Thứ bảy, 20/04/2024, 10:03 [GMT+7]

"Chạy nước rút" áp dụng hóa đơn điện tử

Thứ năm, 16/06/2022 - 10:13'
Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2022. Theo đó, hóa đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6. Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Thứ Sáu, 10-06-2022, 15:09

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ công bố Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc vào ngày 21/4/2022.

Kết quả tích cực

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình hai giai đoạn: Triển khai giai đoạn một tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021. Triển khai giai đoạn hai tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.

Tính đến ngày 31/5/2022, số lượng doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng hóa đơn đã đăng ký và chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ 97,9%. Trong đó, các địa phương triển khai giai đoạn hai đều đạt tỷ lệ hoàn thành hơn 90% (đạt và vượt mục tiêu, lộ trình đề ra khi triển khai, là đến hết ngày 31/5/2022 phải hoàn thành 90%). Nhiều tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ hoàn thành ở mức 99%.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết: "Kể từ thời điểm bắt đầu triển khai, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, các cục thuế tiếp nhận và khẩn trương xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử của doanh nghiệp; tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế... Tổng cục Thuế, các cục thuế tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot, đồng thời cũng đã tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống hóa đơn điện tử 24/7 bảo đảm hoạt động ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế".

Để hỗ trợ triển khai hóa đơn điện tử đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ chính sách hỗ trợ tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, theo đó xây dựng giải pháp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã không phải trả tiền dịch vụ trong 12 tháng, kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, cho các trường hợp doanh nghiệp, hộ, cá nhân nêu trên.

Ông Minh cho biết thêm: "Hóa đơn điện tử tuy không thể ngăn chặn hoàn toàn được việc gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, nhưng chắc chắn, tình trạng này sẽ giảm hơn rất nhiều so với việc sử dụng hóa đơn giấy như trước đây. Khi thấy dấu hiệu bất thường, hệ thống hóa đơn điện tử sẽ phát cảnh báo cho cơ quan thuế để thanh tra, kiểm tra kịp thời".

Bắt kịp xu thế

Thế giới đang chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử, và Việt Nam là một thí dụ điển hình. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử ở Việt Nam đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD; và Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử hai con số. Nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Đặc thù của các nhà cung cấp ở nước ngoài là không có cơ sở thường trú ở Việt Nam, các hoạt động kinh doanh chủ yếu thông qua môi trường số và trên các ứng dụng internet… Do đó, các hình thức đăng ký, kê khai, nộp thuế truyền thống như trước đây không còn phù hợp và khó thực hiện.

Để đáp ứng tốt với tình hình mới, nâng cao hiệu quả quản lý thuế cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước Việt Nam trong quá trình kinh doanh, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, xây dựng cổng thông tin dành riêng cho nhà cung cấp nước ngoài. Đây không chỉ là địa chỉ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc đăng ký, kê khai và nộp thuế mà còn là nơi mà nhà cung cấp nước ngoài có thể tra cứu thông tin, tìm hiểu về hệ thống chính sách pháp luật thuế và các chính sách pháp luật liên quan lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhận thức được tầm quan trọng và yêu cầu của việc chuyển đổi số, ngành Tài chính và Tổng cục Thuế cũng đã hết sức chủ động nghiên cứu, mở rộng các hình thức hỗ trợ cho người nộp thuế, đặc biệt là các cá nhân, hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân, hộ kinh doanh có thể dễ dàng tra cứu, tiếp cận đầy đủ thông tin về chính sách pháp luật thuế, nghĩa vụ thuế phải thực hiện của mình và thực hiện nộp thuế một cách đơn giản, dễ dàng và thuận tiện nhất, với sự ra đời của Ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động eTax Mobile.

Tổng cục Thuế cho biết: Sau hơn hai tháng công bố triển khai ứng dụng, đến nay đã có gần 129 nghìn lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng dịch vụ thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động - eTax Mobile, với hơn 50 nghìn tài khoản đăng ký. Số giao dịch qua hệ thống ngân hàng thương mại đạt 30.972 giao dịch với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Ðức Phớc:

"Triển khai hóa đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chiến lược Chính phủ điện tử. Hệ thống hóa đơn điện tử sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Cập nhật Thứ Sáu, 10-06-2022, 15:09 /Bài và ảnh: TRẦN TRUNG HIẾU/https://dangcongsan.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...