Ông Nguyễn Trọng Lịch - Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho chúng tôi biết: Quỹ được thành lập từ năm 2009 theo hình thức hoạt động kiêm nhiệm. Đến cuối năm 2011, Quỹ là đơn vị độc lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT với bộ máy gồm Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ, Ban quản lý Quỹ và chính thức đi vào hoạt động độc lập từ năm 2012. Tập trung triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010, tiếp nhận và giải ngân tiền trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng...
Để Quỹ hoạt động hiệu quả, tỉnh đã ban hành Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 30/7/2009 về việc thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu; Quyết định số 42/2011/QĐ-UBND ngày 23/12/2011 về việc Ban hành điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu; Quỹ cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về trình tự, hồ sơ thủ tục thanh, quyết toán nguồn DVMTR và trồng rừng thay thế để các đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo quy định.
Theo đó, các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan chuyên môn tổ chức phối hợp thực hiện chính sách. Một số huyện đã ban hành Nghị quyết về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016-2020: Tân Uyên, Nậm Nhùn, Mường Tè, thành phố Lai Châu ..
Công tác tuyên truyền về bảo vệ, phát triển rừng được đẩy mạnh. 8 năm qua đã tổ chức tuyên truyền tại cộng đồng dân cư thôn bản với 3.522 cuộc họp, 102.929 lượt người tham gia. Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm thành phố phối hợp tuyên truyền về chính sách, tổ chức cắm 977 biển, in phát 10.233 tờ rơi, tờ gấp, làm 190 áp phích... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về chính sách chi trả DVMTR nói riêng và công tác bảo vệ và phát triển rừng nói chung trên địa bàn tỉnh.
Để tạo nguồn kinh phí, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, xác định phần chuyển trả của tỉnh và triển khai tiếp nhận tiền ủy thác chi trả DVMTR của các cơ sở sử dụng DVMTR đảm bảo đúng quy định. Đối với các nhà máy thủy điện sử dụng DVMTR có lưu vực trong tỉnh. Từ năm 2012 – 2015 đã thu được 712.496.824 nghìn đồng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tốt việc đôn đốc và tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế của các đơn vị với tổng số 123.157.715 nghìn đồng.
Công tác giám sát, thanh kiểm tra việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý và công tác chi trả cho người cung cấp DVMTR tại Quỹ tỉnh; việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý tại một số Ban quản lý rừng phòng hộ và công tác chi trả cho người nhận khoán; công tác thanh, quyết toán tiền DVMTR tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các tổ chức được giao trách nhiệm quản lý rừng; việc quản lý sử dụng tiền DVMTR tại cơ sở; việc chi trả tiền DVMTR cho người dân nhận khoán bảo vệ rừng; trách nhiệm của người nhận khoán theo hợp đồng đã ký kết được đẩy mạnh. Qua đó đảm bảo việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR theo các quy định hiện hành.
Rừng được bảo vệ và phát triển
Sau gần 8 năm hoạt động, Quỹ đã có tác động tích cực tới công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ và phát triển rừng. Từ nguồn kinh phí, Quỹ hỗ trợ 13 chương trình, dự án với tổng kinh phí 16.203.504 nghìn đồng. Trong đó, hỗ trợ cây giống trồng mới 200,9ha rừng; hỗ trợ xây dựng 13 chốt gác bảo vệ rừng, 3 Trạm quản lý bảo vệ rừng, 1 vườn ươm giống cây nông, lâm nghiệp, cây ăn quả; xây dựng công trình trụ sở làm việc, vườn ươm Ban Quản lý rừng phòng hộ Nậm Na tại xã Xà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ ...
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương nhiệm vụ trồng rừng thay thế diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện, toàn tỉnh có khoảng 2.425,11ha. Năm 2015 tỉnh phê duyệt 8 dự án trồng rừng thay thế với tổng diện tích 1.798,39ha; năm 2016 với 14 dự án với tổng diện tích 4.209ha. Đến nay, diện tích rừng đã trồng được là 3.058,4ha.
Đặc biệt là, các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đã thành lập 962 Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng của thôn bản, ban hành quy chế hoạt động của Tổ và phân phối thu nhập từ nguồn DVMTR. Một số Tổ chuyên trách đã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể như: nếu hộ gia đình không tham gia kiểm tra rừng, trực chốt gác, lần đầu sẽ bị trừ tiền chi trả DVMTR cuối năm, lần 2 không tham gia mức trừ sẽ tăng thêm và nếu không tham gia lần thứ 3, bản sẽ loại khỏi danh sách được hưởng tiền chi trả DVMTR. Tổ chuyên trách thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt trong mùa khô với các dụng cụ như dao phát, quần áo bảo hộ, …được trích từ nguồn thu DVMTR trang bị; có nơi còn làm đường để tuần tra rừng. Tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao đã phát 136 km đường băng cản lửa để phòng chống cháy rừng, lập 25 chốt gác bảo vệ rừng...
Ông Nguyễn Đình Thượng - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tam Đường cho biết: Hiện nay huyện có trên 31 nghìn ha rừng được nhận khoán bảo vệ, 75.000 hộ, 138 tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng. Tổ trưởng chuyên trách là Trưởng bản, đại diện các hộ gia đình là thành viên. Các Tổ tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong bản cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy rừng và thực hiện các chính sách chi trả DVMTR; xây dựng kế hoạch tuần tra, phân công ứng trực 24/24 trong thời gian cao điểm. Kinh phí hỗ trợ cho các thành viên khi tham gia tuần tra, canh gác bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, mua sắm dụng cụ cần thiết...được trích từ tiền DVMTR hàng năm của các bản. Nhờ đó, việc quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả rõ rệt.
Tìm hiểu chúng tôi được biết thêm, nhiều bản còn xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng, các hành vi vi phạm ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn xử lý theo quy ước, hương ước của bản. Đặc biệt xã Nùng Nàng huyện Tam Đường đã có thông báo số 46/TB-UBND ngày 30/10/2012 về việc xử lý tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn gửi các phường, xã lân cận để phối hợp thực hiện. Các mô hình quản lý rừng cộng đồng bản dần được hoàn thiện về mặt quản lý, tổ chức, hoạt động ngày càng quy củ và có tính bền vững hơn. Nhiều người dân ở huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên đã dành tiền DVMTR mua cây giống để trồng rừng, làm giầu rừng.
Với những hoạt động thiết thực, diện tích cung cấp DVMTR với trên 429 nghìn ha được bảo vệ tốt. Số vụ phá rừng, cháy rừng, diện tích cháy và số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng đã giảm đáng kể (so với năm 2012 giảm 7 vụ phá rừng trái phép; 16 vụ số vụ cháy rừng; trên địa bàn tỉnh không có tụ điểm lớn về phá rừng, kinh doanh lâm sản trái phép. Diện tích rừng được nâng lên đáng kể; độ che phủ rừng từ 41,6% năm 2011 lên 45,4 % năm 2015. Góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, đa dạng sinh học nâng lên; giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.