Thứ sáu, 19/04/2024, 10:07 [GMT+7]

Bảo vệ "đầu cơ nghiệp" trong những ngày mùa đông

Thứ bảy, 15/01/2022 - 08:54'
(BLC) - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 1/2022, các đợt không khí lạnh tiếp tục hoạt động có thể gây mưa, đề phòng xảy ra băng giá và sương mối. Bảo vệ đàn gia súc là nhiệm vụ được chính quyền và người dân các địa phương trong tỉnh đặc biệt lưu tâm, chủ động từ sớm.

Từng nuôi gia súc nhiều năm nhưng gia đình chị Mào Thị Dự ở bản Mường Mô 1, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cũng như bà con trong bản thường để trâu, bò trên rừng, khi cần sức cày kéo mới đưa về nhà. Do chăn nuôi theo phương thức thả rông nên gia súc sinh sản chậm và dễ mắc bệnh.

2 năm qua, thực hiện chủ trương của xã về chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, chị Dự chủ động làm chuồng và thực hiện chăn dắt. Ngay từ đầu mùa đông năm nay, cùng với chủ động nguồn thức ăn thông qua trồng cỏ, tích trữ rơm, chị thực hiện nghiêm việc tiêm vắcxin theo định kỳ của cơ quan chuyên môn và đưa đàn bò lên đồi sau 8 giờ sáng, lùa về chuồng trước 18 giờ chiều.

Xã Giang Ma, huyện Tam Đường thường có độ ẩm không khí tương đối cao (khoảng 83%) so với nhiều xã khác trên địa bàn. Vậy nên ngay từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, thường xuất hiện sương mù kèm theo sương muối và nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông. Với 9 bản người Mông và người Dao cùng sinh sống thì 100% số hộ đều phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, ngựa) đang là thế mạnh của xã.

Nông dân xã Giang Ma chuẩn bị chống rét cho trâu.

Nông dân xã Giang Ma chuẩn bị chống rét cho trâu.

Vì vậy, ngay từ đầu mùa đông UBND xã Giang Ma đã sớm triển khai công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Ngoài kiến cố chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã thường xuyên phối hợp với trưởng bản, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn bà con đưa gia súc về chuồng trong những ngày nhiệt độ xuống thấp; quây kín bạt quanh chuồng; bổ sung thêm khoáng chất và thức ăn cũng như đốt lửa sưởi ấm.

Đặc biệt, xã cũng có cách làm khá đặc biệt đó là thành lập nhóm zalo, thành viên là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã, bản. Thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết và có sự chỉ đạo kịp thời đối với nông hộ chủ động phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi.

Huyện Tam Đường hiện có tổng đàn gia súc trên 32.000 con. Với phương châm “phòng hơn chống”, UBND huyện ban hành chỉ thị, văn bản chỉ đạo xã, thị trấn tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt yêu cầu các địa phương cử cán bộ bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin hướng dẫn hộ chăn nuôi xây dựng, gia cố chuồng trại đưa trâu, bò, ngựa từ vùng cao xuống nuôi nhốt hoặc chăn dắt tại vùng thấp. Dự trữ thức ăn thô như: rơm sau thu hoạch, cám ngô hoặc cám gạo; chăm sóc hơn 70ha cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc.

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, việc chăn nuôi đại gia súc là hướng phát triển kinh tế bền vững của đồng bào. Đến nay, toàn tỉnh có gần 120.000 con đại gia súc, trong đó nhiều nhất là trâu với hơn 92.000 con. Năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp như: lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ tăng đàn. Tuy vậy, với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn, chính quyền và hộ chăn nuôi các địa phương triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, khống chế, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc vẫn đạt 5% (100% kế hoạch).

Chăn nuôi tập trung có đầu tư đang là hướng đi được nhiều hộ dân của huyện Tân Uyên lựa chọn.

Chăn nuôi tập trung có đầu tư đang là hướng đi được nhiều hộ dân của huyện Tân Uyên lựa chọn.

Phát huy những kết quả đạt được, đảm bảo an toàn tuyệt đối “đầu cơ nghiệp” trong mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố trong tỉnh đã và đang triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất. Thông qua đẩy mạnh công tác kiểm tra, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cùng với giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, ý thức cũng như nhận thức của người dân trong phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc nâng cao hơn. Gần 70% số hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo theo quy định và số hộ có dự trữ thức ăn đạt trên 60%. Nhờ vậy, từ đầu vụ rét đến nay, chưa có địa phương nào ghi nhận trường hợp gia súc bị chết do đói, rét.

Theo dự báo, không khí lạnh sẽ tăng cường trong những ngày tới, gây rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Với sự chủ động, tích cực của tỉnh và các địa phương trong phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại cho hộ chăn nuôi. Góp phần duy trì và phát triển tổng đàn gia súc, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh.

Hồng Thắm - Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...