Thứ sáu, 26/04/2024, 06:21 [GMT+7]

Tam Đường ưu tiên phát triển bền vững sâm Lai Châu

Thứ sáu, 17/03/2023 - 11:17'
(BLC) - Cùng với đầu tư nguồn lực mở rộng diện tích dược liệu nhằm khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, huyện Tam Đường đang đặc biệt ưu tiên phát triển bền vững sâm Lai Châu. Trong đó, khuyến khích thu hút doanh nghiệp, hộ cá thể liên kết với người dân sở tại mở rộng vùng trồng.

Nhận thấy các loại dược liệu quý, trong đó có cây sâm Lai Châu đang dần cạn kiệt tại những cánh rừng của xã, mong muốn bảo tồn và phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này, năm 2017, anh Phàn A Sơn (dân tộc Dao, bản Xin Chải, xã Giang Ma) quyết định liên kết với 4 hộ dân ở thành phố Lai Châu và Hà Nội đầu tư mô hình ươm và trồng cây giống sâm Lai Châu.

Anh Phàn A Sơn, bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường kiểm tra vườn ươm cây giống sâm Lai Châu.

Anh Phàn A Sơn - bản Xin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường kiểm tra vườn ươm cây giống sâm Lai Châu.

Khởi điểm diện tích của anh Sơn chỉ khoảng 2.000m2, trong quá trình thực hiện, anh và các hộ dân đã đi học tập kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu lâm sinh. Theo đó, lắp đặt hệ thống nhà màng, nhà lưới để chăm sóc, bảo quản hạt giống, ươm cây đúng kỹ thuật. Với việc thu mua 500 cây sâm Lai Châu từ 5 – 10 năm tuổi, hàng năm sau khi thu hoạch hạt giống, anh còn bán thân, lá. Cùng với bán cây giống, riêng năm 2022, anh Sơn và các hộ liên kết thu trên 400 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho từ 15 – 20 lao động địa phương.

Theo dự tính của anh Sơn, trong năm 2023, mô hình sẽ cung ứng ra thị trường từ 5 – 7 vạn cây giống. Đồng thời, anh còn trồng thí điểm các loại cây: vũ diệp, thất diệp và tam thất hoang. Anh cũng mong muốn tỉnh, huyện quan tâm, có nhiều cơ chế thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia liên kết với người dân sở tại trồng sâm, từ đó tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Cũng từ niềm đam mê với cây sâm Lai Châu, năm 2021, anh Nguyễn Hồng Giang – Tổng Giám đốc Công ty phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh (trụ sở tại Hà Nội) quyết định thuê đất, liên kết với bà con bản Xin Chải, xã Giang Ma đầu tư vùng ươm giống và trồng loại cây này. Hiện nay, công ty có tổng diện tích khoảng 5ha dưới tán rừng, trong đó 3ha ươm giống và trồng cây sâm Lai Châu, 2ha còn lại trồng cây sâm bố mẹ lấy hạt giống.

Anh Giang cho biết: Nhờ điều kiện tự nhiên cũng như thổ nhưỡng phù hợp, toàn bộ diện tích cây giống của công ty đều phát triển tốt. Đây đang là đầu vào quan trọng để cuối năm 2023, công ty đưa sang vùng trồng (rộng khoảng 220ha) tại xã Khun Há (người dân góp đất, tham gia trồng, chăm sóc; công ty bỏ giống, chi phí đầu tư, khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm). Hiện, đơn vị đang tiến hành khảo sát, thi công đường giao thông đến vùng trồng.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác thăm vùng trồng sâm Lai Châu của Công ty phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh.

Đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác thăm vùng trồng sâm Lai Châu của Công ty Phát triển công nghệ cao Hưng Thịnh.

Giang Ma đang là một trong 3 xã (Khun Há, Hồ Thầu) có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển cây sâm Lai Châu và thu hút các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình tiến hành trồng thử nghiệm, nhân rộng diện tích. Theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có trên 1,2ha sâm Lai Châu do các hộ dân tự trồng hoặc liên kết nhóm hộ trồng cùng 1 công ty trồng theo quy mô lớn, tập trung tại bản Tả Cu Tỷ và Xin Chải. Xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chăm sóc, quản lý, bảo vệ diện tích rừng để không chỉ tăng số tiền hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng mà còn làm giàu từ trồng sâm nói riêng, các loại cây dược liệu nói chung.

Huyện Tam Đường có điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho các loại dược liệu phát triển. Tuy nhiên, người dân vẫn khai thác với số lượng lớn bán ra thị trường nhưng chưa có giải pháp bảo tồn, duy trì và phát triển. Riêng cây sâm Lai Châu còn rất ít giống tự nhiên. Thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thu gom hạt giống, cây giống về trồng thành từng điểm, từng vùng tập trung.

Thông qua một số chương trình, dự án, đề tài về khoa học công nghệ cũng đã hỗ trợ, thúc đẩy dần hình thành các vùng sản xuất dược liệu trên địa bàn, trước mắt là 2 giống cây dược liệu chính là sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa.

Đến thời điểm này, toàn huyện Tam Đường có khoảng 5ha đất trồng cây sâm Lai Châu (chưa kể ươm giống). Trong đó, trồng có mái che 1,5ha, trồng dưới tán rừng 3,5ha.

Mặc dù giá trị kinh tế rất cao và là cây đặc hữu của tỉnh nhưng đòi hỏi đầu tư lớn. Do đó, thay vì trồng tự phát, rất cần sự định hướng, vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tạo điều kiện tốt nhất thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư trồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo phát triển vùng trồng sâm tập trung và hiệu quả kinh tế bền vững.

Phương Ly - Hồng Thắm

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Trở về từ lầm lỡ
Những người đã một thời sa chân vào vũng lầy của thuốc phiện, ma túy mà rút chân lên được đã là đáng khâm phục. Nhưng có người còn tiếp tục vươn lên, trở thành điển hình, là đảng viên, bí thư chi...