Thứ ba, 19/03/2024, 17:34 [GMT+7]
Xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ:

Nguy cơ nguồn thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện giảm do đánh bắt tận diệt

Thứ ba, 31/08/2021 - 09:58'
(BLC) - Với diện tích tự nhiên 3.034,11ha, chủ yếu nằm trong vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) có vùng nước ngập lớn, giàu nguồn lợi thủy sản. Dù vậy, nguồn thủy sản này đang có nguy cơ giảm mạnh do biến đổi khí hậu và việc bị đánh bắt tận diệt bằng lưới vét dày, kích điện, thuốc hóa học...

Xã Nậm Mạ có 4 bản, đây là nơi tập trung sinh sống của 6 dân tộc: Kinh, Thái, Mường, Phù Lá, Tày, Lào. Các dân tộc này đều có kinh nghiệm, kỹ năng sông nước truyền thống nên sau khi được tái định cư tại đây, phần lớn cuộc sống của người dân dựa vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; một số hộ làm kinh doanh vận tải, dịch vụ trên vùng lòng hồ. Diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ chiếm 7,5%/tổng diện tích tự nhiên, độ dốc lớn, đất bạc màu, thường xuyên bị xói mòn. Nhìn chung không thuận lợi để địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung.

Tuy nhiên, Nậm Mạ lại là địa phương sở hữu tiềm năng lớn về diện tích mặt nước, môi trường nước ngọt phù hợp cho nhiều loại thủy sản phát triển như các loại cá: trê lai, chép, lăng, rôphi, trắm cỏ... Nhờ vùng ngập của hồ thủy điện bao trùm hầu hết các bản, người dân thuận lợi để giao thương, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, đời sống cũng vì thế được đảm bảo. Hiện nay, trên địa bàn xã có 37 hộ nuôi cá lồng (162 lồng), sản lượng đạt từ 0,5 - 1 tấn/lồng, thu nhập bình quân hằng năm từ nuôi thủy sản đạt trên 3 tỷ đồng, đánh bắt từ tự nhiên ước đạt trên 150 tấn/năm với tổng giá trị trên 2,5 tỷ đồng.

Người dân bản Sông Đà (xã Nậm Mạ) khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện.

Thời gian gần đây, nguồn nước tại một số khu vực khoanh nuôi, đánh bắt thủy sản bị ô nhiễm từ phía thượng nguồn. Cùng với đó, việc khai thác không hợp lý, khiến nguồn thủy sản trong tự nhiên bị giảm mạnh. Thủy sản nuôi sinh trưởng chậm, dễ mắc bệnh...; mức độ khai thác đánh bắt tăng cao. Một số hộ dân còn sử dụng ngư cụ trong danh mục cấm như: kích điện, lưới có kích thước mắt nhỏ, sử dụng thuốc hóa học và đánh bắt vào mùa sinh sản... đã tạo áp lực lớn lên môi trường sinh thái và khả năng phục hồi của nguồn thủy sản.

Anh Lò Văn Thương - người dân bản Sông Đà cho biết: Tôi thường xuyên đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ, thời gian trước công việc khá thuận lợi, cá tôi bắt được đều có trọng lượng lớn, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện nay, khi số lồng nuôi cá của người dân tăng lên, kéo theo là chất thải và việc nhiều hộ dân dùng các loại tôm, cá bé làm thức ăn cho chăn nuôi, khiến việc đánh bắt cá bé theo kiểu tận thu gia tăng, tác động xấu đến hệ sinh thái. Nhiều hoạt động trên thượng nguồn khiến chất lượng nguồn nước hiện nay không đảm bảo, công việc đánh bắt của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn.

Từ những ngày đầu tái định cư, chính quyền huyện, xã đã có kế hoạch triển khai đánh bắt, nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo đa dạng sinh học. Để duy trì nguồn lợi thủy sản, xã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo khai thác song song với bảo vệ nguồn thủy sản, phục hồi và tái tạo hệ sinh thái môi trường nước, thường xuyên kiểm tra đánh giá xử lý các hộ dân không tuân thủ quy định khai thác, gây ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.

Được biết, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, huyện đã chỉ đạo các địa phương, trong đó có xã Nậm Mạ, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản trên vùng lòng hồ, kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp khai thác, đánh bắt không đúng quy định. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã Nậm Mạ đã xử lý hành chính 12 trường hợp vi phạm, thu giữ nhiều ngư cụ bị cấm. Các phòng chuyên môn của huyện chủ động đề xuất khoanh vùng nhiều điểm bảo tồn nguồn lợi thủy sản, duy trì các bãi sinh sản, hạn chế các hoạt động khai thác trong mùa sinh sản, chủ động thả bổ sung cá giống vào tự nhiên. Những năm qua, xã còn kết hợp với các phòng, ban của huyện, tỉnh tổ chức nhiều đợt thả cá giống (mỗi đợt trên 500kg) vào hồ, góp phần duy trì hệ sinh thái, trong đó có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Thông qua đó phần nào khắc phục được việc sụt giảm nguồn lợi thủy sản trên địa bàn.

Ông Lường Văn Đô - nguyên Chủ tịch UBND xã Nậm Mạ cho biết: Hiện nay nguồn thủy sản tự nhiên trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã so với khoảng 5 năm trước giảm nhiều, lượng cá, tôm tự nhiên không còn phong phú và chất lượng như trước. Nhiều loài gần như bị tận diệt. Trước đây, quá trình đánh bắt khai thác, người dân bắt được cá to trên 10kg là bình thường nhưng hiện tại việc này rất khó. Một số hộ dân đã bỏ khai thác đánh bắt thủy sản vì hiệu quả thấp.

Dù xã đã quan tâm bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, tuy nhiên do vùng lòng hồ thủy điện có diện tích rộng, nhiều khu vực giáp ranh, chồng lấn, dẫn đến việc khai thác trái phép của người dân các địa phương khác. Đây là vấn đề nan giải, xã gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo tồn. Đặc biệt, việc đánh bắt bằng các phương tiện bị cấm thường do người dân ở các địa phương khác mang tới. Có thời gian, người dân xã Huổi Số (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên), tiếp giáp đường thủy với địa bàn xã Nậm Mạ đã tập trung sang đánh bắt bằng lưới vét, vào thời kỳ cá sinh sản, khiến nguồn thủy sản khó phục hồi.

Việc bảo vệ môi trường, đảm bảo hệ sinh thái cho khu vực lòng hồ tại xã Nậm Mạ cần sự phối hợp chặt của các cấp, ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh để cùng thực hiện mục tiêu chung về quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Hiện nay, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được các địa phương phối hợp thực hiện. Nhưng để khai thác nguồn thủy sản sao cho hợp lý, mang lại hiệu quả lâu dài, vẫn cần nhiều thời gian và ý thức chung của người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nước mắt phía sau phu vàng
(BLC) - Nói đến vàng, người ta nghĩ đến một thứ kim loại quý có giá trị vật chất cao, nhưng ngẫm đằng sau chữ ấy, lại rất “bạc”. “Bạc” là bởi đã lao thân vào bãi vàng thì hiểm nguy luôn rình rập...
Nhiệt tình với công việc
Nhanh nhẹn, gương mẫu, nhiệt tình với công việc chung của bản và không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng...