Thứ sáu, 19/04/2024, 10:16 [GMT+7]

Sìn Hồ tập trung phòng, trừ sâu bệnh cho cây trồng

Thứ tư, 12/08/2020 - 20:26'
(BLC) - Sìn Hồ là huyện vùng cao biên giới, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện thời tiết diễn biến bất thường, lượng mưa lớn, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, nấm mốc, sâu bệnh gây hại phát triển mạnh. Để cây trồng có thể sinh trưởng và phát triển tốt, các ngành chức năng trong huyện chủ động phối hợp cùng bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Trước diễn biến khắc nhiệt của thời tiết kéo dài từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Sìn Hồ vẫn gieo cấy được trên 5.270ha lúa, cơ cấu 60% giống lúa lai và 40% giống lúa thuần, trong đó chủ yếu các loại giống như: xuyên hương 178, nghi hương 2308, hương thơm số 1, PC6, IR64… Hiện toàn bộ diện tích này sinh trưởng và phát triển tốt, vượt qua giai đoạn dễ bị tổn thương bởi sâu bệnh.

Ngoài cây trồng chính là lúa thì cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện còn các loại cây trồng khác như: rau màu, cây ăn quả ôn đới, cây chè và một số cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng mưa to kèm theo đá nên phá hủy nhiều diện tích hoa màu và các loại cây trồng khác tại một số xã như: Tả Ngảo, Tả Phìn, Pa Tần và các khu vực lân cận, làm tổn thương thân, lá giảm sức chống chịu trước sâu bệnh của cây. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm mốc, vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng tới chất lượng, sản lượng của các loại cây trồng. Chỉ riêng tại các xã như: Pa Tần, Tả Ngảo, Phăng Sô Lin, có khoảng 20ha các loại cây trồng bị ảnh hưởng bởi nấm và các loại sâu bệnh.

Mô hình trồng cây dược liệu xen cây ăn quả của xã Sà Dề Phìn góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và dễ kiểm soát sâu bệnh.

Theo thông báo của Trạm Bảo vệ thực vật huyện, năm nay do tình hình thời tiết bất thường, sâu bệnh có nhiều khả năng bùng phát. Hiện tại một số khu vực đã xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng, tập trung ở các xã có nền nhiệt cao như: Pa Tần,  Chăn Nưa, Nậm Cuổi… mật độ khoảng dưới 100 con/m2. Bệnh khô vằn, bạc lá xuất hiện trên khoảng 15ha. Ngoài ra, các loại sâu cuốn lá, ốc bươu, bọ trĩ năm nay cũng xuất hiện nhiều, đe dọa tới năng suất lúa mùa cùng các loại rau màu, cây ăn quả khác.

Trước tình hình đó, UBND huyện Sìn Hồ chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với chính quyền các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân triển khai phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cây trồng. Bà Trần Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Vụ mùa năm nay, bà con gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi. Phòng cùng với các địa phương tích cực vận động nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn người dân sử dụng các chế phẩm sinh học và hỗ trợ phân bón. Cùng với đó, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ xuống hỗ trợ Nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, đảm bảo năng suất, sản lượng đã đề ra.

Hiện, nông dân huyện Sìn Hồ đang tiến hành chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày như: cao su, chè, cây ăn quả, các loại cây dược liệu và rau màu. Trên địa bàn huyện có gần 2.000ha cây cao su đang cho khai thác, 214,2ha chè và trên 550ha cây ăn quả các loại, nhiều diện tích đã cho thu hoạch. Trước diễn biến của thời tiết, người dân đã có nhiều biện pháp chủ động, tích cực phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như: làm cỏ, xới đất, vun gốc tạo độ thông thoáng cho cây trong những tháng mùa mưa kéo dài. Đồng thời, bón phân NPK, sử dụng hợp lý các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật hỗ trợ cây chống chịu trước các loại sâu bệnh như: sâu keo trên cây ngô, sâu xanh trên các cây họ đậu, các loại nấm mốc trên cây thân gỗ…

Các phòng chuyên môn phối hợp cùng người dân thường xuyên theo dõi, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh trong thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Riêng diện tích rau màu đa phần là các loại cây thân thảo, rễ chùm, người dân cần theo dõi thường xuyên các loại bệnh héo xanh, lở cổ rễ, thối nhũn dễ xuất hiện trong thời gian này.

Anh Vàng A Lử - người dân xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ cho biết: Ngoài cấy lúa, gia đình tôi còn trồng thêm 7ha cây chè và ngô. Vừa qua, mưa đá đã làm hỏng gần 2ha cây chè mới trồng của gia đình, diện tích ngô sắp thu hoạch cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình. Hiện tại, mưa nhiều khiến diện tích chè, lúa không thể bón phân và phun thuốc đúng chu trình.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại trước sâu bệnh cho cây trồng, các phòng chuyên môn huyện liên tục nắm bắt tình hình, chủ động tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sâu bệnh, đặc biệt hỗ trợ kỹ thuật, định hướng người dân chủ động cung cấp dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây tăng sức đề kháng. Việc phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, đảm bảo sản phẩm an toàn sinh học góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh
Bệnh dại truyền nhiễm do vi-rút, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong nhóm bệnh truyền nhiễm, bệnh này sẽ gây tử vong 100% nếu không được tiêm phòng. Hầu hết các trường hợp bệnh dại hoặc nghi nhiễm...
Cán bộ mặt trận tiêu biểu
Nhiệt tình, trách nhiệm, tận tụy, đó không chỉ là nhận xét của cấp ủy, chính quyền địa phương dành cho bà Ngô Thị An - Trưởng Ban Công tác mặt trận, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 8 (phường Quyết...