Thứ bảy, 27/07/2024, 07:40 [GMT+7]

Trồng thử nghiệm thành công nấm mối đen

Thứ hai, 22/05/2023 - 16:38'
Tháng 10/2022 vừa qua, Trung tâm Kiểm định và Phát triển khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã trồng thử nghiệm mô hình nuôi trồng nấm mối đen thương phẩm. Qua quá trình trồng thử nghiệm cho thấy loài nấm này khá phù hợp với khí hậu ở Lai Châu.

Chúng tôi có dịp “mục sở thị” mô hình nấm mối đen tại Trung tâm Kiểm định và Phát triển khoa học công nghệ tỉnh. 800 bịch nấm được xếp ngay ngắn theo từng tầng trên kệ sắt. Mỗi bịch mọc lên cây nấm to, mập. Anh Đặng Nam Bình (cán bộ kỹ thuật của Trung tâm) cho biết: Trước khi thực hiện mô hình Trung tâm đã cử cán bộ đi học tập kinh nghiệm ở các nơi và về phân tích, đánh giá thì loài nấm khá thích hợp để trồng ở Lai Châu. Do đó, Trung tâm bắt tay vào trồng thử nghiệm loài nấm này. Nguyên liệu chủ yếu là mùn cưa của cây gỗ keo, được lựa chọn kỹ, không bị nhiễm mốc, tiến hành tạo ẩm mùn cưa bằng nước vôi trong và ủ trong 4 ngày. Trước khi làm giá thể tiến hành hấp mùn cưa để tiệt trùng.
Trước khi cấy, trung tâm tiến hành thanh trùng phòng cấy bằng cách phun foocmol rồi đóng kín cửa trong 24 giờ, sau đó mở cửa cho bay hết mùi mới được vào cấy. Trung tâm sử dụng giống nấm mối đen dạng hạt, được nhập từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nấm thuộc Viện Di truyền nông nghiệp. Nhà nuôi sợi nấm mối đen được đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, độ ẩm từ 70 - 80%, nhiệt độ từ 25 - 30 độ C. Trong quá trình nuôi sợi nấm, cán bộ thường xuyên kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của hệ sợi nấm mối đen định kỳ, nếu phát hiện thấy có bịch phôi nấm bị nhiễm bệnh phải loại bỏ ngay khỏi khu vực ươm tránh lây sang các bịch khác.

Anh Đặng Nam Bình (bên trái) giới thiệu quy trình trồng nấm mối đen.

Anh Bình chia sẻ thêm: Sau khi sợi nấm mối đen phủ kín giá thể 35 ngày hệ sợi nấm mối đen bắt đầu thành thục. Trên bề mặt của giá thể xuất hiện các nút nhỏ màu nâu hoặc màu đen, lúc này các bịch phôi nấm được tiến hành phủ cát để bịch phôi phát triển quả thể. Lựa chọn cát vàng, sạch, được xử lý qua hấp thanh trùng, tiến hành phủ lên bề mặt bịch phôi một lớp khoảng 2-3cm. Duy trì chế độ tưới nước phun sương trên bề mặt bịch, độ ẩm không khí trong nhà nấm trung bình 70-80%, ánh sáng tán sắc và thông thoáng gió, nồng độ. Chu kỳ trồng nấm theo phương pháp hữu cơ (khoảng 4 tháng). Sau hơn một tháng cấy phôi sẽ cho thu hoạch, mỗi bịch cho thu khoảng 300 gam/ngày, việc trồng và chăm sóc nấm mối đen đòi hỏi kỹ thuật khắt khe từ khâu xử lý phôi nấm đến nuôi trồng phải đảm bảo sạch hoàn toàn.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Năm 2022, trung tâm được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ kinh phí để trồng thử nghiệm nấm mối đen. Trong quá trình trồng thử nghiệm chúng tôi thấy nấm mối đen có thể phát triển tốt ở Lai Châu. Bởi, Lai Châu có khí hậu tương đối mát mẻ, không khí trong lành. Tuy nhiên, trồng nấm mối đen chi phí đầu tư cao, đòi hỏi yêu cầu khá khắt khe, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu, giá thể đến tuyển chọn giống. Quá trình chăm sóc phải tuân theo quy định nghiêm ngặt, trong đó yêu cầu cao nhất là nhiệt độ và độ ẩm. Ngoài ra, nấm mối đen còn có một yêu cầu khác so với các loại nấm thông thường, đó là phải phủ một lớp cát hoặc đất trên giá thể thì năng suất thu hoạch mới ổn định. Giá nấm mối đen khô dao động từ 5-7 triệu đồng/kg.
Việc triển khai mô hình trồng nấm mối đen theo hướng hữu cơ góp phần cung cấp sản phẩm mới có giá trị, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đây được xem là mô hình tiềm năng có thể nhân rộng giúp người dân trên địa bàn tỉnh có thêm việc làm, tăng thu nhập.

Đức Bình

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, mặc dù tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sìn Hồ có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu nói chung,...
Khó kiểm soát giết mổ gia súc
Kiểm soát giết mổ gia súc là khâu quan trọng trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, thực trạng giết mổ gia súc nhỏ, lẻ và phân tán vì chưa có cơ sở giết mổ tập trung đã và đang...
Một đời tận tụy với ngành Điện
(BLC) - Đó là chị Vương Thị Thanh Thủy - Phó Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Lai Châu. Tâm huyết, trách nhiệm và tận tụy với mọi công việc, chị Thủy đã cùng với biết bao thế hệ cán bộ ngành Điện...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.