Thứ bảy, 27/07/2024, 10:06 [GMT+7]

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo nguồn thu bền vững

Thứ hai, 06/11/2023 - 19:10'
Xác định rõ tầm quan trọng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), huyện Mường Tè đã chủ động khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung. Trong đó, tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nông nghiệp, trước hết đảm bảo an ninh lương thực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo nguồn thu bền vững.

Mường Tè nằm trong 74 huyện nghèo của cả nước, là huyện thuần nông có 14 đơn vị địa giới hành chính, dân số trên 47 nghìn người với 10 dân tộc cùng chung sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Huyện xác định việc triển khai, thực hiện các CTMTQG về: xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện khẳng định: UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025; ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; thành lập tổ giúp việc hỗ trợ các xã thực hiện quản lý đầu tư các dự án. Đồng thời, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường kiểm tra cơ sở để nắm bắt tình hình giao kế hoạch vốn, tiến độ thực hiện các dự án; kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; tăng cường giám sát, quản lý chất lượng các dự án đầu tư. Các cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo huyện (Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Dân tộc) chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, cơ quan chuyên môn liên quan và UBND các xã, thị trấn thực hiện các nội dung theo quy chế hoạt động và nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo xã Pa Vệ Sủ tham quan, trao đổi kỹ thuật chăm sóc sâm Lai Châu của Công ty Cổ phần sâm Pusilung tại bản Pá Hạ.

Năm 2023, nguồn vốn các CTMTQG huyện Mường Tè được UBND tỉnh giao trên 239 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư gần 137 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng 101,7 tỷ đồng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND huyện đã phê duyệt, giao kế hoạch vốn thực hiện các CTMTQG theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Bên cạnh triển khai các hạng mục đầu tư xây dựng, đặc biệt quan tâm triển khai các chương trình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế (chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu...).
Ông Lùng Văn Sáng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện, phòng phối hợp với UBND các xã, chủ đầu tư tổ chức rà soát tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp. Trong đó, triển khai hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn 13 xã, tập trung vào trâu, bò, dê, lợn; phát triển dược liệu quý tại các xã có thế mạnh như: Pa Vệ Sủ, Ka Lăng, Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ. Phòng còn chủ trì kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư vào địa bàn liên kết với người dân phát triển các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, đã hoàn thành công các bước liên quan đến hồ sơ, thủ tục triển khai dự án: “Đầu tư hỗ trợ triển khai trồng dược liệu quý”, dự kiến thực hiện tại các xã: Ka Lăng, Pa Vệ Sủ, Pa Ủ. Giai đoạn I thực hiện từ năm 2023-2025, triển khai trên diện tích khoảng 210ha, tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 60 tỷ đồng.
Các xã trên địa bàn chủ động triển khai hỗ trợ nguồn lực theo chính sách của các CTMTQG cho người dân. Bà Lò Phù Mé - Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ chia sẻ: Theo phân bổ ngân sách thực hiện các CTMTQG, xã sẽ triển khai thực hiện hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Đã có 5 doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển trồng cây dược liệu, đặc biệt là sâm Lai Châu. Xã thành lập các đoàn công tác trực tiếp đến từng khu vực các công ty tổ chức trồng sâm đề nghị hỗ trợ kỹ thuật trồng và cung cấp giống đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, xã đã hoàn thành các bước xây dựng chương trình hỗ trợ 16 hộ dân tại 2 bản: Sín Chải A, Sín Chải B tổ chức trồng sâm Lai Châu theo chính sách hỗ trợ từ các CTMTQG. Và, sâm Lai Châu đang dần trở thành cây trồng chủ lực, tạo niềm tin thoát nghèo cho người dân Pa Vệ Sủ.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo các CTMTQG, huyện Mường Tè đã đạt những kết quả tích cực. Tổng diện tích rừng ước thực hiện hết năm 2023 là 181.753ha, trong đó tỷ lệ che phủ rừng 66,8%; Duy trì chăm sóc, bảo vệ trên 5.280ha cây dược liệu các loại. Toàn huyện có 3 xã: Bum Nưa, Mường Tè, Thu Lũm đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 13 tiêu chí/xã. Tổng sản lượng lương thực có hạt 16.958 tấn; thu nhập bình quân ước đạt 27,6 triệu đồng/người; thu nhập khu vực nông thôn bình quân đạt trên 24 triệu đồng/người; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6,1%/năm…
Tuy nhiên trên thực tế, huyện vẫn còn nhiều khó khăn dẫn đến triển khai thực hiện các dự án, giải ngân chậm. Có thể kể đến những bất cập về mức hỗ trợ con giống thấp, khiến người dân khó đối ứng; phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Lai Châu được nhiều người dân và các nhà đầu tư quan tâm triển khai, nhưng hiện trên thị trường chưa có đơn vị đủ điều kiện cung cấp giống nên chưa thể thực hiện.
Xác định rõ những vướng mắc trên, UBND huyện đã xây dựng văn bản đề xuất tỉnh có giải pháp tháo gỡ nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các dự án, đảm bảo đạt mục tiêu các CTMTQG đề ra. Từ đó, hướng đến mục tiêu chung là giảm nghèo, nâng chất lượng cuộc sống người dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.