Thứ bảy, 27/07/2024, 09:41 [GMT+7]

"Gỡ khó" cho doanh nghiệp

Thứ tư, 28/02/2024 - 14:52'
(BLC) - Lai Châu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, xã hội như: diện tích tự nhiên lớn, trên 100 điểm mỏ khoáng sản quý, mật độ sông suối dày, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ… Trong những năm qua, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư với nhiều giải pháp linh hoạt, thiết thực. Từ đó, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hằng năm, tỉnh xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI) để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như: hỗ trợ công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực kinh phí 400 triệu đồng; tư vấn, tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị 1 tỷ 100 triệu đồng. Thường xuyên rà soát thủ tục hành chính còn chồng chéo, không cần thiết. Đặc biệt, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp giảm thời gian xử lý xuống 2 ngày (giảm 1 ngày so với quy định). Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, ưu đãi về cơ chế chính sách của tỉnh.

1

Lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án.

Ngoài ra, thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh tổ chức họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án ngoài ngân sách nhà nước lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ việc thực hiện dự án du lịch tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường; xử lý vướng mắc về chủ trương đầu tư các dự án chăn nuôi lợn tại huyện Tân Uyên và huyện Tam Đường; dự án trồng rừng của Công ty Cổ phần Minh Sơn; tổ chức Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo thủ tục, trình tự theo quy định…

Điển hình hiện nay, tỉnh Lai Châu đang xây dựng Đề án phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045 trên cơ sở kết quả quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp. Với việc “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của sâm Lai Châu.

Năm 2023, Tập đoàn Đại Việt (Hà Nội) đã cùng với người dân trên địa bàn hai xã Nậm Hăn và Căn Co của huyện Sìn Hồ phát triển được trên 200ha cây hông (hiện cây cao từ 7-10m). Gỗ hông dùng làm đồ gia dụng, ván dán, ván sợi ép, trần nhà, trang trí nội thất, làm nhạc cụ, đóng tàu lượn.... Gỗ khai thác ở tuổi 6 có giá khoảng 120-150 USD/m3 gỗ tròn, giá gỗ hông hộp trên thị trường rất cao khoảng 700-1.000 USD/m3 gỗ.

Đặc biệt, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Gặp mặt doanh nhân, đối thoại doanh nghiệp với sự chủ trì của lãnh đạo tỉnh và sự tham gia của các sở ngành tỉnh, doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã. Nhiều câu hỏi, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, việc thực hiện dự án, bồi thường, hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính, chính sách về thuế, tín dụng ngân hàng… được các lãnh đạo đầu ngành trả lời thấu đáo.

Với cách làm này, năm 2023, tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 21 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.398 tỷ đồng; lũy kế đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 296 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 142 nghìn 234 tỷ đồng; trong đó 184 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, 39 dự án đang triển khai thi công, 73 dự án đang hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tỉnh cũng đề xuất khảo sát cho 36 nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, khảo sát dự án; cung cấp thông tin về chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư cho khoảng 100 đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu.

2

Hiệp hội Sâm Lai Châu luôn đồng hành liên kết với người dân huyện Mường Tè phát triển sâm Lai Châu.

Tại hội nghị gặp mặt, đối thoại, đồng chí Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh: "Các doanh nghiệp, hợp tác xã đang đóng góp tích cực vào nguồn thu của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, các sở, ngành, đơn vị chủ động nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp, sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng thực hiện đúng các cam kết đầu tư, bố trí đầy đủ nhân lực và vật lực để triển khai các dự án, tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước, người lao động".

Thời gian tới, các cấp, ngành tiếp tục năng động, tiên phong trong hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã; kịp thời tiếp nhận giải quyết thông tin, vướng mắc của nhà đầu tư. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2023, UBND tỉnh cấp đăng ký thành lập mới 135 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 3.770 tỷ đồng nâng tổng số doanh nghiệp lên 1.944 doanh nghiệp; thành lập 26 hợp tác xã nâng tổng số 415 hợp tác xã.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.