Thứ bảy, 18/05/2024, 20:24 [GMT+7]

Trường THPT Nậm Hàng: Vượt khó nâng cao chất lượng dạy học

Thứ hai, 14/01/2013 - 21:14'
(BLC) – Trường THPT Nậm Hàng, huyện Mường Tè được thành lập từ tháng 6/2011. Vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp học, công tác tuyển sinh … đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường luôn đoàn kết, vươn lên, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

Thầy Đoàn Đình Giang – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Năm học này, nhà trường có 195 học sinh ở 6 lớp học; 25 cán bộ, giáo viên, trong đó có 16 giáo viên, đa số các thầy cô đều đi ở nhờ, thuê nhà, còn học sinh ở tạm 8 phòng cấp 4 của khu nội trú Trường cấp 2. Phòng Ban Giám hiệu, phòng chức năng, phòng học, thực hành, các thiết bị dạy học, thí nghiệm đều chưa có, trường chỉ tổ chức học được một ca buổi chiều cho nên việc ôn tập hay tăng cường phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều lúc không biết xoay sở thế nào”.

Giờ học môn Vật lý của cô vào trò lớp 11A2, Trường THPT Nậm Hàng.

Trường THPT Nậm Hàng được thành lập là niềm vui lớn đối với các em học sinh, phụ huynh trên địa bàn các xã: Nậm Hàng, Mường Mô, Nậm Manh, Pú Đao, Lê Lợi và thị trấn Nậm Nhùn, … Vì giờ đây các em không phải vào tận trung tâm huyện (cách hơn 70km) để theo học, còn phụ huynh sẽ không lo vì con em phải xa nhà. Vui là vậy nhưng cũng kể từ năm học đầu tiên đến nay nhà trường đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Khó khăn đầu tiên là việc đảm bảo sỹ số học sinh theo quy định, việc vận động đủ các em đi học đã khó bây giờ việc duy trì sỹ số còn khó khăn hơn. Thêm vào đó hiện tại trên địa bàn có nhiều Dự án lớn đang được đầu tư triển khai như: Dự án thuỷ điện Lai Châu, phát triển trồng cây cao su cần rất nhiều lao động dễ dẫn đến việc nhiều em bỏ học để đi làm thuê…

Để duy trì sỹ số học sinh cũng như từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên có thể kèm cặp các em trong giờ tự học ở bán trú. Đồng thời, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh tiếp tục cho con em mình tới lớp. Phân tích, giải thích với lãnh đạo Công ty Cổ phần Cao su và Thuỷ điện Lai Châu không nhận học sinh đang tuổi đến trường vào làm công nhân.

Em Lý Thị Gầu, học sinh giỏi lớp 11A2 cho biết, trong năm học này, gia đình bắt em phải ở nhà lên nương phụ giúp gia đình. Em đã nhờ các thầy cô giáo thuyết phục, nên đã được quay trở lại học tập cùng các bạn. Em sẽ cố gắng học thật tốt sau này trở về xây dựng quê hương”.

Các em trồng rau xanh cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Trở ngại lớn nhất hiện nay của nhà trường là cơ sở vật chất đều bắt đầu từ con số không. Do phải mượn phòng học nên nhà trường không chủ động được về thời gian và phải học buổi chiều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy cũng không thể triển khai vì chưa có thiết bị, máy chiếu… Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường bắt tay triển khai xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Qua đó, giúp học sinh được vui chơi, được ca hát sau những giờ học tập căng thẳng.

Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu luôn kịp thời động viên giáo viên tự bồi dưỡng kiến thức, tìm tòi học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp. Thường xuyên dự giờ, thăm lớp, cử cán bộ chuyên môn vững hướng dẫn giáo viên còn hạn chế về nghiệp vụ để nâng cao chất lượng các bài giảng. Vào mỗi dịp cuối kỳ, nhà trường tổ chức nghiệm thu bàn giao chất lượng giữa các lớp và giao chỉ tiêu cụ thể cho năm học tới, nên ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Số học sinh bỏ học hàng năm giảm hẳn, học sinh khá giỏi ngày càng tăng. Với sự nỗ lực đó, trong học kỳ I năm học 2012-2013, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt trên 20%, hạnh kiểm tốt trên 40%, duy trì sỹ số ở mức 95% - đó là những con số đáng mừng đối với một trường học còn quá nhiều khó khăn như trường THPT Nậm Hàng.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm học 2012 - 2013, nhà trường rất mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước, các cấp, ngành có liên quan sớm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm giúp các thầy cô, học sinh đảm bảo công tác giảng dạy, học tập và sinh hoạt. Giúp nhà trường duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng giáo dục trong những năm học tiếp theo.

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...