Chủ nhật, 19/05/2024, 10:15 [GMT+7]

Trước đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT: Cần ổn định tâm lý cho học sinh

Thứ năm, 25/09/2014 - 10:42'
(BLC) – Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức từ ngày 9-12/6/2015 thay vì tách thi tốt nghiệp và đại học như trước, kết quả kỳ thi tốt nghiệp sẽ là căn cứ để xét tốt nghiệp và đại học cho các thí sinh dự thi. Đây là thay đổi lớn nhất của Ngành giáo dục trong năm học này song đối với một tỉnh miền núi như Lai Châu cũng còn nhiều trăn trở.

Quyết định công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 mới đây của Bộ GD – ĐT đã thu hút nhiều sự quan tâm, chú ý của các em học sinh lớp 12, cũng như các bậc phụ huynh trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, mới chỉ có môn thi là thông tin được công bố chính thức còn việc tổ chức thực hiện các nội dung khác trong quyết định của Bộ vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

Giờ học Ngoại ngữ của lớp 12C2, trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh.

Có mặt tại Trường THPT thành phố Lai Châu mặc dù tiếng trống đã điểm giờ ra chơi, nhưng theo quan sát của chúng tôi các em khối 12 vẫn ngồi bàn luận, chia sẻ những thông tin mới về kỳ thi quốc gia. Cảm giác chung của các em là lo lắng, hoang mang vì theo phương án mới sẽ có nhiều điểm khác biệt so với các kỳ thi trước.

Theo quyết định số 3538/QĐ - BGDĐT, ngày 9/9/2014, bắt đầu từ năm 2015, kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng sẽ được gộp thành một kỳ thi chung có tên là kỳ thi THPT quốc gia. Mỗi thí sinh phải dự thi tối thiểu 4 môn: Trong đó, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là các môn bắt buộc và một môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Điểm mới của việc xét tốt nghiệp năm nay đó là Ngoại ngữ trở thành một trong ba môn bắt buộc. Tuy nhiên, vẫn có quy định được chọn môn thay thế, miễn thi môn này đối với thí sinh học trong điều kiện không đảm bảo hoặc đã có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ. Điều này khiến cho nhiều giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn toàn tỉnh băn khoăn.

Các em học sinh lớp 12C trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh trao đổi bài sau giờ học chính khóa.

Năm học 2014-2015, trường THPT thành phố Lai Châu có 167 em học sinh lớp 12. Phương án thi của Bộ GD& ĐT với môn thi ngoại ngữ bắt buộc khiến nhà trường lo ngại khó có thể duy trì tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% như những năm học trước. Cô Đinh Thị Mai Oanh - giáo viên môn Ngoại ngữ của trường chia sẻ: “Trường toàn học sinh dân tộc, môn thi Ngoại ngữ bắt buộc có thể sẽ khiến các em lo lắng. Trước mắt, chúng tôi chưa biết tổ chức ôn luyện cho các em thế nào vì không biết nhà trường có nằm trong diện được thi môn thay thế. Nếu tổ chức ôn tốt nghiệp, chúng tôi sẽ chú trọng ôn kỹ năng làm bài trắc nghiệm và thêm phần tự luận”.

Ngay sau khi biết thông tin Bộ GD&ĐT chốt phương án kỳ thi quốc gia, nhà trường đã tổ chức họp Ban Giám hiệu, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn lớp 12 bàn kế hoạch tổ chức ôn tập cho các em lớp 12, tiến hành phân nhóm đối tượng học sinh theo học lực để có kế hoạch ôn phù hợp, bổ sung thêm kiến thức cho các em có học lực yếu, trung bình nhằm chuẩn bị hành trang cho các em bước vào kỳ thi với tâm trạng tự tin, thoải mái nhất. Ngoài ra, để các em không bị xáo trộn tâm lý, yên tâm học tập nhà trường đã yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải giải thích rõ ràng cho các em hiểu về những điểm mới trong kỳ thi giúp các em định hướng đúng trong ôn tập, lựa chọn các trường cao đẳng, đại học phù hợp với năng lực của mình.

Đứng trước một kỳ thi quan trọng, mang tính quyết định tương lai sau này của mình em Nguyễn Việt Anh, lớp 12A1, trường THPT thành phố Lai Châu chia sẻ: “Khi Bộ GD –ĐT công bố tổ chức kỳ thi quốc gia THPT sẽ giảm áp lực cho học sinh, có tính chất phân luồng cao nhưng với bản thân em thấy bất ngờ và lo lắng vì ngay từ đầu khi bước vào lớp 10 em đã chọn khối A để thi đại học. Giờ theo phương án này em phải tập trung ôn thêm hai môn văn và ngoại ngữ kiến thức hai môn này khá rộng mà thời gian cũng không còn nhiều… không biết kết qủa sẽ thế nào”.

Cũng giống như trường THPT thành phố Lai Châu, thông tin về kỳ thi quốc gia THPT được các giáo viên, học sinh trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh chú trọng, quan tâm. Năm học này, nhà trường có 121 học sinh khối 12 chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiều số của tỉnh. Vì vậy, nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng, băn khoăn về môn thi bắt buộc, đặc biệt là môn Ngoại ngữ.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy Lưu Hồng Phương – Hiệu trưởng  THPT Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết, hiện nhà trường đang làm đơn xin thay thế môn Ngoại ngữ bằng môn học khác. Trong lúc đang chờ đợi công văn hướng dẫn của Bộ, Sở GD&ĐT hiện nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho các em và dự kiến sẽ triển khai vào đầu tháng 10. Nhà trường sẽ tổ chức ôn luyện 2 buổi/ngày để phụ đạo cho học sinh khối 12. Đối với các môn thi tốt nghiệp sẽ phụ đạo 50 tiết/ môn để các em củng cố, nắm chắc và nâng cao kiến thức. Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khóa, thư viện, thông tin tuyên truyền để các em nắm bắt các tin tức, sự kiện liên quan đến kỳ thi. Tuy nhiên vấn đề mà các em học sinh trong trường quan tâm hiện nay, việc tổ chức kỳ thi quốc gia sẽ thi theo cụm, theo vùng sẽ gây khó khăn cho các em. Vì đa số các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn, việc di chuyển xa đi lại, ăn ở sẽ tốn kém nhất là đối với các em chỉ cần có tấm bằng tốt nghiệp rồi đi học nghề nên đa số các em đều có nguyện vọng được thi tốt nghiệp ở trong tỉnh.

Được biết, ngoài 4 môn bắt buộc trên, với phương án mới thí sinh có quyền đăng ký thêm các môn còn lại của kỳ thi chung để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của từng ngành đào tạo do trường quy định trong đề án tuyển sinh riêng. Đối với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước, nếu có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ thì chỉ cần đăng ký những môn mình lựa chọn để xét tuyển vào các ngành, trường tương ứng, không nhất thiết phải thi các môn bắt buộc nếu các môn đó không phục vụ cho xét tuyển vào các ngành, trường ĐH, CĐ.

Với những thông tin mới về kỳ thi quốc gia THPT năm học 2014 -2015, để đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới các trường THPT trên địa bàn tỉnh cần cókế hoạch ôn tập, phương pháp dạy hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền, giải thích sớm ổn định tâm lý cho các em học sinh.

 

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...