Thứ sáu, 26/04/2024, 08:15 [GMT+7]

Phát triển thị trường gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Thứ sáu, 27/11/2020 - 18:26'
(BLC) - Sau 6 năm thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 -2020 đã góp phần quan trọng thay đổi nhu cầu tiêu dùng của người dân theo hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt. Góp phần đưa tỷ trọng hàng Việt chiếm 70-85% thị phần hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Từng bước xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc.

Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Xác định, để hàng Việt có đủ điều kiện chiếm lĩnh thị trường trong tỉnh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được Sở Công thương quan tâm, chú trọng. Sở đã phối hợp với cơ quan chức năng tập trung rà soát, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Công khai minh bạch các quy định xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn theo hướng ViệtGAP, làm tốt công tác phối hợp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, gián nhãn sản phẩm. 

Nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực phân phối hàng hóa, thông qua các Chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương, Sở Công thương đã hỗ trợ 4 đề án nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; 10 đề án chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất; 8 đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Tiếp nhận 11 sản phẩm/bộ sản phẩm tham gia bình chọn và lựa chọn 5 sản phẩm/bộ sản phẩm đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lai Châu năm 2019. Lựa chọn 2 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019; đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2020…

Qua đó, đã khuyến khích các cơ sở, sản xuất kinh doanh tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa để đưa ra thị trường với những sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh cao.

Ngoài ra, Sở cũng chủ động xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tìm kiếm, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Điển hình như trong năm 2014 đã tổ chức Hội chợ thương mại Quốc tế với quy mô trên 350 gian hàng, Hội chợ Công nghiệp - Thương mại vùng Tây Bắc năm 2015 với quy mô 187 gian hàng, Hội chợ thương mại Lai Châu năm 2019 với quy mô gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia. Trong 5 năm qua, Sở đã xác nhận và giám sát các doanh nghiệp tổ chức 54 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh với các mặt hàng chủ yếu là hàng truyền thống của địa phương và của doanh nghiệp trong nước sản xuất như: nông sản, thảo dược, thổ cẩm, đồ may mặc, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, văn hóa phẩm, đồ gỗ nội thất, giống cây trồng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất… Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thế mạnh của tỉnh tham gia 17 lượt hội chợ, triển lãm thương mại, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch tại một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Hưng Yên, Yên Bái, Nam Định, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Quảng Ninh… Nhờ sự hỗ trợ thiết thực đó, hàng hóa trong tỉnh được sản xuất, lưu thông thường xuyên, không những đáp ứng thị trường trong tỉnh, trong nước mà còn xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.

Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn miền núi được tổ chức hàng năm cũng giúp các sản phẩm chủ lực của tỉnh xâm nhập vào hệ thống phân phối hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, giúp người dân được tiếp cận với các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất, đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, phù hợp với thu nhập. 

Hàng Việt chiếm từ 70-85% thị phần hàng hóa trong tỉnh

Bà Trần Thị Hương - Giám đốc Siêu thị Hương Long (thành phố Lai Châu) chia sẻ, những năm qua nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của ngành Công thương thông qua các chương trình hỗ trợ lãi suất, đơn vị có điều kiện dự trữ nguồn hàng đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán. Hưởng ứng cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiện nay, gần 70% các mặt hàng trong Siêu thị đều hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, hàng bán theo giá niêm yết, chất lượng đảm bảo. Có thể nói, sự hỗ trợ kịp thời của ngành Công thương đã giúp chúng tôi và nhiều đơn vị trong tỉnh chủ động được nguồn hàng, ưu tiên các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất, tránh được tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”.

Khách hàng lựa chọn hàng Việt tại Siêu thị Hương Long (thành phố Lai Châu).

Khách hàng lựa chọn hàng Việt tại Siêu thị Hương Long (thành phố Lai Châu).

Cùng với siêu thị Hương Long, một số doanh nghiệp trong tỉnh sau khi được hỗ trợ đã bố trí, tổ chức mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trên địa bàn các huyện, thành phố. Từng bước hình thành mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường; tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng, nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống Nhân dân.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng công bố danh sách các điểm bán hàng bình ổn, thời gian thực hiện chương trình và cam kết đảm bảo về số lượng, chất lượng, giá bán. Thực hiện kê khai, niêm yết giá, treo biển nhận diện điểm bán các mặt hàng thiết yếu ổn định thị trường. Tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn Nhà nước tạm ứng.

Với sự nỗ lực của ngành Công thương Lai Châu, nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng hàng Việt của người dân trong tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng từ 70-85% thị phần hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tâm lý "chuộng hàng ngoại" của một bộ phận người dân đã thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn và tin tưởng các sản phẩm Việt.

Ông Lê Xuân Tiến - Phó Giám đốc Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (giai đoạn 2014-2020) đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức người dân trước khi mua hàng, hình thành thói quen sử dụng nông sản thực phẩm an toàn, rõ xuất xứ nguồn gốc qua các kênh phân phối đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiệu quả nổi bật nhất mà Đề án mang lại đó chính là khơi dậy niềm tự tôn, tự hào dân tộc, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Đề án cũng còn một số khó khăn nhất định như: Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Đề án để xây dựng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” còn hạn chế, mới chỉ hỗ trợ điểm bán một số trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh, chưa hỗ trợ việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hạ tầng điểm bán. Khu vực nông thôn của tỉnh điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, hoạt động thương mại chậm phát triển, mật độ dân cư thưa thớt, vì vậy chưa khai thác được các nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển hạ tầng thương mại…

Do đó, trong giai đoạn tới, để khắc phục những khó khăn trên, ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực. Tăng cường các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đó thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới và không ngừng phát triển toàn diện hơn, sản xuất ra nhiều hàng Việt có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...