động tổ chức DTHT tại đơn vị mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ép buộc HS học thêm. Các phòng GD-ĐT phải báo cáo cụ thể về số lượng giáo viên dạy thêm trong và ngoài nhà trường, số lượng HS đang theo học các lớp này, danh sách cơ sở tổ chức DTHT trên địa bàn đã được cấp phép...

 

Các trường trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện sai phạm liên quan đến việc dạy thêm - học thêm. Ảnh: Bá Hoạt

Một trong những giải pháp mà Hà Nội tập trung triển khai trong công tác quản lý DTHT là kiểm soát các nhóm trông giữ HS ngoài giờ học và các câu lạc bộ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống ở cấp tiểu học. Sở dĩ Hà Nội tập trung cho phần việc này là bởi theo quy định của Bộ GD-ĐT tiểu học là cấp học bị cấm DTHT hoàn toàn. Tuy nhiên, Hà Nội có đặc thù riêng về điều kiện, nhu cầu của phụ huynh, đòi hỏi phải có phương án xử lý phù hợp. Đó là cơ sở vật chất một số trường hạn hẹp nên chỉ có thể tổ chức cho HS học 1 buổi/ngày, buổi còn lại cha mẹ muốn nhờ cô trông và chăm sóc (tại một số trường của quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Gia Lâm...). Tình trạng phổ biến khác (chủ yếu là tại các quận nội thành) là HS đã học 2 buổi/ngày nhưng phụ huynh không có điều kiện đón con về nhà đúng giờ nên có nguyện vọng gửi con lại trường sau khi kết thúc buổi học thứ 2.

Nhằm tạo căn cứ pháp lý cho công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát cả từ phía cơ quan quản lý và cộng đồng, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cụ thể hóa các quy định về quản lý nhóm lớp trông giữ HS tiểu học ngoài giờ bằng văn bản với những yêu cầu cụ thể về hình thức triển khai, cơ sở vật chất, quy mô (không quá 25 HS/nhóm), nội dung hoạt động, thời lượng, thu chi tài chính. Quy định này cũng nêu rõ không được tổ chức các nhóm trông giữ vào ngày thứ bảy, chủ nhật.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trâu Quỳ (Gia Lâm), qua hai năm triển khai, mô hình này đã thể hiện rõ sự phù hợp trong điều kiện hiện nay. Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế, nhà trường đề xuất mở rộng việc tổ chức vào ngày thứ bảy vì đây vẫn là ngày làm việc của nhiều bố mẹ.

Kiên quyết xử lý sai phạm

Dù việc kiểm tra tại các nhà trường chưa phát hiện sai phạm nào liên quan đến DTHT nhưng hầu hết lãnh đạo các phòng GD-ĐT đều xác nhận rằng, khó kiểm soát các nhóm lớp DTHT ngoài nhà trường. Đa phần bức xúc của phụ huynh và dư luận cũng đều xuất phát từ mô hình DTHT này.

Cách đây hai năm, các phòng GD-ĐT đã tổng rà soát, "điểm mặt, chỉ tên" từng địa chỉ có tổ chức lớp DTHT bên ngoài nhà trường với số lượng giáo viên, HS cụ thể. Tuy nhiên, khi đó, các phòng GD-ĐT cho rằng đó chỉ là con số tương đối, bởi số lượng HS luôn biến động và cơ quan quản lý chưa hẳn đã kiểm soát được tình hình một cách toàn diện. Bộ GD-ĐT quy định giáo viên đang hưởng quỹ lương của trường công lập thì không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường, song, trong thực tế, vẫn có giáo viên bỏ qua quy định này. Những sai phạm về DTHT chủ yếu do phụ huynh, dư luận xã hội phát hiện, đòi hỏi công tác phối hợp quản lý, kiểm soát các lớp DTHT ngoài nhà trường của lực lượng chức năng cần có sự chặt chẽ và bám sát thực tế hơn. 

Thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận mới đây là việc phát hiện, đình chỉ một giáo viên tiểu học mở lớp dạy thêm tại nhà. Cách đây vài năm, Hà Nội cũng từng có giáo viên bị phát hiện dạy thêm tại nhà cho con một đồng nghiệp. Ngoài ra còn khá nhiều trường hợp vi phạm về DTHT không phép ngoài nhà trường, hoặc những phản ánh về tình trạng HS... buộc phải tự nguyện học thêm. Ông Chử Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: Toàn bộ thông tin phản ánh về những tiêu cực trong DTHT sẽ được xác minh nghiêm túc, cặn kẽ. Công tác kiểm tra, giám sát về DTHT cả trong và ngoài nhà trường sẽ được tiến hành thường xuyên, đột xuất từ nay tới cuối năm học. Quan điểm của Hà Nội là kiên quyết, nghiêm khắc xử lý đối với những hành vi sai phạm liên quan đến việc DTHT, dứt khoát không để tái phạm.

Hình thức xử phạt những vi phạm về DTHT đã được cơ quan quản lý quy định rõ, trong đó có cả phạt tiền, nhưng thực tế thường chỉ dừng ở mức đình chỉ. Tuy nhiên, rõ ràng là việc kiểm tra, giám sát dù được tiến hành thường xuyên và sâu sát đến mức nào thì cũng khó có thể ngăn chặn tình trạng DTHT "chui" một cách triệt để nếu không có chế tài xử phạt đủ mức đối với cá nhân vi phạm và thủ trưởng đơn vị nơi giáo viên công tác.

Theo Thống Nhất/hanoimoi/06:48 Thứ Năm ngày 22/10/2015

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Thiếu nước sinh hoạt ở Nà Bỏ
Đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 hệ thống đường ống dẫn nước từ đầu nguồn cùng với một mó nước ở giữa bản nhưng nhiều tháng nay các hộ dân bản Nà Bỏ (xã Bản Giang, huyện Tam Đường) không có nước...
Trọn chữ “tâm” với hoạt động công đoàn
(BLC) - Theo danh sách những điển hình trong hoạt động công đoàn do Liên đoàn Lao động tỉnh cung cấp, chúng tôi tìm gặp chị Bùi Thị Kim Liễu (Quản đốc Nhà máy chế biến Chè Lai Châu, Chủ tịch Công...