Thứ bảy, 27/04/2024, 07:11 [GMT+7]

Xóa đói giảm nghèo - Khi người dân làm chủ

Thứ hai, 19/10/2020 - 09:58'
Trợ lực nào để huyện Tân Uyên “cất cánh” được như hôm nay? Câu hỏi này được trả lời từ chính sách mang tính nhân văn của Đảng, Nhà nước qua chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mà Nhân dân huyện Tân Uyên được làm chủ, tận dụng triệt để và hiệu quả trong 5 năm qua.

Trời sang thu, đi trên con đường bêtông về bản Bút Trên (xã Trung Đồng), bao bọc xung quanh là những cánh đồng, tranh thủ tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, hít hà mùi ngai ngái của đất, mùi nồng của rơm rạ, mùi thơm của lúa rồi thỏa thuê ngắm nhìn những cánh rừng xanh, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một vùng quê nghèo khó thuở nào. Nghèo khó cũng phải, bởi cách đây chưa lâu, đường từ trụ sở UBND xã đi vào các bản: Bút Trên, Hua Cưởm, Hua Chăng chưa có đường bêtông như bây giờ. Cứ trời mưa là trơn trượt, trời nắng thì đỡ hơn một chút, nông sản bà con làm ra gồng gánh, thông thương nào đâu có dễ. Nhưng bây giờ các nguồn vốn đầu tư cho đường giao thông đã đem đến nơi đây một diện mạo mới, các mô hình lúa, chè, chanh leo rồi các loại cây ăn quả, cây màu ngắn ngày đang được nông dân thực hiện.

Nông dân xã Trung Đồng (huyện Tân Uyên) thu hoạch lúa mùa. 

Anh Tòng Văn Dung - Trưởng bản Bút Dưới cầm trên tay nắm lúa vừa gặt, vàng ươm, không giấu nổi niềm nui: Vụ mùa này năng suất lúa cao gấp đôi năm ngoái đấy! Chị xem, những bông nặng trĩu hạt thế này thì năm nay bà con ấm bụng rồi. Gia đình tôi năm ngoái thu về 15 bao thóc mà năm nay được 40 bao. Ngay khi bắt đầu vào vụ, bản họp bà con, quán triệt từng thời điểm xuống giống, phun thuốc trừ sâu, bón phân, chăm sóc lúa hay kể cả thu hoạch cũng phải thực hiện đồng loạt. Việc chọn giống cũng phải thống nhất một loại tránh sâu bệnh lây lan ra các thửa ruộng khác và khung thời vụ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều giống lúa bà con được hỗ trợ đã giảm bớt gánh nặng chi phí cho những hộ nghèo, thu nhập thấp.

Làm rõ vai trò định hướng của cấp ủy, chính quyền cho người dân tìm hướng đi trong xóa đói giảm nghèo, đồng chí Vàng A Kỷ - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Đồng cho hay, xã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng ủy xã xuống sinh hoạt với các chi bộ bản, từ đó nắm bắt rõ tình hình thực tế; thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ. Cũng từ đó xã có chủ trương vận động nông dân chuyển đổi mục đích đối với diện tích đất ruộng 1 vụ sang trồng các loại cây màu như: lạc, khoai tây và các loại cây ăn quả ngắn ngày. Nhiều hộ đồng thuận ngay vì không muốn để “đất chết”, trong đó điển hình là gia đình ông Thào A Nhà (bản Hua Cưởm 2) đã đăng ký trồng 1,5ha chuối ngay sau khi thu hoạch xong lúa mùa.

Thật chẳng sai chút nào khi đồng chí Lê Thị Tình - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện nói rằng, trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, dù được Nhà nước hỗ trợ bằng nhiều phương thức khác nhau song Nhân dân là người trực tiếp được hưởng lợi từ các chương trình, chính sách, do vậy họ được trao quyền trong việc trực tiếp tham gia hoặc cử đại diện tham gia vào các hoạt động. Là chủ của các công trình đầu tư phúc lợi công cộng, người dân cũng sẽ có ý thức trong việc gìn giữ và phát huy hiệu quả những gì được hỗ trợ. Và hơn hết, là họ được thông báo về chủ trương, kế hoạch đầu tư; được hỏi ý kiến, bàn bạc, thảo luận; được tham gia, ra quyết định, giám sát, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của huyện Tân Uyên, ngân sách Trung ương bố trí cho công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện giai đoạn 2016-2020 gần 244 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chương trình 30a/CP trên 196,6 tỷ đồng; nguồn vốn chương trình 135/CP trên 50,2 tỷ đồng, chủ yếu bố trí cho các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sự nghiệp. Để nguồn hỗ trợ mang lại hiệu quả tốt nhất, UBND từ huyện đến các xã, thị trấn kịp thời thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo; thành lập tổ công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho trưởng bản, tổ dân phố. Các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêu chí rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo đến toàn thể Nhân dân. Các nguồn vốn chương trình 135/CP, 30a/CP đầu tư về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn cho đối tượng thụ hưởng đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều chính sách an sinh xã hội và trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập để vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, huyện được công nhận thoát nghèo và đến cuối năm 2019 huyện có 7 xã, 86 bản, tổ dân phố thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn (hiện còn 3 xã, 41 bản đặc biệt khó khăn).

Ông Nguyễn Thanh Văn - Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, huyện đã xây dựng kế hoạch, trong đó đề ra 5 mục tiêu cụ thể và 6 giải pháp trọng tâm để thực hiện. Các mục tiêu và giải pháp cụ thể được đưa ra trên quan điểm "sát thực tế, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của Nhân dân" nên trong quá trình tổ chức thực hiện tạo được sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của bà con. Nhờ các chính sách phát triển kinh tế, kết hợp với sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành, nhận thức của Nhân dân được nâng lên. Hộ nghèo nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy nội lực trong công tác giảm nghèo nên ý thức vươn lên thoát nghèo, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước giảm. Bằng chứng rõ nhất là trên địa bàn xã Thân Thuộc có trên 10 hộ viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo - điều mà nhiều địa phương khác không dễ làm được.

Với quyết tâm cao, hằng năm huyện Tân Uyên đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giảm nghèo của huyện là 31,58% (bình quân giảm 6,32%/năm). Nhìn lại cả một chặng đường, huyện đã giảm gần 30% tỷ lệ hộ nghèo chỉ trong 3 năm, từ 39,3% (đầu năm 2016) xuống còn 9,37% (cuối năm 2019). Dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 7,72%, vượt 10,7% mục tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,4 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên 33 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2019. Những con số thật đáng tự hào, mang dấu ấn của ý Đảng - lòng dân.

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đăng kiểm xe cơ giới: Khâu quan trọng để đảm bảo an toàn
Đến Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới (Sở Giao thông Vận tải) vào ngày thứ 2 đầu tuần, chúng tôi thấy lượng xe đến đăng kiểm lớn, gần kín sân trung tâm. Các cán bộ nơi đây ai nấy đều tập trung cao độ...
Đa dạng hình thức phát triển kinh tế
(BLC) - 16 năm nay anh Nguyễn Xuân Oanh ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) đã có nhiều việc làm thiết thực cùng với người dân giữ gìn màu xanh cho các cánh rừng vừa phát triển...