Thứ bảy, 27/07/2024, 06:59 [GMT+7]

Mã số vùng trồng - Nâng cao giá trị sản phẩm nông sản

Thứ sáu, 08/12/2023 - 13:57'
Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn tại từng vùng trồng cây ăn quả tập trung. Qua đó, giúp nông dân hiểu hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng mã số vùng trồng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhiều năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị cao hơn. Trong đó, việc phát triển cây ăn quả đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 8.555ha cây ăn quả gồm: chuối, chanh leo, cam, xoài… Để phát triển hiệu quả vùng nguyên liệu tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường thông tin, tuyên truyền, tập huấn cho các hộ có vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt, cơ sở đóng gói và đơn vị xuất khẩu quả tươi. Đồng thời, giám sát định kỳ đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số vùng trồng theo đúng quy định.
Nhận thấy cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế cao và có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài (Trung Quốc), năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Việt Hoàng (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban chuyên môn vận động bà con cho thuê 20ha đất ruộng, đất vườn trồng cây kém hiệu quả ở bản Tân Bắc để chuyển đổi trồng chuối tiêu hồng. Ngay từ khi triển khai mô hình, HTX đã chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quy định. Toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh cho cây chuối được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Anh Đặng Văn Hồng - Giám đốc HTX Việt Hoàng chia sẻ: HTX xác định phần lớn sản phẩm quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại bán trong nước nên khi chuối bắt đầu cho thu hoạch, đơn vị hoàn thiện các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm HTX xuất sang Trung Quốc từ 200 - 300 tấn quả, số còn lại bán trong nước và chế biến thành rượu chuối. Việc tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm và được cấp mã số vùng trồng đã giúp nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường Trung Quốc. Từ đó làm gia tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh của quả chuối, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho HTX.

Người dân xã Ma Li Pho (huyện Phong Thổ) đóng gói sản phẩm chuối của các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu sang Trung Quốc.

Xã Huổi Luông hiện có 565ha chuối được cấp mã số vùng trồng và tập trung ở các bản: La Vân, Hoàng Trù Sào, Nhiều Sáng, Na Sa Phìn… Anh Hoàng Văn Dọ - Chủ tịch UBND xã cho biết: Để chuối đạt chất lượng xuất khẩu, xã vận động bà con thực hiện quy trình canh tác, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các điều kiện kỹ thuật khác, đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc gia nhập khẩu. Do đó, hằng năm, sản lượng chuối của xã đạt gần 7.000 tấn, với giá bán trung bình từ 6 - 7 nghìn đồng/kg. Qua đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng chuối trên địa bàn.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã cấp 27 mã vùng trồng chuối với diện tích 4.219ha, hiện còn 3.855ha tập trung ở các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên. Đồng thời, cấp 20 mã cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2023, các đơn vị chức năng hoàn thiện các thủ tục cấp 3 mã số vùng trồng chanh leo, với diện tích 56,59ha và 171 hộ tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho Công ty Cổ phần chanh leo Lai Châu (huyện Tam Đường). Hiện đang chờ thông tin phê duyệt mã số vùng trồng của nước nhập khẩu.
Theo anh Nguyễn Duy Hồng - Phó trạm trưởng Trạm Kiểm dịch nội địa (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh), một số loại quả của Việt Nam đang được xuất sang thị trường Trung Quốc và bắt buộc phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói gồm: chuối, vải, xoài, nhãn, thanh long, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, mít, chanh leo… Trên địa bàn tỉnh ta, sau khi có mã số vùng trồng, sản phẩm quả chuối đã được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn mặt bằng chung. Vậy nên, đầu ra ổn định, không phải lệ thuộc và bị thương lái ép giá như trước đây. Hiện nay, mã số vùng trồng được xem là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để quả chuối của tỉnh vươn xa. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hoạch được 18.883 tấn chuối, trong đó, xuất khẩu 3.086 tấn qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai và chế biến 18,3 tấn chuối sấy. Số chuối còn lại vẫn đang được các HTX, chủ cơ sở tiếp tục thu mua để xuất khẩu, với giá từ 6 - 7 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, anh Hồng cũng cho biết thêm: Để được cấp mã số vùng trồng, các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu như: canh tác theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, kiểm soát dịch hại thông qua sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sử dụng... Bởi, yêu cầu của nước nhập khẩu thường rất khắt khe.
Tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn, hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản trên địa bàn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ánh Hồng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.