Thứ năm, 25/04/2024, 05:31 [GMT+7]

Tân Uyên - nơi “mật ngọt” sinh sôi

Thứ tư, 01/12/2021 - 17:06'
Tân Uyên - mảnh đất phía Đông Nam của tỉnh, nơi tiềm tàng nhiều tiềm năng, thế mạnh với bạt ngàn màu xanh, bên lúa, bên chè, là nơi tấc đất, tấc vàng. Chia tách, thành lập hơn 1 thập kỷ, Tân Uyên đã và đang dang rộng vòng tay đón mời các nhà đầu tư đến để “ươm mầm” cho những giấc mơ về một cuộc sống ấm no bền vững của 10 dân tộc sinh sống nơi đất này. Tân Uyên - mảnh đất đang sinh sôi những dòng mật ngọt.

Một vùng “đất vàng, nước bạc”

Với tổng diện tích tự nhiên trên 90.300ha, Tân Uyên giàu tiềm năng đất ruộng, đất rừng. Toàn huyện có dân số trên 58.000 người, trong đó dân tộc Thái chiếm gần 50%; có tới 5/10 xã, thị trấn nằm dọc theo quốc lộ 32. Tới đây, Tân Uyên còn có tuyến đường cao tốc nối tuyến Lào Cai - Nội Bài chạy qua; giao thông liên xã được đầu tư khá thuận lợi, vùng nối vùng, liên thông với nhau. Đây cũng là nơi có nguồn lao động dồi dào, đồng bào các dân tộc đoàn kết, chăm chỉ, bền bỉ ý chí vượt khó khăn vươn lên trên mảnh đất quê mình.

Tân Uyên giờ đây không còn những bờ lau lách; những đồi cây cổ thụ heo hút vắng bước chân người. Nay đồng đất thênh thang vươn lên những búp chè hương thơm ngát. Có thể nói, Tân Uyên chính là nơi cây chè hiện hữu sớm nhất so với các địa phương trong tỉnh bởi nhắc đến chè là nhắc tới Nông trường Quân đội Than Uyên được thành lập từ năm 1959. Sự hình thành của nông trường cũng là dấu mốc cây chè nảy mầm, sinh sôi cho những búp non chát - ngọt. Từ nền móng đó, giờ đây, Tân Uyên đã sở hữu trên 3.100ha chè. Những đồi chè xanh ngút ngàn, kéo dài mãi tận chân mây, giống như những ước mơ mê mải không bao giờ mất đi của người trồng chè về một cuộc sống ấm no, trù phú, thịnh vượng. Từ chè, mỗi năm đem lại sản lượng 17.500 tấn-đây không chỉ là nguồn thu bền vững, tăng qua từng năm; đó còn là không gian làm tan biến mỏi mệt của mỗi người dân khi dạo quanh những đồi chè; là điểm đến hút mắt của du khách tứ phương.

Mô hình trồng bí xanh được Công ty rau củ quả Ngọc Linh (tỉnh Sơn La) đầu tư bao tiêu sản phẩm cho nông dân xã Pắc Ta đã và đang đem lại hiệu quả cao. Trong ảnh: Lãnh đạo các tổ chức đoàn thể tỉnh thăm mô hình trồng bí xanh tại xã Pắc Ta. Ảnh tư liệu

Dù được xem là địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông, khe suối, song xen lẫn vẫn có những dải đồng bằng, ruộng bậc thang để mùa nối mùa đem lại ấm no cho người nông dân. Bàn tay, khối óc của người nông dân nay cũng tinh nhạy hơn, tập trung sản xuất các loại giống lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, là “đặc sản” chỉ ở Tân Uyên mới có, đó là: lúa séng cù, khẩu ký, nếp tan co giàng… không nơi nào có được hương vị độc đáo như nơi đây. Tân Uyên cũng là nơi hợp thổ nhưỡng, khí hậu để trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: chè, quế, sơn tra, mắc-ca… Bởi lợi thế đó, huyện đã và đang hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, các loại cây công nghiệp đã cho nguồn thu bước đầu. Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, huyện đã có 12 sản phẩm được tỉnh chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, gồm: Nhãn, bưởi, ổi (mang nhãn hiệu Quang Lê); gạo khẩu ký; gạo nếp co giàng; khẩu hốc; nhân hạt mắc-ca Tân Uyên; xúc xích heo, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy (mang nhãn hiệu Nhiễu Kiên); măng tây xanh Trọng Nghĩa và cà chua Socola; 1 sản phẩm Trà san tuyết Than Uyên chứng nhận OCOP 4 sao..

Cơ hội để “mật ngọt” sinh sôi

Bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 và chương trình, kế hoạch, đề án có liên quan, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho chính quyền huyện đề xuất các dự án thu hút đầu tư, xây dựng danh mục và mô tả chi tiết thông tin các dự án kêu gọi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Đã có không biết bao nhà đầu tư tiếp cận, tìm đến khảo sát các vùng trên địa bàn huyện Tân Uyên. Trong đó “mật ngọt” đã sinh sôi ở đất này có thể kể ra một số ví dụ điển hình, riêng về trồng cây mắc-ca đã có nhà đầu tư là Công ty Liên Việt đã trồng trên 450ha; Công ty Quyết Tiến: 11ha; Công ty An Đức Minh Capital: 88ha; Công ty Him Lam: 120ha; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại và đầu tư Phú Thịnh: 12ha. Nhờ đó đã giúp huyện Tân Uyên đạt 1.656,8ha cây mắc-ca đến thời điểm hiện tại. Dự ước đến hết năm nay, toàn huyện sẽ có trên 2.000ha mắc-ca. Ngoài ra có thể kể đến lĩnh vực đầu tư về thủy điện. Hiện nay, trên địa bàn có 13 dự án thủy điện nhỏ, trong đó, 4 công trình thủy điện: Nậm Bon, Nậm Be, Hua Chăng, Hua Chăng 2 đang hoạt động với công suất 25,4MW, 2 dự án thủy điện đang thi công.

Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1 dự án trên địa bàn huyện với tổng số vốn 38 tỷ đồng; hoàn thiện hồ sơ thành lập mới 2 hợp tác xã với số vốn điều lệ 4,6 tỷ đồng. Tin vui nối tiếp khi trong nă

m đã có 10 nhà đầu tư đề nghị khảo sát, lập dự án đầu tư trên địa bàn huyện. Huyện cũng luôn năng động, chủ động khảo sát đề xuất thực hiện 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (thực hiện từ năm 2022) trên địa bàn huyện. Đồng thời cũng đề xuất, phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, khảo sát hỗ trợ cho 2 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn được ứng dụng khoa học công nghệ dây truyền tiên tiến vào sản xuất để đạt năng suất cao với nguồn vốn hỗ trợ 1 tỷ đồng.

Đầu tháng 11, UBND huyện Tân Uyên có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025. Theo đó, UBND huyện đề nghị tỉnh bổ sung 14 danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư như: khu du lịch sinh thái gắn với suối nước nóng Nà Ún (xã Pắc Ta); khu thương mại, dịch vụ và khách sạn; xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ; trồng, tiêu thụ chuối tiêu, chuối tây xuất khẩu; trồng, chế biến cây mắc-ca và trồng cây gỗ lớn; phát triển nông, lâm nghiệp và dược liệu; nuôi ong lấy mật, chế biến và tiêu thụ mật ong; chăn nuôi lợn, nuôi cá nước lạnh; du lịch cộng đồng, bảo tồn văn hóa dân tộc Mông và bảo tồn chè cổ thụ, nuôi cá nước lạnh tại xã Mường Khoa.

Mục tiêu trong năm 2022, huyện sẽ thực hiện trồng mới 400ha cây gỗ lớn, 100ha cây quế, 50ha rừng phòng hộ và 400ha cây mắc-ca, khoanh nuôi 500ha rừng; xây dựng 1ha nhà màng, nhà lưới phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng 3 sản phẩm OCOP... Để giúp Tân Uyên “không trễ hẹn” với những mục tiêu trong năm tới, các nhà đầu tư hãy tìm đến gieo mầm, gieo ước mơ và sự sống. Và từ đó, quả ngọt rồi sẽ sinh sôi cho người trồng và cả người thu hái.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...