Thứ sáu, 26/04/2024, 10:01 [GMT+7]

Hiệu quả từ các công trình thủy lợi ở Sìn Hồ

Thứ ba, 28/06/2022 - 20:25'
(BLC) - Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất trên địa bàn, hạn chế được tình trạng bỏ hoang đất. Qua đó, bà con vùng cao có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, dược liệu cải thiện hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập.

Toàn huyện hiện có hơn 331 công trình thủy lợi, cơ bản đều là các công trình kiên cố đã có thời gian dài phục vụ tưới tiêu, từ năm 2021 đến nay, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung nâng cấp sửa chữa 10 công trình, làm mới 2 công trình. Đưa công suất tưới tiêu đạt trên 1.500ha, trong đó tưới tiêu cho diện tích lúa là hơn 698ha, cây trồng khác 367ha và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản.

Các công trình được đầu tư tu bổ tại các địa phương như: bản Chắt Thái (xã Nậm Hăn); bản Nậm Béo (xã Pu Sam Cáp); bản Hắt Hơ (xã Sà Dề Phìn); bản Nậm Lúc 2 (xã Phăng Sô Lin); nâng cấp thủy lợi Tân Phong, bản Vàng Bon (xã Lùng Thàng), bản Liều Chải (xã Tả Phìn), nâng cấp thủy lợi Na Coóng (xã Lùng Thàng). Đã mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống người dân, tạo điều kiện triển khai các chương trình dự án nông nghiệp chuyên canh, trọng điểm tại địa phương.

Đặc biệt 2 công trình: thủy lợi Ná Pá Huội (xã Noong Hẻo) và Na Sái 2 (xã Noong Hẻo) đã đi vào hoạt động đảm bảo nước tưới cho 400ha lúa trên cánh đồng Noong Hẻo, khu vực trồng cây lương thực lớn nhất tại vùng thấp Sìn Hồ. Tại địa bàn vùng cao, hồ chứa nước tại xã Sà Dề Phìn đi kèm kênh mương phụ trợ đã góp phần điều tiết nước sản xuất cho nông nghiệp vùng cao, duy trì nguồn nước thường xuyên cho vùng chuyên canh cây dược liệu và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân tại trung tâm thị trấn Sìn Hồ.

Được cung cấp đủ nước từ các công trình thủy lợi trên địa bàn, người dân xã Noong Hẻo làm đất canh tác vụ mùa.

Tuy nhiên với đặc thù của địa bàn miền núi, địa hình chia cắt phức tạp nên 100% công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, bị hạn chế về địa hình đồi núi nên kinh phí đầu tư các công trình lớn. Một số công trình thủy lợi cần sửa chữa, khắc phục sớm như: Thủy lợi bản Nậm Béo (xã Pu Sam Cáp), thủy lợi bản Hắt Hơ (xã Sà Dề Phìn) được xây dựng từ năm 2010, mương dẫn bị ảnh hưởng do mưa lũ công trình vẫn đang hoạt động nhưng nước thấm khiến vùng canh tác không đủ nước sản xuất...

Ông Đồng Văn Liệt -  Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện, địa phương đã kết hợp lồng ghép các nguồn vốn và sử dụng có hiệu quả để từng bước hoàn thiện hạ tầng thủy lợi. Đồng thời, phân bổ hợp lý nguồn kinh phí để tu sửa, xây mới những tuyến kênh mương nội bản phù hợp. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia quản lý, khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng và tổ chức nạo vét, đảm bảo tối đa nguồn nước phục vụ tưới tiêu, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. 

Đầu năm 2022, UBND huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các xã, bản tổ chức tu sửa các cửa lấy nước, các tuyến mương bị vùi lấp do sạt lở đất, khắc phục các công trình bị hư hỏng sau mùa mưa lũ năm trước. Đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2022. Tại các xã, chính quyền thường cử cán bộ chuyên môn giám sát, vận hành các công trình thủy lợi trên địa bàn, đặc biệt các công trình hồ tích nước kiên cố, báo cáo khi công trình có sự cố, để huyện khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho bà con...

Chị Mùa Thị Sùng - người dân bản Ma Sao Phìn (xã Sà Dề Phìn) cho biết: Những năm trước, đất ruộng của gia đình bỏ hoang nhiều vì thiếu nước nhưng từ khi công trình thủy lợi trên địa bàn xã đi vào hoạt động đã đảm bảo nguồn nước tưới, gia đình làm đất, trồng hơn 1ha cây đương quy. Ngoài ra, tận dụng được nhiều khoảnh đất nhỏ trồng thêm rau màu, cây ăn quả, tạo thu nhập ổn định.

Các công trình thủy lợi được đầu tư đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vùng cao Sìn Hồ, giải quyết được khó khăn về nước sinh hoạt, nước sản xuất cho bà con. Gỡ được nút thắt về “nước” trên cao nguyên Sìn Hồ, là điều kiện quan trọng, để người dân thuận lợi triển khai các mô hình kinh tế tổng hợp, dịch vụ, chuyên canh cây công nghiệp, cây dược liệu... thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...