Thứ bảy, 18/05/2024, 16:42 [GMT+7]

Thăm trường phổ thông dân tộc bán trú đầu tiên của huyện Tân Uyên

Thứ hai, 13/05/2013 - 11:19'
(BLC) - 5 dãy nhà xếp hình chữ Y và 1 dãy nhà riêng lẻ được bố trí trên địa hình giống những cung ruộng bậc thang; chỉ có 9/30 phòng học là bán kiên cố, còn lại là tạm bợ. Thế nhưng các thầy, cô giáo và các em học sinh vẫn vượt lên những khó khăn, miệt mài nhân lên những ước mơ… Đó là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Nậm Sỏ (Tân Uyên).

Trường có 34 lớp học gồm 552 học sinh ở 9 điểm bản, trong đó điểm bản cách trường xa nhất là 13km, chưa có sóng điện thoại di động. Thăm Trường vào những ngày trung tuần tháng 5, thời điểm “nước rút”, không khí học tập, ôn luyện tại điểm trường trung tâm vẫn sôi nổi hơn bao giờ hết. Các phòng học tạm ở đây được nối với nhau thành dãy dài, tường bao là những cây, tre, nứa đập dập đan lại do phụ huynh học sinh bỏ công sức làm dường như hợp với mùa hè hơn. Các bề mặt còn lại thì để trống.

Lớp học có 1 mặt được thưng bằng tre nứa.

Tôi hỏi thầy giáo Dương Đức Hùng – Hiệu trưởng nhà trường: “Mùa đông thì làm thế nào? Thầy bảo, mua bạt quây lại, nhưng hơi tối, điện thì mới được đầu tư vào dịp tết Nguyên đán vừa qua. Nhà trường cũng đã điều chỉnh, sắp xếp lại giờ học bằng cách cho học sinh vào học muộn hơn ngày thường và tăng các tiết hoạt động để khởi động làm ấm cơ thể”.

Khó khăn là thế song hầu hết cán bộ, giáo viên nhà trường còn trẻ, có sức khoẻ, lòng yêu nghề, ngày đêm bám trường, bám lớp truyền đạt lại kiến thức cho học sinh. Chuyển đổi thành mô hình trường PTDT bán trú cách đây 2 năm, chương trình giảng dạy vẫn giữ nguyên, khác là, với hệ thống cơ sở vật chất hiện có, nhà trường mới chỉ tập hợp học sinh thuộc 2 khối lớp 4 và 5 về học tại điểm trường trung tâm với tổng số 140 em.

Hưởng lợi từ mô hình này, mỗi em được hỗ trợ 420.000 đồng tiền ăn/tháng và ăn, ngủ, sinh hoạt tập trung tại trường. Hàng tháng, phụ huynh học sinh đóng góp củi để phục vụ nấu cơm cho con em. Để cải thiện bữa ăn và nguồn thức ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trường đã hợp đồng với nhiều nơi cung ứng gạo và mua các loại thực phẩm: thịt lợn, đậu, cá khô, trứng vịt, cá, tôm tươi do người dân đánh bắt được ở suối.

Thời gian rảnh rỗi, các em dạy nhau thêu thùa may áo.

Ngoài các buổi học trên lớp, vào buổi tối, trường phân công lịch trực cho giáo viên quản lý, kèm cặp, phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho các em học sinh yếu kém. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể để các em gặp gỡ, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Từ mô hình phổ thông dân tộc bán trú, sức khoẻ các em học sinh được đảm bảo, phục vụ tốt cho việc học tập; các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp; nhà trường cũng thuận lợi trong tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ và hoạt động ngoại khóa. Và điều quan trọng là, chất lượng học tập được cải thiện đáng kể so với năm học trước. Các bậc phụ huynh cũng yên tâm gửi gắm con em mình; tin tưởng hơn vào công tác giáo dục của nhà trường.

Giữa căn phòng bán trú với những chiếc giường tầng được sắp đặt các dụng cụ sinh hoạt ngay ngắn, chúng tôi được nghe các em học sinh tâm sự về cuộc sống khi học xa nhà. Em Lường Thị Thịnh (học sinh lớp 4A1) cho biết, gia đình em ở bản Co Tói, em là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi em về điểm trường trung tâm học theo mô hình bán trú, bố mẹ luôn nhắc nhở em phải biết nghe lời thầy cô, chăm chỉ học tập, yêu quý bạn bè. Nghe lời bố mẹ, ngoài giờ học trên lớp, em dành thời gian ôn lại bài cô giáo giảng trên lớp cho thật kỹ, bài nào không hiểu là em hỏi lại cô giáo ngay. Với đức tính cần cù, chăm chỉ, từ năm học lớp 1 đến nay, Thịnh liên tục được công nhận danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Nỗi trăn trở lớn nhất của Ban giám hiệu nhà trường bao năm qua đó là làm thế nào có hệ thống trường lớp ổn định để phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập của nhà trường. Trong khi diện tích khuôn viên nhà trường không thể mở rộng (chỉ có 1.500m2) thì quy mô học sinh vẫn tăng dần lên sau mỗi năm học. Dự kiến năm học 2013 – 2014, nhà trường sẽ có tổng số 602 em, tăng 60 học sinh so với năm học trước, trong đó 167 em học sinh thuộc diện bán trú. Việc tăng số lượng học sinh là điều đáng mừng, song để đảm bảo tốt nhất về điều kiện học tập cho các em vẫn là việc cần lưu tâm.

Trao đổi với chúng tôi về giải pháp này, bà Nguyễn Thị Huyền – Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Tân Uyên cho biết, thời gian tới, Phòng sẽ đề xuất với tỉnh cân đối nguồn vốn tập trung để đầu tư xây dựng nhà lớp học tạm theo quy mô “3 cứng” cho nhà trường. Về kế hoạch lâu dài, huyện cũng đã bố trí quỹ đất và nguồn vốn hợp lý để xây dựng trụ sở mới. Tuy nhiên, theo kế hoạch phân bổ nguồn vốn thì trong năm nay vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ và lòng quyết tâm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, nhiệt huyết, hi vọng tập thể Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Sỏ sẽ vượt qua được những khó khăn để tiếp tục vững bước trong sự nghiệp trồng người.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...