Chủ nhật, 19/05/2024, 08:15 [GMT+7]

Vượt khó chăm lo học sinh

Thứ hai, 25/04/2016 - 13:44'
(BLC) - Giúp học sinh yên tâm bám trường, bám lớp, vươn lên trong học tập, ngoài nâng cao chất lượng giáo dục, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè) còn đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống cho các em.

Nhà trường có 29 lớp với 564 học sinh, trong đó có 164 học sinh bán trú. Những năm trước, tình trạng học sinh không đến lớp diễn ra thường xuyên, gây khó khăn cho công tác quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Sau khi thực hiện mô hình trường học bán trú, tỷ lệ chuyên cần luôn đạt từ 92 - 97%.

Thăm trường vào giờ ăn trưa của học sinh, nhìn các em quây quần, trò chuyện sôi nổi bên mâm cơm khiến chúng tôi vui lây. Em Giàng Páo Gừ (học sinh lớp 4A) cho biết: “Nhà xa trường và đường đi lại rất khó khăn, em mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được lớp. Được ở bán trú, các thầy, cô giáo chăm lo từ bữa ăn đến sinh hoạt hàng ngày em rất là vui và yên tâm học tập”. Còn với Thào A Páo (lớp 5B), nhà ở bản Cô Lô Hồ cách trường 15km, trước kia bố mẹ phải đưa đón em đi học. Từ khi ở lại trường, bố mẹ đỡ vất vả, em cũng thuận lợi hơn trong học tập.

Bữa ăn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Tà Tổng.

Mặc dù nhà bếp ăn còn tạm bợ, bữa ăn của học sinh chưa thực sự đủ đầy, nhưng với sự nỗ lực cố gắng chăm lo cho các em của các thầy, cô giáo đây thực sự là động lực để hàng trăm học sinh ở xã Tà Tổng thêm quyết tâm bám trường, bám lớp.

Thầy giáo Nguyễn văn Sơn - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm, nhà trường họp Ban Quản lý đời sống, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, trong đó Ban Giám hiệu cũng được phân công lịch trực cụ thể; xây dựng nội quy bán trú; tổ chức hướng dẫn học sinh nề nếp ăn ở, sinh hoạt khoa học, nhất là kỹ năng sống. Cùng với đó, triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Ví dụ, ngoài giờ lên lớp, các em được hướng dẫn kỹ năng tự phục vụ và chăm sóc bản thân; kỹ năng giao tiếp; quản lý thời gian; thể hiện sự tự tin... Đối với những học sinh mới vào ở bán trú, các thầy, cô giáo tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, dạy dỗ từ những việc nhỏ nhất.

Nâng cao chất và lượng các bữa ăn cho học sinh, ngoài định mức hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường tổ chức cho các em tăng gia thêm vào ngoài giờ lên lớp: trồng rau, nuôi lợn, vịt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nước sinh hoạt. Hàng ngày, các thầy, cô giáo phải đi rất xa, sử dụng ống nhựa dẫn nước về các bể nước tự tạo bằng bạt. Nhà ở bán trú còn tạm bợ, chưa có nhà bếp, nhà ăn, nhà trường dựng nhà tạm để nấu ăn; sử dụng tre, gỗ làm bàn, ghế ăn cơm cho các em.

Năm học 2014 - 2015, 100% học sinh nhà trường đạt học lực trung bình trở lên, trong đó 17,6% đạt khá, không có học sinh yếu kém, tỷ lệ huy động ra lớp đạt 97%. Đây chính là “mùa quả ngọt” từ sự nỗ lực vượt khăn của các thầy, cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 xã Tà Tổng trong thời gian qua.

Mỹ Duyên - Đài TT-TH Mường Tè

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

“Gỡ khó” chương trình mục tiêu quốc gia
(BLC) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình mục tiêu quốc gia) là động lực để giúp đồng bào dân...
Nỗ lực học tập, rèn luyện
Vâng lời thầy, cô giáo, đoàn kết bạn bè, tiên phong trong các phong trào của lớp, của trường, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, em Tao Thị Hiên - lớp 9A2, Liên đội trưởng Trường Tiểu học và...
Cần có biện pháp cấp bách ngăn chặn lừa đảo qua điện thoại
Thời gian gần đây, lợi dụng sự cả tin của người dân, nhiều đối tượng xấu tiếp tục thực hiện hành vi giả danh cơ quan công an, cán bộ công an phường gọi điện hoặc nhắn tin cho người dân, hướng dẫn...