

Cô giáo Đào Thanh Huyền (thứ 2 từ trái sang) nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Gặp gỡ, tiếp xúc với cô giáo Đào Thanh Huyền nhiều nhưng lần nào với tôi cũng có những cảm xúc mới mẻ về chị. Lúc thì là một người vợ, người mẹ đảm đang chu toàn cho gia đình, lúc lại tất bật cho những hoạt động tập thể của nhà trường; khi thì lại bận rộn với những chuyến công tác dài ngày. Nhưng, dù lúc nào và ở đâu, tôi cũng đều cảm nhận ở chị một trái tim nóng, cháy hết mình cho những dự định mới và luôn vì mục đích xây dựng uy tín, nâng tầm, vị thế nơi cái “cây” mà chị đang vun trồng hàng ngày. Đó là tập thể Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, dù cuộc sống đang còn bộn bề khó khăn ở phía trước.
Chị mở đầu câu chuyện với tôi về nhiệm vụ chính của mình đó là xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn của Khoa Sư phạm theo năm học, học kỳ, tháng. Xây dựng và hoàn thành kế hoạch kiểm tra hồ sơ chuyên môn, dự giờ đánh giá giáo viên theo tuần, tháng, học kỳ. Rồi đến xây dựng chỉ tiêu công việc và phân công cho từng cá nhân của khoa đảm bảo theo đúng công việc, phát huy thế mạnh và hiệu quả công việc của từng cá nhân... Cô còn đứng lớp với tỷ lệ số tiết theo quy định. Sẽ còn rất nhiều công việc liên quan đến hoạt động sư phạm của khoa mà cô trực tiếp tham mưu, song dù nhiệm vụ nào, cô Huyền cũng luôn thực hiện bằng cái tâm của người nhà giáo, phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; nắm bắt và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trong khoa để kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ cho phù hợp.
Những năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường khó khăn hơn, cô Huyền cùng các đồng nghiệp tham mưu nhiều giải pháp giúp Ban giám hiệu và kết quả là luôn duy trì số lượng sinh viên đăng ký nhập học ổn định qua mỗi năm. Muốn công tác tuyên truyền đem lại hiệu quả, cô Huyền cho rằng cần phải nâng cao tỷ lệ sinh viên trúng tuyển và được sắp xếp, bố trí việc làm đúng ngành học sau khi ra trường. Đó chính là những dẫn chứng sinh động và thực tế nhất để công tác tuyển sinh của nhà trường đạt hiệu quả cao hơn.
Được biết, trong những năm qua, tỷ lệ sinh viên thi đỗ viên chức, trở thành những giáo viên tâm huyết, trách nhiệm trong các nhà trường đạt khoảng 70%/năm. Cô Huyền cũng luôn chủ động tham mưu xây dựng chương trình đào tạo ngành Giáo dục mầm non từ hình thức tập trung sang hướng mềm dẻo, linh hoạt, chuyên sâu. Bằng mối quan hệ khéo léo của mình, cô Huyền liên hệ với các trường mầm non trên địa bàn phối hợp, tạo điều kiện cho các sinh viên của trường tham gia thực tập để các em được rèn nghề, làm quen với nghiệp vụ giảng dạy. Giờ đây, những thầy cô giáo mầm non như: Mào Văn Hoạt (giáo viên Trường Mầm non xã Tà Hừa, huyện Than Uyên); Quàng Văn Phong (giáo viên Trường Mầm non xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ); Bùi Thị Nhung (giáo viên Trường Mầm non Hoạ mi, thành phố Lai Châu) và còn nhiều sinh viên khác đã trưởng thành nhờ sự chỉ dạy tận tình của cô Huyền.
Để có “những cây đời xanh tươi” ấy, cô Huyền đã trải qua những năm tháng vất vả, gian khổ trên hành trình tự học, tự tìm tòi nghiên cứu, tìm hướng đi cho mình. Mặc dù với thiên chức của người vợ, người mẹ, người “giữ lửa” trong gia đình, song từ những năm 2008, cô Đào Thanh Huyền đã đưa cả con (6 tháng tuổi) về Hà Nội để ôn, thi đỗ, tham gia học tập nâng cao trình độ, trở thành một trong những người đầu tiên nhận tấm bằng thạc sỹ ngành Giáo dục mầm non của ngành Giáo dục – Đào tạo Lai Châu. Cô Huyền không ngừng trên con đường tìm kiếm, tích lũy tri thức, “làm giàu” cho lĩnh vực chuyên môn mà cô ấp ủ bấy lâu. Cô kết bạn với bạn bè, đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc để học hỏi những cái mới về áp dụng tại nơi mình công tác. Không giấu nghề, cô truyền lại cho bao thế hệ sinh viên mà cô đã từng dìu dắt, để khi vươn rộng cánh bay ở khắp nẻo phương trời, các em đều dành cho cô Huyền sự biết ơn vì đã “truyền lửa tri thức” giúp các em trưởng thành, cống hiến cho quê hương trên mỗi vị trí công tác. Với 80% sinh viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, nhiều em gia đình gặp biến cố, bố mẹ ly hôn, có lúc tưởng như việc học dang dở… thương các em, cô Huyền lại trích phần lương ít ỏi của mình, kêu gọi xã hội hóa giúp các em có thêm nguồn kinh phí mua sách bút, chăn màn và trang trải cuộc sống. Tham gia liên kết đào tạo lưu học sinh Lào, các sinh viên đều xa gia đình, những lúc ốm đau, cô Huyền lại gần gũi, giúp đỡ các em như người mẹ, người chị, người thân trong gia đình.
Tự hào về người cộng sự mẫu mực, một tấm gương ham học hỏi, cô Lê Thị Hà Giang - Hiệu phó Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu chia sẻ: Cô Huyền là giáo viên có niềm đam mê cháy bỏng với nghề, biết vượt lên khó khăn để hướng về phía trước với một khát khao cống hiến lớn lao. Không những vậy, cô còn là người có tấm lòng nhân hậu, chia sẻ với những mảnh đời khó khăn. Đó là điều đáng quý, đáng trân trọng và là niềm tự hào của nhà trường.
Mới đây chúng tôi còn được biết tin cô Huyền là một tình nguyện viên tích cực khi sẵn sàng hiến máu cứu người. Đã 7 lần cô Huyền hiến máu, trong đó 4 lần hiến khi người bệnh trong cơn nguy cấp, thậm chí có cả cháu bé sơ sinh. Hành động của cô Huyền được nhiều y, bác sỹ và người dân cảm kích vì tấm lòng thương người như thể thương thân. Tấm lòng đáng quý ấy của cô còn thể hiện ở việc thường xuyên gom sách, quần áo ấm do cô tự bỏ công sức, tiền của để mua và phát động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp vật chất, tiền mặt ủng hộ những mảnh đời khó khăn, hoạn nạn, gặp bất hạnh trong cuộc sống. Việc làm đáng quý như vậy nhưng cô luôn khiêm tốn: “Có gì đâu, mình làm nghề dạy người, những việc làm cho cuộc sống đẹp thêm thì nên cố gắng hết sức có thể”.
Nhìn lại những việc làm của cô Huyền, tôi khâm phục cô không chỉ bởi thành tích mà cô đạt được, những giấy khen, bằng khen mà lãnh đạo nhà trường, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng; mà còn trân quý cô ở con người có tâm hồn đẹp, tấm lòng đáng quý.

Phát triển du lịch bền vững

Cán bộ, đảng viên gương mẫu, quần chúng noi theo

Viết bằng niềm tin và trách nhiệm

Học Bác để đổi mới và lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết

Nỗ lực xây dựng quê hương Bình Lư phát triển giàu đẹp

Học theo Bác bằng việc thật, người thật, hiệu quả thật

Nhân rộng điển hình từ nhiều cách làm hay, sáng tạo

Tam Đường: Nâng cao hiệu quả phát hiện, bồi dưỡng và lan tỏa điển hình trong học tập và làm theo Bác










