

Anh Hoàng Văn Trang – Phó Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên đưa chúng tôi “mục sở thị” một buổi giao dịch với khách hàng xã Phúc Khoa tại Nhà văn hóa xã vào một ngày trung tuần tháng 8. Nắm được rõ lịch nên bà con các bản đến rất đông, người làm thủ tục vay vốn, người gửi tiền vào ngân hàng. Nhìn lượng người xếp hàng đến lượt giao dịch, tôi thấy Phúc Khoa không còn nghèo như xưa và cũng vui lây niềm vui của các cán bộ tín dụng.
Trò chuyện với bà con ở đây cho tôi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Như trong câu chuyện của anh Vàng A Dình – Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn bản Hô Bon thì sau 10 năm anh được các tổ viên tín nhiệm bầu tổ trưởng là bấy nhiêu năm anh cảm nhận sự thay đổi của đời sống bà con nhờ các nguồn vốn vay.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Uyên làm thủ tục vay vốn cho người dân xã Phúc Khoa.
Từ năm 2015 trở về trước, diện tích chè trồng mới chưa cho thu hoạch nên bà con chủ yếu vay vốn để chăn nuôi trâu, bò. Giờ đây, chè trở thành cây cho nguồn thu chính nên hầu hết người dân vay vốn để đầu tư chăm sóc, nâng cao năng suất, sản lượng chè.
Ngoài ra. còn đầu tư xây dựng công trình nước sạch vệ sinh môi trường, góp phần đắc lực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của xã. Đến nay, tổ tiết kiệm do anh quản lý đã có 38 tổ viên với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng, chưa có trường hợp nào nợ quá hạn, nợ khó đòi.
Còn với anh Sùng A Vư (người cùng bản), sinh năm 1991 nhưng năm 2011 (lúc đó anh tròn 20 tuổi) đã đứng tên vay nguồn vốn của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với số tiền lên tới 50 triệu đồng. Số tiền đó anh Vư mua 2 con trâu sinh sản, 1 năm sau đã nhân đôi số lượng và cho đến nay, đàn trâu của gia đình anh lên đến 10 con.
Khó khăn những ngày đầu vay vốn không phải ít nhưng anh cố gắng làm lụng, tích lũy để trả nợ (cả gốc và lãi) đúng kỳ hạn, chưa để cán bộ ngân hàng phải đốc thúc lần nào. Khi lấy vợ, ra ở riêng, sở hữu 2ha chè, 7.000m2 lúa, vợ chồng anh cần cù chịu khó làm ăn, không chỉ trả hết số tiền nợ, anh chị còn tích cóp gửi Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện được 50 triệu đồng.
Như vậy, từ chỗ khó khăn phải nhờ vay vốn ngân hàng, anh Vư đã vươn lên trở thành khách hàng tiềm năng trong huy động tiền gửi. Anh nói: Kể cả khi vay vốn hay khi gửi tiền, đội ngũ giao dịch viên của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đều tư vấn nhiệt tình để người dân chúng tôi hiểu rõ về mức lãi suất cũng như ý nghĩa của việc gửi tiền vào ngân hàng. Nhờ cán bộ ngân hàng phân tích, tôi đã hiểu ra rằng, nguồn tiền gửi của chúng tôi sẽ tiếp tục được ngân hàng giúp lại đồng bào nghèo với tỷ lệ lãi suất thấp.
Trở lại câu chuyện với anh Hoàng Văn Trang - Phó Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tân Uyên về công tác huy động tiền gửi ở ngân hàng chúng tôi được biết: Tính đến hết tháng 7, tổng nguồn vốn ngân hàng huy động là 30,314 tỷ đồng (đạt 117% kế hoạch năm). Trong đó, gần 10 tỷ đồng huy động thông qua tổ tiết kiệm vay vốn; trên 20 tỷ đồng tiền gửi thông qua các tổ chức, cá nhân.
Còn 5 tháng nữa mới kết thúc nhiệm vụ năm song đến thời điểm này, số vốn huy động đã vượt cao so với kế hoạch, đó là cả sự nỗ lực lớn của Ban lãnh đạo ngân hàng cũng như mỗi cán bộ tín dụng. Những tháng đầu năm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, gây đình trệ nền kinh tế, vậy bí quyết nào giúp đơn vị đạt kết quả cao như vậy?
Anh Trang tự tin nói: “Trước tiên, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức ủy thác, tổ trưởng tổ vay vốn, trưởng bản… để nắm bắt tình hình vay vốn của bà con cũng như những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tuyên truyền tới khách hàng sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, chấp hành tốt nội quy, quy ước của tổ vay vốn. Đồng thời chủ động, linh hoạt, sâu sát cơ sở để giải quyết các vấn đề nảy sinh. Nhưng hơn hết, mỗi cán bộ ngân hàng phải làm việc bằng “chữ tâm” của mình vì đối tượng hướng đến của chúng tôi là đồng bào nghèo”.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tân Uyên tận tình phục vụ khách hàng là các hộ nghèo trên địa bàn.
Đối với tăng trưởng dư nợ, với những con số thuyết phục, thời điểm hiện tại “Ngân hàng nghèo” Tân Uyên được xem là tăng trưởng dư nợ tốt nhất. Đến hết tháng 7, ngân hàng có tổng dư nợ gần 407 tỷ đồng, riêng trong 7 tháng đầu năm, dư nợ tăng trưởng khoảng 54 tỷ đồng (đạt 96% kế hoạch năm) với 1.979 khách hàng. Ngân hàng đã cho vay xây mới, nâng cấp 21 căn nhà ở với tổng nguồn vốn 8 tỷ đồng; cho vay học sinh – sinh viên mua 120 máy tính học trực tuyến là 1,2 tỷ đồng; cho vay 21 tỷ đồng giải quyết việc làm cho 551 người…. Về chất lượng tín dụng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,02%/0,15% mức nợ quá hạn trung bình toàn tỉnh, tương đương 67 triệu đồng.
Nhằm tạo điều kiện cho bà con chủ động trả nợ đúng kỳ hạn, cán bộ giao dịch của ngân hàng đã phân kỳ trả nợ để khách hàng chủ động được nguồn tiền đầu tư, tránh rơi vào bị động dẫn đến chậm trễ việc trả gốc, lãi. Mỗi cán bộ tín dụng còn là một tuyên truyền viên, hướng dẫn bà con cách thức chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có thể sinh lời, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay.
Trong khi một số đơn vị ngân hàng đứng chân trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn trong huy động vốn cũng như tăng trưởng tín dụng, thì với “Ngân hàng nghèo” Tân Uyên đã và đang khẳng định được chữ “Tín”, chữ “Tâm” của mình. Mong rằng những kết quả đạt được của đơn vị sẽ là động lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ ngân hàng vững tin đưa đến những “phao cứu sinh” vững chắc cho người nghèo trên địa bàn huyện Tân Uyên.

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân

Quản lý, vận hành kênh mương hiệu quả phục vụ sản xuất
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi

Công bố quyết định thành lập các Đội quản lý Điện lực khu vực và công tác cán bộ

Nùng Nàng vào vụ thu hoạch lê

Nhiều giải pháp giảm nghèo ở Bình Lư
Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Tam Đường







