Thứ năm, 25/04/2024, 21:28 [GMT+7]

Mồ Sì San giảm nghèo

Thứ sáu, 27/11/2020 - 07:31'
(BLC) - Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn của một xã vùng cao biên giới, cán bộ và Nhân dân xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ) luôn phát huy tinh thần đoàn kết, khai thác hiệu quả tiềm năng để phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình đạt 5%/ năm.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Tẩn Chỉn Lùng – Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San vui mừng cho biết: “Những năm gần đây, được sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, các phòng ban, đoàn thể huyện; cán bộ, công chức, Nhân dân trong xã, các chương trình, dự án, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh được triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 17 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (năm 2015 là 62,7% thì nay còn 40,3%)”.

Xã huy động mọi nguồn lực từ ngân sách địa phương, vốn vay ủy thác, các chương trình, dự án (135, 30a) hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ giúp Nhân dân phát triển kinh tế. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lớp đào tạo nghề, triển khai mô hình mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Các công trình giao thông nông thôn, kênh mương, đường ra khu sản xuất được quan tâm đầu tư xây dựng. Từ đầu năm đến nay, xã vận động Nhân dân góp công, hiến đất triển khai 2 công trình làm đường ra khu sản xuất Ma Séo Phìn (bản Mồ Sì San), Tả Pho (3 bản: Mồ Sì San, Tô Y Phìn, Tân Séo Phìn). Tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân vươn lên đẩy lùi đói nghèo.

Người dân bản Tân Séo Phìn (xã Mồ Sì San) chăm sóc cây dược liệu.

Người dân bản Tân Séo Phìn (xã Mồ Sì San) chăm sóc cây dược liệu.

Trong sản xuất nông nghiệp, Nhân dân 4/4 bản của xã chủ động đưa giống lúa, ngô mới vào gieo trồng như: ngô CP989, CP333, lúa PC6, JO1, HN6… Đây đều là những loại giống có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh tốt. Việc đăng ký giống, diện tích thực hiện sớm, kịp thời làm đất, phát quang thực bì, vệ sinh đồng ruộng, gieo cấy đúng khung lịch thời vụ cũng được bà con duy trì nhằm khắc phục khó khăn do thiếu nước sản xuất trong mùa khô. Qua thống kê cho thấy, năm 2020, Nhân dân đã gieo cấy 185ha lúa mùa, 143ha ngô, đạt 100% kế hoạch, đảm bảo an ninh lương thực.

Ngoài cây trồng truyền thống, Nhân dân trong xã còn canh tác lạc (1,5ha), đậu tương (5,2ha), rau màu các loại (6ha). Vài năm gần đây, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con trồng cây ăn quả ôn đới (lê VH6), nâng tổng diện tích cây ăn quả của xã lên 15,25ha. Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và trong vườn nhà. Trong đó, diện tích thảo quả duy trì ổn định 55ha, mở rộng diện tích trồng sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa trong vườn nhà ở 2 bản: Tân Séo Phìn và Tô Y Phìn với diện tích trên 1.000m2. Đến thời điểm này, cây ăn quả, dược liệu cho thấy phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương, sinh trưởng phát triển tốt, bước đầu bán ra thị trường mang lại thu nhập.

Anh Lý Vần Niền ở bản Tân Séo Phìn nói: “Được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ xã, gia đình tôi quyết định đưa giống lúa, ngô mới vào sản xuất, trồng thảo quả. Mỗi năm thu được 7-8 tạ thóc, 1,7 tấn ngô, 90kg thảo quả khô. Gần đây, gia đình tôi trồng thêm sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa (1.100 cây), bán được gần 100 triệu đồng. Từ các nguồn thu, tôi tái đầu tư mở rộng diện tích trồng cây dược liệu”.

Nhắc đến hành trình xóa đói giảm nghèo của xã Mồ Sì San không thể phủ nhận nguồn lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2019, Nhân dân được chi trả tổng số trên 1,6 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Giờ đây, diện tích rừng của xã là 1.470,83ha; tỷ lệ che phủ 66,03%. Không dừng lại ở đó, bà con tập trung nuôi bò sinh sản, mang đến nét mới cho vùng biên giới bởi trước đây chỉ quen nuôi trâu.

“Nuôi bò vừa khai thác được tiềm năng có bãi chăn thả lớn, nhiều rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa vừa có sức kéo, phân bón phục vụ trồng trọt. Hơn nữa, bò có khả năng chịu lạnh tốt hơn trâu; đầu ra dễ, trung bình có giá từ 15-20 triệu đồng/con. Với bà con đây là nguồn thu cao và không quá khó thực hiện. Do đó, chúng tôi hướng dẫn cách chăm sóc gắn phòng chống dịch bệnh với phòng chống đói rét. Hiện nay, xã có 57 con bò, góp phần làm tăng đàn vật nuôi của xã lên 5.369 con” – anh Lùng cho biết thêm.

Thời điểm nhàn rỗi giữa mùa vụ, Nhân dân trong xã đi lao động ở các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Khi nguồn thu tăng, kinh tế gia đình phát triển, đời sống dần được cải thiện, bà con tích cực chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng thay đổi với 100% đường đến các bản bê tông hóa, 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống cơ sở vật chất các trường tiểu học, THCS được nâng cấp. 80% số hộ dân trong xã có nhà ở đảm bảo 3 cứng (tường, mái, nền cứng). Hầu hết các hộ có xe máy, tivi phục vụ đời sống hàng ngày.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh là tín hiệu tích cực cho thấy sự phát triển của xã. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn ở mức cao. Theo định hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xã sẽ tiếp tục khích lệ, hướng dẫn Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên 30ha; chè cổ thụ 40ha; sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa 3ha; phát triển đàn bò 200 con … vào cuối năm 2025. Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất 

Thanh Hoa

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...