

Du khách check-in tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải (xã Tả Lèng)
Xã Tả Lèng có 26 bản, chủ yếu là các dân tộc: Dao, Mông, Thái, Kinh sinh sống. Hiện nay, toàn xã đã có 14/26 bản đạt tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Đây không chỉ là con số mang tính phong trào, mà phản ánh rõ nét nỗ lực từ cơ sở.
Tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, nơi sinh sống của hơn 60 hộ dân tộc Dao đầu bằng, chúng tôi dễ dàng cảm nhận không gian sống văn hóa, văn minh đang lan tỏa. Không chỉ nổi tiếng là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn với cảnh quan đẹp, người dân thân thiện, bản còn là điển hình trong thực hiện nếp sống văn hóa mới gắn với bảo vệ môi trường. Và, gia đình chị Lù Thị Phương là một trong những hộ tiên phong. Từ năm 2020, chị cùng chú là ông Lù A Pao xây dựng homestay “Pao Bạch” phục vụ khách du lịch với 2 không gian lưu trú: một phòng tập thể có sức chứa khoảng 30 người và một phòng nghỉ khép kín tiện nghi. Đồng thời, trồng hoa quanh sân nhà, phân loại rác thải, di dời chuồng trại ra lán nương để giữ gìn môi trường sống trong lành.
Nguồn thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm và rau xanh) phục vụ bữa ăn của du khách đảm bảo chất lượng và đều được gia đình chị tự sản xuất. Ngoài hoạt động lưu trú, chị Phương còn bán thêm các loại nông sản sạch và đặc sản địa phương như: thịt lợn sấy, mật ong rừng…
Chị Phương chia sẻ: “Khi chưa làm dịch vụ du lịch thì gia đình tôi cũng chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông là chính; chưa chú trọng bảo vệ môi trường. Giờ thì điều này luôn được đặc biệt quan tâm, thực hiện. Bởi không chỉ phục vụ du khách mà còn bảo vệ sức khỏe của những người thân trong gia đình nữa”.
Không chỉ có cảnh quan xanh, bản Sì Thâu Chải còn giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống: trang phục, lễ tủ cải, nếp nhà trình tường, tiếng nói… Các hộ dân làm du lịch đều cam kết không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, giữ thái độ thân thiện, văn minh với khách du lịch. Đây chính là sự “song hành” để gìn giữ bản sắc và xây dựng đời sống văn hóa mới - yếu tố cốt lõi để phát triển bền vững.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lù Văn Trân - Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội xã Tả Lèng cho biết: “Những năm gần đây, thu nhập khá hơn, bà con bắt đầu quan tâm cải thiện môi trường sống. Nhiều hộ di dời chuồng trại xa nhà; góp sức xây dựng hệ thống điện thắp sáng tuyến đường nội bản. Đây là kết quả từ sự tuyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc” thường xuyên của xã cùng các tổ chức đoàn thể. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng bản “sáng - xanh - sạch - đẹp”; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tạo chuyển biến đồng bộ, bền vững cả về môi trường và nếp sống cộng đồng”.
Để nếp sống văn hóa mới thực sự lan tỏa, xã Tả Lèng sẽ chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, duy trì phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh, thiếu niên, hội viên phụ nữ. Với những bản có tiềm năng du lịch, vận động người dân gìn giữ bản sắc kết hợp phát triển du lịch nhưng không thương mại hóa quá mức và chú trọng bảo vệ môi trường.
Khi người dân chủ động thay đổi tư duy, chính quyền sát sao đồng hành, các tổ chức đoàn thể vào cuộc hiệu quả, thì đời sống văn hóa mới không chỉ hiện hữu trong nếp nghĩ, cách làm mà còn hiện rõ trong diện mạo nông thôn mới vùng cao.

Diện mạo nông thôn khởi sắc
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới ở huyện Nậm Nhùn

Phong Thổ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Tả Phìn: Xây dựng đường giao thông nội bản

Nam Định xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Huổi Luông

Xã Bản Bo: Nỗ lực ''cán đích'' nông thôn mới nâng cao







