Thứ sáu, 17/05/2024, 16:04 [GMT+7]

Thêm xa những giấc mơ xanh

Thứ tư, 04/04/2012 - 10:09'
(BLC) - Từ chương trình kiên cố hóa trường học, những phòng học, nhà công vụ được xây mới như đôi cánh thần kỳ tiếp thêm nghị lực cho những giấc mơ của những mầm non vùng khó vươn cao, vươn xa…

Chuyện của thời chưa xa

Cuối năm 2009, có chuyến công tác tại xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ) tôi thật sự ngỡ ngàng và cảm phục thầy, trò Trường THPT Nậm Tăm. Nơi tôi đến là nhà công vụ, một căn phòng rộng chừng 20m2 là nơi ở của 9 giáo viên song chỉ có một chiếc giường. Còn học sinh thì chẳng có nơi ở, phải dắt díu nhau ra bờ suối Nậm Mạ dựng lán bạt ở tạm. Đó là nơi ăn, ở, còn nơi học thì đi mượn, lúc thì gầm sàn, lúc phòng học của lớp mẫu giáo…

Những người khiến tôi cảm phục không phải chỉ có vậy. Trong khoảng thời gian từ trước năm 2009, đi đến bất kỳ xã vùng xa nào của huyện nào cũng dễ dàng gặp những căn nhà mái tranh, tường thưng nứa, gỗ, nền lổn nhổn đất đá. Những ngôi nhà khiến tôi liên tưởng tới “tổ ấm” của chị Dậu ấy có những điểm chung rất đặc trưng ấy là tường nhà hở toang hoác chẳng ngăn nổi đứa trẻ tinh nghịch chui ra chui vào; mái nhà thì chỉ có tác dụng tạo bóng râm còn trời mưa thì hầu như vô dụng, cánh cửa gỗ phập phà phập phành mỗi lúc gió lùa và nền đất thì gồ ghề lồi lõm. Điều đáng quý nhất ấy là trong mỗi phòng, mỗi ngôi nhà ấy có một chiếc bảng gỗ, mấy hàng bàn ghế học trò.

Khó là thế, khổ như vậy, ấy thế mà tôi chẳng nghe được lời ca thán nào của cả người dạy, người học. Đến thăm những lớp học như thế, dù có chạnh lòng thương cảm nhưng tôi lại thấy vui khi được nghe những ước mơ còn rất trẻ con nhưng rất thật của các em học sinh và những giấc mơ rất nghiêm túc của người lớn. Những giấc mơ ấy đều vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho con em đồng bào các dân tộc.

Theo con số thống kê (ban đầu) thì chỉ tính riêng trong giai đoạn 2008 - 2011 toàn tỉnh có tới hơn 1.000 phòng học và nhà công vụ cần kiên cố hóa, trong đó hai phần ba là nhu cầu về phòng học. Con số này có nghĩa là có tới hàng nghìn học sinh đang phải chắp cánh ước mơ, nuôi nghiệp sách đèn dưới những mái nhà dột, trong căn phòng bốn bề hở hoác gió lùa…

Tôi nghe những ước mơ của các em học sinh và không có chút nghi ngờ gì về những ước mơ ấy nên đôi khi tôi tự hỏi nghị lực nào giúp các em vượt qua được những khó khăn? Và, cái gì giúp những thầy cô giáo có thể quên đi sự hiu quạnh, nỗi cô đơn mà chăm bẵm cho những giấc mơ của học sinh? Đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời mà chỉ có một niềm khâm phục.

Ngày mai hoa sẽ nở

Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2011, tỉnh ta đã kiên cố hóa được 691 phòng học và 312 nhà công vụ giáo viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. So với nhu cầu thực tế thì những con số này mới chỉ chiếm một nửa nhưng đó đã là cả một sự nỗ lực vô cùng lớn của tỉnh khó - Lai Châu.

Chắc chẳng có gì miêu tả được hết nỗi vui mừng của những học sinh, giáo viên vùng cao khi được học trong những căn phòng xây kiên cố, có chân sứ, đá hoa, cửa kính. Những ngôi nhà mà nếu so sánh với những mong mỏi ban đầu chỉ là kín gió, kín mưa đã vượt quá xa mong đợi.

Trong một chuyến công tác tại xã Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) tôi được thấy hiện thực của những giấc mơ mà biết bao lứa học sinh trước đây của Trường THCS Sì Lở Lầu không có được. Bên ngôi trường còn thơm mùi sơn mới, thầy và trò nhà trường đã trồng mấy khóm hoa đủ loại. Nhìn đã biết thầy trò nơi này vui lắm. Những ước mơ vươn lên từ ngách núi này chắc sẽ sớm tới đích bởi nhịp cầu nối những ước mơ đó đã hợp long, nối nhịp.

Cách đó chắc chỉ vài tầm tiếng gọi là Trường THCS Vàng Ma Chải. Cũng nhờ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ mà nhà lớp học mầm non, trường THCS, nhà công vụ giáo viên ở trung tâm xã đã được xây dựng. Còn nhớ ngày nào, khi chúng tôi vào thăm trường, thầy hiệu phó cuống cuồng đi rửa tay để tiếp khách vì anh đang dở đắp vắt rơm - đất cho bức vách phòng học tạm. Nay cái nền nhà cũ vẫn còn nhưng nơi “chuyển giao tri thức” thì khang trang hơn trước cả trăm lần.

Còn ở phía suối Nậm Mạ, các lều, lán tạm của học sinh Trường THPT Nậm Tăm cũng đã không còn bởi hôm nay các em đã có một tòa nhà lớp học hai tầng với 10 phòng học và khu ký túc xá với 10 phòng khép kín chẳng thua khách sạn là mấy.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2012 - 2015 tỉnh ta vẫn còn khoảng 1.200 phòng học, nhà công vụ giáo viên cần được kiên cố hóa. Để làm được điều này cần tới 550 tỷ đồng. Đây là một con số không nhỏ. Tuy nhiên chúng ta có thể tin tưởng vào điều chắc chắn ấy là những phòng học tạm, phòng tranh tre dột nát sẽ ngày càng ít đi mà thay vào đó là những dãy nhà kiên cố, những phòng học “3 cứng” để chắp cánh vững chắc hơn tương lai con em Lai Châu. Chỉ sớm - muộn, nay - mai thôi hoa được trồng tại những ngôi trường mới sẽ khoe sắc và những ước mơ từ đó sẽ nảy nở để Lai Châu đẹp tươi hơn, phồn thịnh hơn.

 

Hữu Mai

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...