Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy: Đúng, trúng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung
Triển khai thực hiện nghị quyết số 05 trong điều kiện khó khăn, ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, thị trường và dịch bệnh Covid-19. Song với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh vượt qua thách thức đạt được nhiều kết quả cao. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung bước đầu khai thác lợi thế gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các nguồn lực được tập trung đầu tư hỗ trợ vào vùng trọng điểm, sản phẩm chủ lực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung đã chú trọng lấy doanh nghiệp, hợp tác xã là trung tâm, cộng đồng dân cư và hộ nông dân là chủ thể gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch; qua đó đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần.
Đến nay, toàn tỉnh có 6.886ha cây mắc ca, 9.540ha chè, 3.836ha lúa hàng hóa (séng cù, tẻ râu, nếp tan…), 1628ha cây ăn quả, 12.945ha cao su, 72.118 chậu địa lan, 171ha diện tích hoa, củ quả tập trung. Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng thương phẩm và trang trại, gia trại với quy mô từ 10 con trở lên, hiện toàn tỉnh có 194 cơ sở chăn nuôi tập trung. Với lợi thế về diện tích rừng, có nhiều loại hoa là điều kiện thuận lợi để phát triển đàn ong, hiện toàn tỉnh phát triển trên 12.306 thùng ong. Chăn nuôi cá lồng trên lòng hồ các thủy điện được quan tâm thực hiện với diện tích nuôi cá lồng 187.760m3. Các cơ sở chế biến được quan tâm phát triển, hiện nay toàn tỉnh có 38 cơ sở chế biến nông lâm nghiệp đã và đang đầu tư. Toàn tỉnh có 158 sản phẩm OCOP. Có thể khẳng định từ khi triển khai, nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy.
Có được kết quả này, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh tổ chức các hội nghị triển khai đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ, hộ dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, phương tiện truyền thông đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp. Từ đó, tạo ra nhận thức, động lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đồng thời cấp tỉnh, huyện thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết; cơ quan chuyên môn ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách, đề án.
Để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân, tổ hợp tác có nguồn lực, tỉnh hỗ trợ từ ngân sách địa phương, vốn lồng ghép, vốn xã hội hóa; thực hiện hết năm 2022 được 1.031 tỷ 365 triệu đồng. Thực hiện quy hoạch, quản lý đất đai, cơ cấu lại các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa điển hình như chuyển đổi 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm; chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa. Thực hiện quản lý đất sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Thực hiện 34 mô hình khuyến nông chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho 3.252 hộ nông dân; phục tráng nhiều giống lúa như: khẩu lương phửng, nếp tan pỏm, nếp khẩu hốc. Triển khai chuyển đổi số trong quản lý hoạt động chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản. Cùng với đó, tỉnh đầu tư 30 dự án xây dựng hạ tầng (đường, thủy lợi) vùng sản xuất chè, lúa, cây ăn quả.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới, huyện Phong Thổ rà soát toàn bộ quy hoạch trên địa bàn, lựa chọn cây trồng chủ lực trên địa bàn để phát triển; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư vào địa bàn. Đến nay, huyện có 432ha mắc ca, 688ha chè, bảo tồn 8.000ha cây chè cổ thụ, vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô 231ha, phát triển 17.984 chậu địa lan, trồng mới 93ha cây ăn quả.
Thực hiện Nghị quyết 05, đến nay huyện Than Uyên có trên 1.500ha lúa hàng hóa, 1.800ha chè, trên 500ha cây ăn quả, 1.600ha mắc ca. Đồng thời đưa các giống mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như: nho hạ đen, bí xanh, khoai tây vụ đông, chanh leo, ngô ngọt... Ngoài ra, huyện có 75 cơ sở chăn nuôi tập trung, trên 189ha ao hồ và 840 lồng cá lòng hồ các thủy điện; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương các huyện, thành phố bằng những giải pháp thiết thực, đồng bộ, phù hợp và sự đồng tình của người dân. Tin rằng các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 05 sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh Lai Châu bước sang trang mới với nhiều khởi sắc.
Phương Ly
Bình luận