Thứ năm, 12/09/2024, 12:42 [GMT+7]

Giải pháp “giữ chân” nhà đầu tư

Thứ năm, 21/09/2023 - 11:38'
Huyện Tân Uyên giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo cơ hội tốt nhất, chào đón, “giữ chân” các nhà đầu tư tiếp tục chung tay “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Phần lớn các xã nằm ven trục quốc lộ 32 thuận lợi cho sản xuất, giao thương. Diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên 45.000ha ở độ cao từ 500 - 3.100m so với mực nước biển, phân bố rộng khắp toàn huyện. Đây là lợi thế để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực, thảo dược và những sản phẩm đặc sản, đặc hữu nông nghiệp. Nơi đây còn có vùng chè rộng lớn với trên 3.000ha không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đem lại nguồn thu nhập ổn định, còn là điểm tham quan, nghỉ dưỡng sinh thái lý tưởng.
Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan, huyện đã đề xuất các dự án thu hút đầu tư; xây dựng danh mục và mô tả chi tiết thông tin 16 dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, một số địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) khảo sát diện tích đất trồng cây ăn quả, mắc-ca, rừng kinh tế. Tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư thực hiện các dự án. Đến nay, có trên 10 nhà đầu tư đề nghị khảo sát, lập dự phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Huyện cũng đề xuất, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, khảo sát và hỗ trợ 2 công ty, HTX ứng dụng khoa học công nghệ, dây chuyền tiên tiến vào sản xuất để đạt năng suất cao. Hiện, các HTX đang hoạt động trên địa bàn có số vốn đăng ký kinh doanh trên 100 tỷ đồng.

Diện tích trồng quế do các doanh nghiệp đầu tư tại một số xã trên địa bàn huyện Tân Uyên đã đưa vào khai thác.

Trao đổi thêm về những giải pháp thu hút đầu tư, ông Nguyễn Thanh Văn - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Huyện thường xuyên cử các đoàn công tác tham gia nhiều sự kiện về xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh; tổ chức tiếp đón, làm việc với các tập đoàn, công ty có nhu cầu đầu tư; giới thiệu tiềm năng phát triển, kêu gọi đầu tư vào địa bàn huyện. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư.
Song song với đó, duy trì hoạt động của Tổ công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư trên địa bàn và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo thúc đẩy liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngày 18/3/2023, UBND huyện có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn Việt Nam. Tại buổi làm việc, các ý kiến thảo luận đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh của huyện trong phát triển nông nghiệp. Trước chính sách thu hút đầu tư của huyện, các đơn vị có nhận định chung: chính quyền huyện đã tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư đến “gieo mầm”, “nở hoa” trên đất này.
Từ năm 2022 đến nay, huyện đã tổ chức 32 cuộc làm việc với 12 nhà đầu tư đến khảo sát tìm kiếm cơ hội tại địa phương. Đến nay, có nhiều dự án được đầu tư triển khai như: Trang trại chăn nuôi lợn tại xã Pắc Ta; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong quá trình sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn chất lượng cao; đầu tư phát triển cây mắc-ca kết hợp với cây trồng lâm nghiệp khác tại các xã: Nậm Sỏ, Tà Mít. Hay như dự án phát triển nông, lâm nghiệp và dược liệu Forbic; phát triển trồng quế hữu cơ.
Huyện cũng phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Hiện nay, toàn huyện đã có 18 sản phẩm OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm đạt 4 sao; xây dựng được mã vùng sản phẩm trồng chuối tại xã Pắc Ta.
Về chính sách hỗ trợ, đầu tư, huyện phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, sở, ngành liên quan tranh thủ các nguồn hỗ trợ và trợ giúp kỹ thuật cho các HTX trên địa bàn. Sử dụng các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa và từng bước mở rộng thị trường và sức cạnh tranh của các HTX.
Thời gian qua, huyện cũng thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật và quản lý cho cán bộ HTX, đào tạo nghề cho thành viên, người lao động HTX. Trong đó ưu tiên lĩnh vực, ngành nghề về nông nghiệp, nông thôn với thế mạnh tại địa phương như: chè, quế, sơn tra gắn với xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ tín dụng cho các HTX thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Đặc biệt là thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế cho HTX theo các quy định hiện hành.
Với nhiều giải pháp linh hoạt và cơ chế hấp dẫn, huyện Tân Uyên đã và đang đồng hành, tạo điều kiện để nhà đầu tư gắn bó lâu dài, từ đó tạo cú huých mạnh mẽ cho nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hiệu quả, bền vững.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.