Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ
Gác lại những công việc bộn bề cuối năm, ông Trịnh Trọng Tấn - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh dành cho chúng tôi một buổi nói chuyện về nghề, về những “trái ngọt” thấm đẫm tính nhân văn của Đảng, nhà nước ta thông qua hệ thống “Ngân hàng nghèo”.
Mỗi lần chứng kiến phiên giao dịch của cán bộ tín dụng ngân hàng không quản ngại nắng mưa, sớm hôm, vất vả, về tận các xã xa xôi để thực hiện giải ngân, thu nợ và được bà con trả gốc, lãi đúng hạn, còn có tiền gửi tiết kiệm, chúng tôi vui lây niềm vui của mỗi khách hàng và thêm trân trọng những nỗ lực của “Ngân hàng nghèo”. Ở địa bàn điều kiện giao thông cách trở như Lai Châu, điển hình như huyện Sìn Hồ điểm xã xa nhất lên tới 150km, còn huyện Mường Tè còn xa hơn nữa, cán bộ tín dụng phải đi mất nửa ngày đường mới đến được trụ sở UBND xã để thực hiện công tác giải ngân, thu hồi vốn, lãi suất… Dù đã có hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn song trình độ tính toán, sử dụng sổ sách vẫn còn hạn chế nên mỗi cán bộ ngân hàng đều phải hướng dẫn tận tình, chu đáo, đến khi các tổ trưởng tổ vay vốn thuần thục mới yên tâm.
Còn thời gian làm ngoài giờ thì luôn vượt mức quy định. Ông Nguyễn Văn Cương - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Uyên bày tỏ: "Dù thường xuyên làm việc ngoài giờ hoặc vào ngày nghỉ song lãnh đạo và mỗi cán bộ ngân hàng đều khắc phục khó khăn, sắp xếp công việc hợp lý, cứ người nghèo có vốn làm ăn, có lãi để trả nợ cho ngân hàng là chúng tôi vui rồi."
Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Uyên luôn phục vụ người dân nhiệt tình để có vốn đầu tư sản xuất.
Những người như ông Cương hay toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ “Ngân hàng nghèo” mỗi người đều cố gắng, nỗ lực một chút đã tạo thành những viên đá nhỏ xây nên ngôi nhà NHCSXH thực thi chính sách vốn đã rất nhân văn của Nhà nước ta, lại càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Theo số liệu báo cáo, tổng nguồn vốn Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện trong năm 2023 đạt 3.680.618 triệu đồng, tăng 466.587 triệu đồng so VỚI năm 2022. Doanh số cho vay đạt 1.085.661 triệu đồng với 18.497 khách hàng vay vốn, trong đó doanh số cho vay hộ nghèo đạt 252.274 triệu đồng với 4.118 hộ vay vốn. Thực hiện Nghị định số 36/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để NHCSXH cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến hết tháng 10/2023, chi nhánh đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 31.360 triệu đồng cho 29.457 món vay với dư nợ được hỗ trợ 1.579.267 triệu đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được triển khai đến 957 thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh thông qua 1.418 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong năm qua, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm mới cho 9.203 lao động vay vốn giải quyết việc làm, 4.118 hộ nghèo vay vốn đầu tư cho chăn nuôi trâu, bò cày kéo và sinh sản, trồng và chăm sóc chè, rau màu các loại. Đối với người nghèo, nếu không có vốn làm ăn đã nghèo lại nghèo hơn. Điều này khiến chúng tôi nhớ lại đợt công tác tháng 4 năm 2023, trong một lần đến xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) thấy anh Hà Văn Đẩu - bản Bó Lun cùng vợ đến trụ sở UBND xã làm thủ tục vay vốn tại phiên giao dịch của NHCSXH.
Anh Đẩu cho hay: Gia đình anh vay vốn ủy thác thông qua tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ xã. Trước đây gia đình cũng vay vốn đầu tư chăn nuôi, nhờ tiết kiệm chi tiêu nên đã trả hết số nợ. Nay gia đình tiếp tục có nguyện vọng vay thêm 50 triệu đồng để đầu tư mua phân bón cho 5.000m2 chè. Chè làm ra đến đâu có đơn vị thu mua đến đó nên cứ chăm cho chè tốt thì thu được tiền nhiều. Theo đà này chẳng mấy chốc gia đình tôi sẽ trả hết số nợ mới và có thêm tiền tích lũy.
Ban Kiểm soát Hội đồng Quản trị NHCSXH Việt Nam kiểm tra việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại xã Mường Than (huyện Than Uyên).
Đánh giá của ông Trịnh Trọng Tấn cho thấy, chính sách tín dụng của NHCSXH tỉnh đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Từ đó, có nguồn vốn để tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo nguồn tích lũy để trả nợ cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm 4,66% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 4.622 hộ trong năm 2023, trong đó riêng khu vực nông thôn giảm 4,56%.
Được biết, cách thức để nguồn vốn NHCSXH phát huy được hiệu quả đó là hỗ trợ đúng người, đúng việc, ưu tiên vào những vùng, khu vực trọng điểm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm. Hoạt động tín dụng CSXH phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc, xem như nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện. Việc triển khai tín dụng chính sách đảm bảo bao phủ hết tới các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà Nhà nước ta luôn hướng tới.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH tỉnh, nhiều nông dân trong tỉnh có việc làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nên tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen đã giảm hẳn, tạo sự ổn định xã hội ở khu vực nông thôn; giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có thêm nhiều cơ hội tạo ra việc làm mới, phát huy các sản phẩm đặc thù tại địa phương. Nhưng điều quan trọng nhất là “Ngân hàng nghèo” đã giúp được người nghèo ở Lai Châu tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tự họ vươn lên thoát nghèo, làm cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thực sự khởi sắc.
Thu Trang
Bình luận