Thứ ba, 19/03/2024, 10:13 [GMT+7]
Tháo gỡ khó khăn cho nông sản Lai Châu:

Bài 2: Tìm giải pháp tháo gỡ cho nông sản Lai Châu

Thứ bảy, 11/09/2021 - 14:19'
(BLC) - Trước tình trạng sản phẩm nông sản ùn ứ khó tiêu thụ trong khi năng lực tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) dần cạn kiệt, đời sống của một bộ phận người dân đang lao đao khi nông sản rớt giá, bị nợ đọng. Để cứu chính mình, nhiều đơn vị tự vận động tìm kiếm thị trường mới, lo tài chính trả nợ, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh. UBND tỉnh vào cuộc, gặp gỡ tìm cách tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến tiêu thụ nông sản.

Linh hoạt tìm kiếm thị trường

Hiện nay, đa phần chè khô bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Afganistan, Trung Đông; còn việc tiêu thụ nội địa sản phẩm chè Lai Châu rất hạn chế do chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã chưa thể cạnh tranh cùng loại của vùng chè truyền thống như: Thái Nguyên, Lâm Đồng…

Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt các doanh nghiệp đã chủ động nhạy bén đưa ra nhiều giải pháp ứng phó ở thời điểm này. Trong đó, có việc điều chỉnh hạ giá thu mua chè Shan và chè Kim tuyên búp tươi. Cùng với đó, tìm kiếm thị trường mới, thay đổi mẫu mã sản phẩm, hướng đến thị trường nội tiêu.

Thời điểm này, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển (CPĐTPT) chè Tam Đường xác định sản xuất chè ra để lưu kho chờ xuất khẩu nên đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức thu mua hết nguyên liệu của bà con. Trong giai đoạn khó khăn này, Công ty cũng đề nghị với chính quyền địa phương tuyên truyền với bà con nông dân chia sẻ phối hợp với nhau trong đầu tư thâm canh chè cũng như thu mua, sản xuất chế biến hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty CPĐTPT chè Tam Đường, ngay khi có tín hiệu khả quan của thị trường tiêu thụ Công ty sẽ thu mua giá nguyên liệu tốt hơn, riêng các chính sách hỗ trợ về thuốc bảo vệ thực vật, tạm ứng phân bón đơn vị vẫn cam kết thực hiện. Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Công ty đã tổ chức sản xuất đa dạng hóa các loại sản phẩm; tập trung đàm phán với các đối tác trong việc sản xuất, thông tin kịp thời để đơn vị tổ chức sản xuất theo nhu cầu của khách hàng. Từ đầu năm 2021, Công ty đã tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước; trong đó đã giới thiệu, bán sản phẩm tại 96 siêu thị khu vực phía Bắc và xuất khẩu ủy thác sang thị trường Đức, Hà Lan với số lượng trên 10 tấn. Thời gian tới, đơn vị mong muốn tỉnh quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và trả nợ một phần tiền nguyên liệu cho bà con.

Cũng giống như Công ty CPĐTPT chè Tam Đường, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã đầu tư hệ thống dây chuyền tự động hóa hoàn toàn ở tất cả các công đoạn chế biến chè. Cùng với đó, tích cực tìm kiếm thị trường mới, Công ty đã sản xuất và giới thiệu sản phẩm chè Shan Tuyết đến thị trường các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam. Đồng thời hướng đến việc chuyển từ thị trường tiêu thụ Trung Đông sang Đài Loan từng bước hạn chế chè tồn kho, tránh tình trạng phụ thuộc. Nhờ đó, 8 tháng đầu năm 2021, Công ty đã tiêu thụ đạt trên 800 tấn chè khô.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) tìm kiếm thị trường tiêu thụ trên các trạng mạng xã hội.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hộ nuôi cá nước lạnh trên địa bàn tỉnh khó khăn trong tìm kiếm thị trường tiêu thụ cá hồi, cá tầm.

Đối với các nông sản khác, người dân và cấp ủy chính quyền địa phương cũng đã ngồi lại với nhau bàn bạc, tìm ra các giải pháp để phát triển nông sản theo hướng bền vững. Điển hình như huyện Tam Đường, để tháo gỡ những khó khăn cho nghề nuôi cá nước lạnh, huyện Tam Đường và người nuôi cá ở xã Sơn Bình tập trung xây dựng sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá hình thành thương hiệu cá tầm, cá hồi Tam Đường từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ. Các cơ sở nuôi cá nước lạnh đã chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ như: siêu thị, hệ thống phân phối, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ cá tầm, cá hồi.

Thời gian qua, xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Giang Ma (huyện Tam Đường) tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp vào thuê đất trồng hoa hồng. Việc chuyển đổi đã giúp người thuê đất trồng mỗi năm mang lại hàng trăm triệu đồng/ha, còn hộ cho thuê đất trung bình từ 70-80 triệu đồng/ha. Nhưng do đại dịch Covid-19, nhiều hộ đứng trước nguy cơ phá sản do phải cắt bỏ nhiều diện tích hoa hồng quá lứa thu hoạch vì không có thị trường tiêu thụ.

Anh Nguyễn Văn Thanh, huyện Mê Linh, Hà Nội chia sẻ: “Tôi thuê 1,8ha đất trồng hoa hồng tại xã Giang Ma được hơn 3 năm nay. Do dịch bệnh, hoa không bán được, giờ chỉ bán lẻ trong tỉnh và một số vùng lân cận. Tôi cũng đang chuyển đổi sang trồng bí thương phẩm, không mở rộng diện tích trồng hoa nữa”.

Đối với quả chuối tươi, do cửa khẩu Ma Lù Thàng tạm dừng nhập khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động kết nối tiêu thụ sang Trung Quốc tại các cửa khẩu khác như: Thanh Thủy (Hà Giang), Tân Thanh (Lạng Sơn). Mặc dù chi phí vận chuyển cao, phát sinh nhiều cước phí, rủi ro khác nhưng đây là giải pháp tình thế duy nhất vào lúc này.

Các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho nông sản

Đứng trước tình trạng sản phẩm nông sản tồn đọng, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Sở Công thương kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến trao đổi với cơ quan chức năng bên Trung Quốc để hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Ma Lù Thàng sớm tiếp tục thông thương để xuất khẩu hàng nông sản. Đề nghị Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thị trường: châu Á- châu Phi, châu Âu - châu Mỹ, tham tán thương mại tại nước ngoài tìm kiếm thị trường và tháo gỡ cho việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh nhất là chuối, chè.

Ông Nguyễn Sỹ Chín – Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Sở phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử: Posttmart.vn, voso.vn nâng cao khả năngnp tiếp cận thị trường trong, ngoài nước. Hỗ trợ 21 lượt doanh nghiệp quảng bá, kết nối đưa sản phẩm nông sản (chè, gạo, miến dong, rượu) vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ở các thành phố lớn; tham gia gian hàng trên Alibaba.com, Amazon.com, Sendo.vn, Lazada.vn… để giới thiệu, bán sản phẩm”.

Để đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương hướng dẫn nông dân trong khâu sản xuất, thông tin kịp thời đến các vùng trồng trọt, nuôi trồng thủy sản về tình hình dịch bệnh và thị trường tiêu thụ. Đặc biệt là những khó khăn trong tiêu thụ hiện nay; khuyến cáo người dân không tự ý mở rộng quy mô sản xuất để tránh thu hoạch cùng lúc. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và chỉ đạo phòng trừ kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây trồng, vật nuôi nhất là vùng sản xuất nông sản tập trung.

Ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, Sở chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh nông sản về quy trình, kỹ thuật sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản mùa vụ của tỉnh.

Về phía địa phương, ông Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho rằng, nông sản tại huyện khó xuất khẩu nhất là chuối tươi, mía; huyện đã có sự trao đổi với cấp có thẩm quyền Châu Hồng Hà (Trung Quốc) để tiếp tục thu mua cho Nhân dân. Về căn bản, các doanh nghiệp đề nghị tỉnh và Sở Công thương kết hợp chặt chẽ Cục thương mại Châu Hồng Hà để 2 bên phối hợp thúc đẩy nông sản. Về lâu dài, huyện cùng các doanh nghiệp bàn bạc với Sở Khoa học & Công nghệ để đưa ra mã vùng trồng lúc đó sẽ thuận lợi cho các sản phẩm xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp lắp đặt các dây chuyền như: sản xuất rượu chuối, chuối khô, sản xuất tơ sợi thân chuối khô.

Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng doanh nghiệp rà soát cụ thể từng loại mặt hàng, kiểm kê các sản phẩm, số lượng, chất lượng để tìm kiếm thị trường phù hợp. UBND tỉnh sẽ phối hợp các ngân hàng trên địa bàn rà soát, đáo hạn, gia hạn nợ, thanh khoản lại để tìm hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX.

Trong khi chờ sở, ngành cùng tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tồn đọng, các doanh nghiệp, HTX vẫn tìm mọi cách hỗ trợ thu mua nông sản cho bà con. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, tình hình tại Afganistan, Trung Đông vẫn căng thẳng; doanh nghiệp đề xuất tỉnh xem xét cho vay nguồn vốn ngắn hạn để duy trì hoạt động, sản xuất, kinh doanh và trả nợ cho người dân khi mua nguyên liệu.

(Còn nữa)

Phương Ly

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...