Thứ năm, 25/04/2024, 19:26 [GMT+7]

Ta Gia phát triển nghề chăn nuôi thủy sản

Thứ ba, 02/03/2021 - 09:12'
(BLC) - Tận dụng lợi thế mặt nước của thủy điện Huội Quảng, cấp ủy, chính quyền xã Ta Gia (huyện Than Uyên) khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi thủy sản góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.

Ta Gia là xã vùng II có 12 bản với 967 hộ, 5.477 nhân khẩu, 3 dân tộc (Mông, Thái, Khơ Mú) cùng sinh sống đoàn kết. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Từ tháng 12 năm 2015 lòng hồ thủy điện Huổi Quảng được tích nước tạo nên một mặt hồ rộng lớn với tổng diện tích lòng hồ trên địa bàn xã là 385,6 ha, mực nước thường xuyên giữ ổn định, ít biến động cùng điều kiện khí hậu nóng ẩm, tạo thuận lợi để xã phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, giúp người dân tăng thu nhập.

Từ những lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền xã đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền vận động Nhân dân hưởng ứng việc chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn trong khối nông nghiệp của huyện khảo sát các địa điểm thích hợp để nuôi cá lồng; thực hiện các chính sách hỗ trợ như: làm lồng nuôi, cá giống. Lựa chọn những giống cá có giá trị kinh tế cao như: tầm, trắm, chép lai, rô phi đơn tính, trắm cỏ, lăng… để nuôi. Hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn cá đảm bảo cá được nuôi lồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Thành viên Hợp tác xã Thanh niên xã Ta Gia chăm sóc cá lồng.

Thành viên Hợp tác xã Thanh niên xã Ta Gia (huyện Than Uyên) chăm sóc cá lồng.

Ông Lò Văn Chài – Chủ tịch UBND xã Ta Gia cho biết: “Chính quyền xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền tới bà con các chủ trương, chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, đặc biệt là các đề án, dự án của tỉnh, huyện về phát triển vùng nuôi trồng thủy sản. Vận động người dân đầu tư mở rộng nghề chăn nuôi thủy sản, để phát huy tiềm năng lợi thế của mặt nước lòng hồ thủy điện. Các tổ chức Hội luôn đồng hành cùng hội viên, bà con giúp trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội đầu tư phát triển nuôi cá lồng để tăng thu nhập”.

Ngoài ra, xã triển khai các chính sách thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, khuyến khích các mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất giữa vùng sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến, thương mại, xuất khẩu theo chuỗi giá trị sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ chức đầu tư khoa học, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế cao. Phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức cho một số hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm mô hình nuôi cá lồng tại địa phương khác trong tỉnh. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người chăn nuôi thủy sản và xây dựng các mô hình khuyến ngư, nhân rộng các mô hình nuôi tốt.

Từ năm 2015 được sự quan tâm của tỉnh và huyện trên địa bàn đã có 37 lồng cá từ các nguồn vốn đồng thời có 1 doanh nghiệp và 2 Hợp tác xã, một số hộ dân tự đầu tư phát triển lồng cá thêm. Đến nay, toàn xã có tổng diện tích khai thác là 3.636 m2, duy trì 101 lồng cá với sản lượng đánh bắt và nuôi trồng đạt khoảng trên 150 tấn/năm, doanh thu khoảng 8,5-10 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhân dân còn đánh bắt tôm, cá tự nhiên trong lòng hồ, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Từ đó, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,08%.

Theo tính toán của một số bà con đang nuôi thì hiệu quả chăn nuôi thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên mặt hồ thủy điện nói riêng cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm trừ chi phí 1 lồng thu khoảng gần 10 triệu đồng. Chị Lường Thị Thảo, bản Khem, xã Ta Gia chia sẻ: “Gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển 6 lồng cá trên lòng hồ thủy điện Huội Quảng. Nguồn giống được gia đình mua ở cơ sở cung ứng con giống trên tỉnh với chủ yếu là loại cá: trắm, chép và rô phi. Nhờ chăm sóc tốt nên cá sinh trưởng nhanh cho thu nhập ổn định. Nhưng đầu ra đang là trăn trở, lo lắng của bà con vì chưa tìm được thị trường để xuất bán”.

Hiện nay, nghề thủy sản và nuôi cá lồng trên địa bàn xã đang trên đà phát triển, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn do tư thương thường xuyên ép giá. Diện tích khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của xã, việc nuôi cá lồng nhiều rủi ro, phát triển chưa bền vững, chịu sự tác động từ thiên nhiên như bão, lũ và dịch bệnh trong khi đó điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ nuôi còn hạn chế. Số lồng cá hiện có chủ yếu là của doanh nghiệp và các Hợp tác xã, vì thế số lồng cá của cá nhân, hộ gia đình còn ít.

Để giúp người dân nhất là bà con vùng tái định cư tăng thu nhập, giải quyết việc làm, thiết nghĩ xã Ta Gia cần phải có sự quan tâm, giám sát, tìm ra giải pháp đầu ra cho sản phẩm và huyện Than Uyên cần có thêm chính sách khuyến khích bà con phát triển nuôi trồng thủy sản nhất là nuôi cá lồng, bè. Qua đó, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp thị trường trong, ngoài địa phương.

Tùng Phương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...