Thứ hai, 07/10/2024, 21:13 [GMT+7]

Nâng cao thu nhập từ nuôi dúi, nhím

Thứ sáu, 22/09/2023 - 10:38'
(BLC) - Nhận thấy giá trị kinh tế từ chăn nuôi dúi, nhím mang lại, xã Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) vận động người dân nhân rộng mô hình chăn nuôi dúi, nhím góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Đến thăm các mô hình nuôi dúi, nhím ở các bản của xã, chúng tôi thấy bà con đầu tư rất bài bản từ chuồng trại nuôi nhốt đến việc cho ăn, uống, vệ sinh đều theo phương pháp khoa học, nên con nào, con nấy đều béo khỏe, sinh trưởng tốt, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều thương lái. Thời điểm đầu chỉ có 3 đến 4 hộ nuôi nhỏ lẻ, giờ mở rộng lên 22 hộ, hộ nuôi nhiều từ 35 đến 40 con, ít cũng hơn 10 con.

Có được kết quả này, xã tích cực tuyên truyền đến người dân ở các bản về lợi ích kinh tế mà nuôi dúi, nhím mang lại, giải thích cho bà con rằng việc nuôi dúi, nhím đơn giản, không cần nhiều vốn, không tốn diện tích, vật nuôi ít bị nhiễm bệnh mà khi bán, giá thành lại cao. Để dân thấy được hiệu quả của mô hình, cán bộ, đảng viên của xã và một số hộ dân tình nguyện nuôi trước, sau một thời gian, thấy rõ hiệu quả mới nhân rộng. 

Người dân xã Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) chăm sóc đàn nhím của gia đình.

Người dân xã Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) chăm sóc đàn nhím...

Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ nuôi nhím, dúi, người dân tận dụng diện tích không gian của gia đình xây chuồng nuôi nhốt. Dúi thì chuồng bé hơn với chiều dài từ 1-1,2m, rộng 50cm, cao 60cm, có mái che để tránh ánh sáng chiếu thẳng hoặc mưa dội vào vì sẽ làm dúi mắc bệnh, mỗi chuồng nuôi từ 1 đến 2 con. Với đàn nhím thì chuồng cần rộng hơn và phải nuôi ở nơi khô ráo nền chuồng phải làm bằng xi-măng, gạch, để dúi, nhím không thể ra ngoài.

Nguồn thức ăn ưa thích của dúi, nhím đều sẵn có trong tự nhiên như: chuối, đu đủ, ngô, khoai, sắn, mía. Khi đàn dúi, nhím đẻ, cần chăm sóc con non lẫn con mẹ kỹ lưỡng, có chế độ ăn, uống đặc biệt, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, bột, đường, để vật nuôi luôn khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh. Chuồng trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, chất thải thì tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

... đẩy mạnh chăn nuôi dúi.

... đẩy mạnh chăn nuôi dúi giúp người dân có thêm nguồn thu nhập.

Dù là vật nuôi ít bị nhiễm bệnh, nhưng không vì thế mà các hộ nuôi chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch bệnh mà chủ động phát hiện, phòng ngừa, ứng phó kịp thời, con nào có biểu hiện nhiễm bệnh thì thực hiện cách ly để điều trị ngay. Vì vậy, đàn dúi, nhím luôn khỏe mạnh, sinh trưởng tốt với tổng số hơn 700 con. Mỗi năm, xuất 2 lứa dúi với giá thành từ 500-700 nghìn đồng/con, tùy theo cân nặng. 1 lứa/năm với nhím, mỗi đôi từ 5 đến 6 triệu đồng, con nào cân nặng trên 30 cân sẽ có giá thành hơn 8 triệu đồng.

Ngoài cung ứng cho những địa chỉ tin dùng, người dân còn quảng bá sản phẩm chăn nuôi của mình trên các trang mạng xã hội để mở rộng thị trường, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

Chăn nuôi dúi, nhím bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho bà con. Tin rằng mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng, không chỉ kích cầu thị trường mà còn thúc đẩy nền kinh tế địa phương đi lên.

Thái Hà

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...