Thứ hai, 02/12/2024, 00:36 [GMT+7]

Xã Thu Lũm: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thứ tư, 22/11/2023 - 16:29'
Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè về đích nông thôn mới. Nghị quyết Đại Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Quyết tâm thực hiện, cả hệ thống chính trị xã nỗ lực triển khai các giải pháp.

Đồng chí Lỳ Pó Chừ - Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm cho biết: Là xã biên giới xa nhất của huyện, Thu Lũm có 9 bản, trên 500 hộ dân với trên 81% dân tộc Hà Nhì. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, Đảng bộ xã xác định: tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; phát triển cây dược liệu; hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng. Chủ động đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chăn nuôi có chuồng trại, bán chăn thả. Cùng với đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, mở rộng phát triển hoạt động dịch vụ - thương mại, nhất là một số dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tăng cường phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng bền vững, tăng năng suất, sản lượng. Phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị nông sản; chuyển đổi hình thức sản xuất quy mô nhỏ sang thâm canh, tăng vụ, có sản phẩm lưu thông trên thị trường.
Hiện, xã đã quy hoạch, tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng kinh tế: Khu vực có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển thực hiện công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăm sóc ổn định trên 500ha cây thảo quả; phát triển cây dược liệu, trong đó chú trọng vào sâm Lai Châu; khuyến khích người dân mở rộng diện tích ớt trung đoàn. Khu vực có độ cao từ 800m-1.500m duy trì diện tích ruộng và tiến hành thâm canh tăng vụ. Còn vùng có độ cao dưới 800m trồng xen cây mắc-ca trên diện tích trồng sả, sa mu và khai hoang mở rộng diện tích ruộng, quy hoạch vùng trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng quế.

Cán bộ xã Thu Lũm hướng dẫn dân bản Pa Thắng chăm sóc cây mắc-ca.

Anh Lê Tam Thanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Nga (bản Thu Lũm) chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng lợi thế của địa phương, chúng tôi thành lập HTX chuyên thu mua, chế biến nông sản cho nhân dân. Cây thảo quả và ớt trung đoàn là thế mạnh của xã. Từ năm 2020, HTX đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm thảo quả sấy khô và quả ớt trung đoàn ngâm giấm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Duy trì sản lượng cung ứng ra thị trường, hằng năm, HTX thu mua hàng chục tấn thảo quả và ớt, tạo nguồn thu ổn định cho bà con, thậm chí có gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, HTX sẽ phấn đấu nâng hạng OCOP 4 sao đối với các sản phẩm này.
Xác định đúng, trúng hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 82,4% (vượt 7% so với chỉ tiêu nghị quyết); bình quân lương thực đầu người đạt 521kg/năm (đạt gần 118% chỉ tiêu nghị quyết). Từ các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân trong xã trồng trên 167ha cây sa nhân tím, trên 131ha cây mắc-ca, gần 2ha cây dược liệu, trong đó gần 0,5ha sâm Lai Châu; ngoài ra có khoảng 500ha cây sả, trên 10ha ớt trung đoàn... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, đạt gần 92% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã.
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, nhân dân xã Thu Lũm tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, hiệu quả kinh tế. Thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia trồng rừng kinh tế, sâm Lai Châu, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản cho nhân dân… Từ đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo diện mạo mới cho miền đất biên cương cực Tây của Tổ quốc.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Trưởng bản gương mẫu làm kinh tế
Ở bản Bút Trên (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên), dân bản luôn dành sự ngưỡng mộ đối với trưởng bản Cầm Văn Nhờ bởi cách làm kinh tế của gia đình anh. Tận dụng vốn liếng của cha mẹ để lại, gia đình...