Thứ sáu, 19/04/2024, 04:53 [GMT+7]

Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc

Thứ sáu, 03/12/2021 - 14:31'
(BLC) - Sáng 3/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị trực tuyến phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc nhằm đánh giá giá trị nổi bật của rừng, giá trị hệ sinh thái rừng đến kinh tế-xã hội-văn hóa, môi trường, an ninh quốc phòng.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị-Văn hóa tỉnh Lai Châu, các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng NN&PTNT; Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chủ trì.

Tại 2 điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 14 điểm cầu tại 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; đại biểu các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam; Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thành phố Lai Châu… dự Hội nghị.

Đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc.

Đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: Vùng Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng hơn 5,7 triệu héc ta, chiếm 39,6% diện tích rừng toàn quốc, trong đó có 3.962ha rừng tự nhiên, 1.796ha rừng trồng. Qua Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các đại biểu đánh giá kỹ tình hình phát triển, thực trạng, khó khăn và đề xuất giải pháp chính sách cụ thể nhằm khai thác tiềm năng đa sinh thái rừng.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh: Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để tỉnh Lai Châu và các tỉnh trong vùng được nghe ý kiến chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các ý kiến tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu dự Hội nghị. Đồng chí bày tỏ mong muốn và tin tưởng thông qua Hội nghị, tỉnh Lai Châu sẽ thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ phát triển rừng, đẩy mạnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…

Vùng Trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng 5.731.460ha; tỷ lệ che phủ khoảng 52,6%. Trữ lượng rừng toàn vùng là 381.896 triệu m3 gỗ, 4.213 nghìn cây tre nứa. Hệ sinh thái đặc biệt quan trọng là nơi lưu giữ, cung cấp nguồn nước, gỗ, lâm sản ngoài gỗ. Giá trị xuất khẩu lâm sản hàng năm chiếm 6,6% giá trị xuất khẩu cả nước. Một số loài có diện tích trồng lớn và có sản lượng khai thác đạt giá trị kinh tế như quế, hồi, thảo quả, sa nhân, ba kích. Tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 đạt trên 7.750 tỷ đồng (tập trung chủ yếu ở Lai Châu, Điện Biên, Sơn La).

Tỉnh Lai Châu là vùng đầu nguồn phòng hộ, diện tích rừng hiện có 479.538ha, trong đó rừng tự nhiên 445.587ha, tỷ lệ che phủ trên 51%. Hiện có trên 10.700ha cây dược liệu; tổng số đàn ong khoảng 3.623 đàn với 1.138 hộ nuôi. Các loại hình kinh tế dưới tán rừng chủ yếu thu hoạch sản phẩm tự nhiên (nấm, măng, mộc nhĩ, dược liệu, lâm sản ngoài gỗ), trồng trọt, chăn nuôi và du lịch sinh thái dưới tán rừng.

Bên cạnh tiềm năng về rừng còn có nhiều khó khăn, thách thức như: địa hình hiểm trở, hạ tầng giao thông; thiếu quy hoach, phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng; thiếu các nhà máy, cơ sở chế biến về số lượng, chất lượng; khó khăn liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Trên cơ sở đó, giai đoạn 2021-2030, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc tiếp tục tập trung phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Phát triển và sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị; nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi; tích hợp giá trị của rừng với các giá trị về văn hóa…

Đại biểu Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tham luận. Đại biểu tỉnh Lai Châu phát biểu tham luận.

Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Các tham luận tại Hội nghị đã nêu lên cách làm hay, kinh nghiệm sáng tạo trong phát triển kinh tế dưới tán rừng. Một số tham luận tập trung vào nội dung: rừng ở Phần Lan-những ý tưởng; từ ý tưởng đến thực hành kinh tế xanh: rừng đa tác dụng; báo cáo phát triển vùng nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho sản xuất; phát triển nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trong môi trường rừng…

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội nghị. Đồng thời đề nghị, các tỉnh trong vùng tiếp tục làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Cần kết hợp du lịch sinh thái với tiêu thụ sản phẩm dưới tán rừng; nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn; khai thác tiềm năng kinh tế dưới tán rừng. Phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển và sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi; tích hợp giá trị của rừng với các giá trị về văn hóa.

Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày nông sản Lai Châu.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày nông sản của tỉnh Lai Châu.

Hội nghị là một trong những hoạt động bên lề của Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021.

Tùng Phương – Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...