Thứ ba, 08/10/2024, 19:58 [GMT+7]

Tân Uyên vào vụ thu hoạch mắc-ca

Thứ hai, 02/09/2024 - 11:22'
Thời điểm này, nhiều hộ dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tân Uyên đang tích cực thu hoạch quả mắc-ca. Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng bước đầu mang lại niềm vui, phấn khởi cho các gia đình khi có thêm loại cây trồng mới cho thu nhập cao.

Chúng tôi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Uyên đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Cát ở tổ dân phố 1 (thị trấn Tân Uyên) - hộ có diện tích mắc-ca cho thu hoạch nhiều nhất huyện. Những ngày này, ông Cát huy động người thân và thuê thêm từ 2-3 lao động địa phương thu hoạch và chế biến mắc-ca.
Cùng ông ra khu vườn trồng mắc-ca xen chè, chúng tôi ấn tượng với những cây mắc-ca xanh tốt với chùm quả nặng cành. Nghe tiếng lách cách của chùm mắc-ca va vào thành xô thật đã tai. Cầm trên tay những quả mắc-ca to tròn, căng vỏ, ông Cát khoe: Gia đình tôi trồng 1ha mắc-ca xen chè từ năm 2012 với nhiều loại giống khác nhau như: Q, OC, A38. Năm ngoái, toàn bộ diện tích hơn 6 tấn quả. Năm nay thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất có giảm. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình tôi thu hơn 1 tấn quả, ước hết vụ chắc khoảng gần 5 tấn. Tôi nhận thấy cây mắc-ca trồng xen chè cho giá trị kinh tế cao hơn trồng chè thuần (bình quân 1ha chè thuần thu khoảng 100 triệu đồng/năm; trồng mắc-ca xen chè đạt từ 150-200 triệu đồng/năm).

Thực hiện trồng xen canh chè và mắc-ca giúp gia đình ông Nguyễn Xuân Cát ở thị trấn Tân Uyên có thu nhập cao.

Không chỉ gia đình ông Cát mà nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Tân Uyên, các xã: Trung Đồng, Pắc Ta… cũng đang thu hoạch quả mắc-ca. Tuy nhiên, do cây mới trồng, chủ yếu đang thu quả bói. Anh Lường Văn Hà ở bản Phiêng Phát 1 (xã Trung Đồng) chia sẻ: Gia đình tôi trồng hơn 3.000m2 mắc-ca xen chè từ năm 2018. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ cơ quan chuyên môn huyện, xã, gia đình tôi chăm sóc mắc-ca theo quy trình, cây phát triển rất tốt. Năm nay, cây bắt đầu cho quả bói nên thu hoạch về cũng để gia đình sử dụng. Hy vọng, năm sau mắc-ca ra sai quả, để có thêm nguồn thu nhập.
Mắc-ca là loài cây thân gỗ thường xanh, có tán lớn, tuổi thọ dài và sức chống chịu tốt. Loài cây này có thể trồng ở nhiều khu vực đất khác nhau như: vườn tạp, đất dốc, xen canh với chè hoặc các loại cây họ đậu. Quả mắc-ca có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất phong phú. Ngoài hàm lượng chất béo rất cao (hơn 78%), trong nhân hạt mắc-ca còn chứa nhiều protit, khoáng chất; vitamin B1, B2, vitamin E… có lợi cho sức khoẻ con người. Vì thế, nhân hạt mắc-ca được ví là “hoàng hậu của các loại hạt”, được bán ra thị trường với giá rất cao. Điều này mở ra cơ hội làm giàu cho người dân Việt Nam nói chung, Lai Châu nói riêng.

Các hộ trồng mắc-ca ở thị trấn Tân Uyên đầu tư máy móc vào khâu chế biến để có sản phẩm quả mắc-ca khô đảm bảo chất lượng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Cây mắc-ca được người dân trên địa bàn thị trấn Tân Uyên trồng thử nghiệm năm 2012. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1655/QĐ-UBND, ngày 26/12/2017 phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển cây mắc-ca tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2021, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong huyện mở rộng diện tích trồng mắc-ca, nhất là trồng xen chè; thu hút, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư trồng. Cùng với đó, huyện triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho các hộ tham gia trồng mắc-ca. Đến thời điểm này, toàn huyện có trên 2.696ha mắc-ca, trong đó hơn 671ha của 1.108 hộ dân; 2.025ha của doanh nghiệp (Công ty Dương Gia Lai Châu, Công ty Cổ phần tập đoàn Liên Việt…) trồng thuần và xen chè. Đặc biệt, 1ha mắc-ca của gia đình ông Nguyễn Xuân Cát cho thu hoạch với sản lượng đạt gần 5 tấn quả tươi; trên địa bàn huyện có 120ha cây mắc-ca trồng từ 2017-2019 bắt đầu cho quả bói, năng suất đạt 300-600kg/ha. Giá bán bình quân 40.000 đồng/kg quả tươi.
Để cây mắc-ca cho hiệu quả kinh tế cao, hằng năm, các phòng chuyên môn của huyện giao cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn xuống các hộ dân hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; nhất là giai đoạn cây ra hoa và tỉa cành sau khi thu hoạch. Chú trọng phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây. Thời gian tới, huyện Tân Uyên tiếp tục khuyến khích nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng diện tích trồng; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp các hộ nâng cao kiến thức chăm sóc mắc-ca. Phấn đấu 320ha cây mắc-ca trồng giai đoạn 2017-2019 cho thu hoạch vào năm 2025 với năng suất và sản lượng đạt cao.

Ngọc Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...