Thứ năm, 25/04/2024, 21:08 [GMT+7]

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Thứ sáu, 14/08/2020 - 12:04'
Nói về phát triển nông nghiệp của thành phố, bà Hoàng Thị Thanh - Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, ngành Nông nghiệp thành phố có nhiều bước tiến vượt bậc: chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi, tạo ra các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 356 tỷ đồng, vượt 4,7% mục tiêu nghị quyết; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 1 đơn vị diện tích trên 118 triệu đồng/năm, đạt 148% mục tiêu nghị quyết; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 36 triệu đồng/năm.

Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế có hiệu quả cao ở các xã: San Thàng, Sùng Phài, đồng chí Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết thêm, nếu trước đây diện tích ruộng trên địa bàn thành phố Lai Châu chỉ gieo cấy một vụ lúa mùa, thu hoạch xong, đất lại bỏ trống thì nay được thay bằng màu xanh của rau, chè và các loại hoa hồng đua nhau khoe sắc. Bên cạnh đó, thành phố xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm như mô hình trồng rau thủy canh, nhà màng, tưới nhỏ giọt...
Tiêu biểu là mô hình trồng rau thủy canh theo quy trình kép kín, “sạch, an toàn” của HTX Quyết Tâm tại bản Cắng Đắng (xã San Thàng, thành phố Lai Châu). Anh Đào Ngọc Sơn - Giám đốc HTX Quyết Tâm chia sẻ: “Nhận thấy thị trường rau sạch trên địa bàn thành phố còn thiếu nguồn cung nên năm 2018 tôi cùng 8 thành viên thành lập HTX và lựa chọn mô hình trồng rau thủy canh để phát triển. Với diện tích 2ha tôi trồng các loại rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, dưa leo, cà chua… theo hình thức trồng giàn (nhiều tầng) và tuân thủ nguyên tắc không dùng hóa chất, phân bón hóa học trong nuôi trồng, đảm bảo cung cấp thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Nhờ vậy, mỗi năm thu hoạch được 200 tấn rau. Trừ chi phí mỗi năm thu trên 300 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động với mức thu nhập trung bình 6 triệu đồng/tháng và 10 lao động theo mùa vụ.

Ông Trần Đức Văn ở tổ 15 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) trồng cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi tiếp tục tìm đến gia đình ông Trần Đức Văn ở tổ 15 (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) - người được mệnh danh là “tỷ phú”, “ông vua” của các loại cây ăn quả. Trên diện tích gần 6ha đất khai hoang và mua lại của người dân xung quanh, ông ngày đêm cần mẫn cải tạo đất. Sau hai năm cải tạo đất ông bắt tay vào trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bưởi da xanh, mắc-ca, mít thái, xoài, nhãn, táo đài loan, hồng giòn. Sau nhiều năm canh tác, hiện vườn của ông Văn có khoảng 200 cây mít thái, hơn 1.000 cây mắc-ca, gần 1.000 cây bưởi da xanh, hàng trăm cây nhãn, xoài, hồng giòn, ổi, na các loại. Mỗi năm gia đình ông xuất ra thị trường vài trăm tấn quả các loại, thu về hơn 1 tỷ đồng.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, thành phố Lai Châu thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, Nhân dân nắm được mục tiêu và các nội dung thực hiện sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhất là các nội dung liên quan đến việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa, dược liệu, sản xuất lúa chất lượng, chăn nuôi tập trung. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: hỗ trợ vay lãi suất ngân hàng, hỗ trợ giống, vật tư... Tích cực vận động bà con tập trung đầu tư trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ diện tích các loại cây trồng; chuyển đổi đất trồng lúa, ngô hiệu quả thấp sang trồng rau, hoa có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng: đường nội đồng, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất. Trong 5 năm qua, thành phố đã đầu tư 18,5km đường nội đồng, kiên cố 12,6km kênh mương, xây dựng 11km đường ống dẫn tưới cho các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp. Với cách làm này, hiện thành phố hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Vùng sản xuất lúa chất lượng 340ha (lúa tẻ râu); vùng trồng hoa chất lượng với quy mô 63ha; vùng trồng chè 960ha; diện tích cây ăn quả 163,97ha (trong đó trồng mới 106,2ha); 280,52ha mắc-ca. Phát triển vùng trồng rau chuyên canh 40ha và trên 40 mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung với thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng.
Hiện thành phố đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện chương trình OCOP năm 2020. Từ đó, sẽ giải quyết được bài toán gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực để bà con nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.

Hà Tĩnh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...