Thứ năm, 25/04/2024, 01:18 [GMT+7]

Phong Thổ: Phát triển cây ăn quả

Thứ năm, 24/11/2022 - 16:21'
(BLC) - Tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai của địa phương, những năm qua, huyện Phong Thổ đẩy mạnh phát triển vùng cây ăn quả. Hướng đi này đã và đang tạo việc làm, tăng thu nhập, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho nông dân.

Trồng và phát triển cây lương thực là hướng phát triển kinh tế chính của người dân vùng “đất gió” Phong Thổ hơn 10 năm trở về trước. Tuy nhiên, với quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện chú trọng phát triển cây ăn quả theo từng vùng. Tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp, đất hoang hóa, đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Ông Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để triển khai phát triển diện tích trồng cây ăn quả.

Cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn (Nghị quyết 07, Chương trình mục tiêu quốc gia, khuyến nông...) để tập trung đầu tư trồng mới 77,51ha cây ăn quả tập trung; trong đó, 31,5ha cây xoài, 42,01ha chanh leo. Đồng thời, hỗ trợ cải tạo vườn tạp với diện tích 122,86ha/95ha chủ yếu là cây xoài, lê tại các xã: Hoang Thèn, Dào San. Xây dựng hỗ trợ chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm lê VH 6 tại xã: Dào San, Sin Suối Hồ với quy mô 60ha.

Người dân xã Mường So chăm sóc cây bưởi.

Người dân xã Mường So chăm sóc cây bưởi.

Để nông dân trên địa bàn tin tưởng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, huyện đẩy mạnh thực hiện liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông). Thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh vào địa bàn để phát triển các mô hình, vùng trồng cây ăn quả.

Điển hình như, phối hợp với Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành khảo sát, đánh giá vùng trồng cây chanh leo, dứa; Công ty TNHH MTV Trường Phát Lai Châu triển khai trồng 1ha nho công nghệ cao tại thôn Vàng Bó. Các mô hình đều do các Công ty thuê đất, thuê người dân trên địa bàn trồng, chăm sóc; cử cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc; áp dụng cách trồng trong nhà lưới và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng. Đồng thời ký kết bao tiêu sản phẩm sau khi thu hoạch.

Cùng với đó, phát triển các mô hình trồng mía theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Đến nay, trên địa bàn có tổng 105ha trồng mía, trong đó 64,5ha đã cho thu hoạch. Chú trọng phát triển, hình thành vùng trồng chuối tập trung ở các xã: Huổi Luông, Ma Li Pho, Bản Lang... Hiện, toàn huyện có 2.700ha chuối cho sản phẩm với năng suất đạt 4,71 tấn/ha. Ngoài ra, các sản phẩm chuối đang được huyện phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như hỗ trợ dây chuyền sản xuất chuối sấy dẻo cho nhóm thanh niên trên địa bàn các xã: Khổng Lào, Bản Lang.

Người dân xã Bản Lang thu hoạch và bán chuối cho thương lái đã đem lại thu nhập ổn định.

Người dân xã Bản Lang thu hoạch và bán chuối cho thương lái đem lại thu nhập ổn định.

Tới xã Mường So, hỏi thăm mô hình trồng cây ăn quả của anh Nguyễn Tiến Dũng ở thôn Tây An ai cũng biết. Bởi đây là một trong những mô hình trồng cây ăn quả điển hình trên địa bàn khi anh Dũng đã áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu trồng tới chăm sóc. Anh Dũng chia sẻ: “Hiện, tôi đang trồng hơn 800 cây mít; khoảng 100 cây bưởi. Hướng tới phát triển nông nghiệp sạch nên trong quá trình trồng, chăm sóc và thu hoạch đều sử dụng phân bón hữu cơ, các phân từ động vật; giống cây mua tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Hiện, 400 cây mít và toàn bộ cây bưởi đã cho thu hoạch. Từ trồng cây ăn quả tôi và các thành viên trong gia đình có việc làm, đem lại thu nhập ổn định từ 300-350 triệu đồng/năm.

Với những định hướng, cách làm thiết thực trong phát triển cây ăn quả, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện là 3.898ha (trong đó: diện tích cây ăn quả cho sản phẩm lF 3.021,59ha); sản lượng ước đạt 38.989 tấn. Việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn góp phần nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả, đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cây ăn quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Vương Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...